Thêm nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ

Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói chung và DNNVV do phụ nữ làm chủ nói riêng ngày càng có những đóng góp quan trọng trong tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, giảm đói nghèo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề tiếp cận nguồn tài chính.

Góp phần tích cực cho tăng trưởng kinh tế

Theo Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Khương Thanh Hà, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế và là nhân tố đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần trao quyền cho phụ nữ qua cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp. Xu thế lãnh đạo là phụ nữ trong khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng phổ biến. Sự phát triển của DNNVV do phụ nữ làm chủ có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao vị thế của phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới. Việc hỗ trợ các DNNVV do phụ nữ làm chủ là yêu cầu thực tiễn đối với Việt Nam. Vấn đề tiếp cận tài chính đối với các DNNVV do phụ nữ làm chủ luôn là ưu tiên với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ đầu tư và phát triển tại địa phương, nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại là một kênh hỗ trợ quan trọng cho doanh nghiệp.

Nhân viên ngân hàng SHB tư vấn tài chính cho khách hàng là nữ chủ doanh nghiệp. Ảnh: HỒNG NHUNG

Ông Donald Lambert, Giám đốc phụ trách Khu vực tư nhân tại Việt Nam (đại diện Văn phòng Ngân hàng Phát triển Châu Á-ADB tại Việt Nam) cho rằng, có những khác biệt giữa DNNVV do nữ giới và nam giới làm chủ. Nghiên cứu của ADB cho thấy, các khoản vay được cung cấp cho DNNVV do nữ giới làm chủ chiếm tỷ trọng khiêm tốn hơn so với nam giới. Ông Donald Lambert mong muốn sớm giải quyết vấn đề chênh lệch hiện nay, từ đó mang lại những giá trị tốt hơn cho các DNNVV do nữ giới làm chủ.

Hợp đồng tín dụng trị giá 120 triệu USD

Theo những nghiên cứu của ADB về khả năng tiếp cận tài chính của DNNVV do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam, dưới góc độ của cả bên cung và bên cầu thì các doanh nghiệp này chiếm trung bình 22% trong danh mục cho vay DNNVV tổng thể của ngân hàng với số lượng các khoản cho vay dành cho phụ nữ nhìn chung ổn định trong vài năm qua. Nghiên cứu này cũng cho thấy, các DNNVV do phụ nữ làm chủ có tỷ lệ hoàn trả khoản vay liên tục tốt hơn. Các ngân hàng thương mại là nguồn vốn đáng tin cậy nhất của các nữ chủ doanh nghiệp. Khi cần vốn, đại đa số DNNVV do phụ nữ làm chủ tìm cách vay ngân hàng, ít người phụ thuộc vào các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác.

Các chuyên gia mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo; kêu gọi, khuyến khích các tổ chức tài chính đầu tư vào phân khúc thị trường này; nâng cao kiến thức về đầu tư dưới lăng kính giới; cải thiện các chương trình bảo lãnh dành cho các DNNVV. Đồng thời thúc đẩy cơ chế cho vay dành cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, coi đây như một chiến lược phòng ngừa rủi ro tích cực để bảo vệ ngân hàng trước tình trạng giảm sút chất lượng danh mục cho vay. Đối với các tổ chức tài chính, nên bắt đầu thu thập dữ liệu phân tách theo giới ở cấp danh mục đầu tư một cách thường xuyên; thiết kế, triển khai các chiến lược về giới ở cấp doanh nghiệp và danh mục đầu tư; phát triển các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu và thiên hướng riêng của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) vừa qua đã ký kết hợp đồng tín dụng với gói vay trị giá 120 triệu USD. Ngoài ra, IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng thế giới, sẽ tiếp tục xúc tiến một gói vay bổ sung kèm quyền chọn tăng thêm huy động từ các bên cho vay quốc tế dành cho SHB. Cụ thể, hai bên ký kết khoản vay đầu tiên trong tổng gói vay 120 triệu USD từ nguồn vốn trực tiếp của IFC. Khoản vay có kỳ hạn 3 năm nhằm hỗ trợ tăng trưởng danh mục cho vay DNNVV của SHB, bao gồm các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.

SHB cam kết sẽ dành riêng tối thiểu 37,5% giá trị khoản vay này để cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vay và sẽ nhận được khoản tài trợ 226.000USD từ Quỹ Sáng kiến tài chính dành cho nữ doanh nhân (We-Fi) và Quỹ Tạo cơ hội cho nữ doanh nhân (WEOF)-các sáng kiến tài trợ toàn cầu với mục tiêu mở rộng cơ hội tiếp cận vốn cho nữ doanh nhân. IFC cũng dự kiến sẽ cung cấp hạn mức bảo lãnh tài trợ thương mại 75 triệu USD cho SHB trong khuôn khổ Chương trình tài trợ thương mại toàn cầu (GTFP). Việc tham gia GTFP sẽ giúp SHB mở rộng mạng lưới ngân hàng đối tác toàn cầu, đồng thời góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng về thương mại, hỗ trợ các hoạt động xuất, nhập khẩu cho các doanh nghiệp trong nước.

“Việc IFC và nhiều tổ chức tài chính quốc tế đồng hành với SHB trong thời gian qua tiếp tục khẳng định uy tín và năng lực của SHB trên thị trường tài chính quốc tế, đồng thời khẳng định định hướng đúng đắn của ngân hàng trong việc phát triển an toàn, mạnh mẽ, đáp ứng đầy đủ, toàn diện các tiêu chuẩn an toàn, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế,” bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB chia sẻ.

VIỆT ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/them-nguon-luc-tai-chinh-cho-cac-doanh-nghiep-do-phu-nu-lam-chu-723180