Thêm nhiều thuốc biệt dược và thuốc sản xuất trong nước được cấp mới, gia hạn

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ban hành các quyết định công bố danh mục 135 thuốc biệt dược gốc, thuốc sản xuất trong nước.

Trong số 135 thuốc biệt dược gốc, thuốc sản xuất trong nước được công bố, cấp mới, gia hạn lần này có 82 thuốc biệt dược gốc, là các thuốc sản xuất tại Pháp, Ý, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hungary, Thụy Sĩ, Ireland, Hy Lạp, Thụy Điển... bao gồm kháng sinh, thuốc nhỏ mắt, thuốc tim mạch, hỗn dịch khí dung dùng để hít, thuốc mỡ tra mắt...

Có 18 thuốc sản xuất trong nước được gia hạn giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam đợt 192, trong đó 13 thuốc có hiệu lực 5 năm; 5 thuốc còn lại có hiệu lực trong 3 năm.

Trong số 135 thuốc biệt dược gốc, thuốc sản xuất trong nước vừa được Bộ Y tế công bố, cấp mới, gia hạn có nhiều thuốc nhập khẩu bao gồm kháng sinh, thuốc nhỏ mắt, thuốc tim mạch...

Trong số 35 thuốc sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành, trong đó 33 thuốc có hiệu lực 5 năm; 2 thuốc còn lại có hiệu lực trong 3 năm.

Được biết thời gian qua các cơ sở y tế vật vã vì vấn nạn thiếu thuốc chữa bệnh. Lãnh đạo Bộ Y tế là ông Trần Văn Thuấn cho hay, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 80/2023/QH15 của Quốc hội, Bộ Y tế đã có 8 đợt công bố gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đến hết ngày 31/12/2023 với tổng số thuốc, nguyên liệu làm thuốc được công bố là 11.703.

Bộ cũng tiến hành cấp mới/gia hạn giấy đăng ký lưu hành theo Luật Dược 2016 cho 4.087 thuốc; trình Hội đồng tư vấn xem xét, chuẩn bị cấp, gia hạn cho gần 1.200 thuốc, giải quyết trên 9.000 hồ sơ thay đổi, bổ sung.

Đồng thời, ưu tiên giải quyết ngay các đơn hàng nhập khẩu thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế. Ngoài ra, Bộ Y tế đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 03/3/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021, trong đó đã cho phép kéo dài hiệu lực đến 31/12/2024 đối với 12.500 giấy phép nhập khẩu đã được cấp. Bộ Y tế đã công bố 32.108 hồ sơ trang thiết bị loại A; 17.538 hồ sơ trang thiết bị loại B; tiếp nhận 12.011 hồ sơ trang thiết bị loại C, D (xử lý xong 3.710 hồ sơ).

Đến nay, có trên 64.000 hồ sơ (trên 100.000 chủng loại) thiết bị đã được gia hạn, cấp phép đang còn hiệu lực. Với việc tăng cường công tác cấp phép lưu hành, gia hạn giấy phép lưu hành đến thời điểm hiện tại về cơ bản giải quyết được vướng mắc của các cơ sở y tế về việc thiếu thuốc do hết hạn số đăng ký lưu hành, cấp phép trang thiết bị góp phần bảo đảm nguồn cung ứng thuốc, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của các cơ sở khám, chữa bệnh.

Về công tác chỉ đạo, điều hành, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, cơ quan này đã phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan;

Bộ Y tế cũng thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập thuốc quốc gia, đàm phán giá; Tăng cường công bố các thông tin phục vụ đấu thầu;

Phối hợp cùng các địa phương và các cơ sở y tế rà soát các vướng mắc liên quan tới việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị vật tư y tế để tổng hợp đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc hướng dẫn, trả lời kiến nghị theo thẩm quyền;

Đồng thời tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và các giải pháp nhằm ổn định tư tưởng cho cán bộ y tế và chuyên gia thẩm định hồ sơ; tiếp tục đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng công chức và chuyên gia thẩm định xin thôi việc hoặc không tham gia thẩm định hồ sơ; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết hồ sơ trực tuyến;

Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thực hiện công tác đấu thầu trong phạm vi phụ trách. Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xử lý tình huống theo các quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, không tham mưu, không đề xuất, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc sợ trách nhiệm, không dám thực hiện.

Với câu hỏi liệu các giải pháp nêu trên có khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong năm 2024 hay không theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hệ thống văn bản về thuốc và trang thiết bị y tế tiếp tục được hoàn thiện.

Hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành cơ quan liên quan: Sửa đổi Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT, Luật Giá, Sửa đổi Luật Dược 2016, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 54/2017/NĐ-CP và Nghị định số 155/2018/NĐ-CP, Nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu…

Bộ này cũng đang tiếp tục xây dựng và ban hành các Thông tư thay thế Thông tư số 15/2019/TT-BYT; Thông tư thay thế Thông tư số 15/2020/TT-BYT; các Thông tư hướng dẫn nội dung y tế trong Luật Đấu thầu mới.

Lãnh đạo Bộ Y tế nói rằng việc sửa đổi các văn bản pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; đồng thời tạo khung khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các đơn vị tham gia đấu thầu và cán bộ y tế yên tâm thực hiện. Việc này sẽ giải quyết căn cơ hướng tới khắc phục triệt để vấn đề thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế.

Tuy nhiên còn nhiều việc cần tiếp tục chỉ đạo và có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở y tế. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên và tăng cường kiểm tra, giám sát và cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, khắc phục tình trạng né tránh, không tham mưu, không đề xuất, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên hoặc sợ trách nhiệm, không dám thực hiện.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/them-nhieu-thuoc-biet-duoc-va-thuoc-san-xuat-trong-nuoc-duoc--cap-moi-gia-han-d209089.html