Thêm một số bị cáo khắc phục hậu quả trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB

Tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan diễn ra sáng 5-3 tại TP Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử đã thực hiện các trình tự bước đầu của phiên xét xử.

Theo Hội đồng xét xử, cùng với các bị cáo, số người liên quan được triệu tập tại phiên tòa là hơn 2.400 người. Có 5 bị cáo sẽ bị xét xử vắng mặt do đã bỏ trốn.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Tại phiên tòa, thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Hội đồng xét xử cũng thực hiện thủ tục kiểm tra sự có mặt của các bị cáo và những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo, phổ biến quyền, nghĩa vụ của đương sự và của người tham gia tố tụng khác...

Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định xét xử vụ án.

Thẩm phán Phạm Lương Toản, Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định xét xử vụ án.

Bị cáo Trương Mỹ Lan xuất hiện tại tòa trong tình trạng sức khỏe ổn định, khai đã được cơ quan tố tụng tống đạt cáo trạng truy tố trước khi phiên tòa diễn ra 2 tuần. Bị cáo Chu Lập Cơ, chồng bà Lan cũng xuất hiện tại tòa và trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử và được phiên dịch trực tiếp tại tòa xác nhận sức khỏe ổn định.

Theo cáo trạng tại phiên tòa, bà Trương Mỹ Lan dùng nhiều hình thức thâu tóm, nắm quyền chi phối trên thực tế 91,5% số cổ phần Ngân hàng SCB và trong thời gian 10 năm (2012-2022); đã dùng nhiều phương thức chi phối, lũng đoạn để Ngân hàng SCB giải ngân cho nhóm bà Lan và các công ty ma do bà Lan lập nên ở hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng. Đến ngày 17-10-2022, có gần 1.300 khoản vay không có khả năng thu hồi với dư nợ hơn 677.000 tỷ đồng. Nhóm bà Lan chiếm đoạt của SCB hơn 498.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, một số bị cáo đã bước đầu khắc phục hậu quả xảy ra trong quá trình sai phạm. Các bị cáo là cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước đã nộp tiền khắc phục hậu quả gồm: Nguyễn Văn Hưng (nguyên Phó chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước) đã nộp số tiền 390.000 USD; Nguyễn Thị Phụng (nguyên Phó cục trưởng Cục Thanh tra) nộp 20.000 USD và 210 triệu đồng; Bùi Tuấn Khoa (cựu Phó cục trưởng Cục Thanh tra) nộp lại 100 triệu đồng; Vương Đỗ Anh Tuấn (nguyên Trưởng phòng Thanh tra) nộp 20.000 USD; Lê Thanh Hà (nguyên Phó chánh Thanh tra, kiểm toán) nộp 14.000 USD và 100 triệu đồng; Nguyễn Văn Thùy (cựu Phó trưởng Ban kiểm tra) nộp 21.000 USD và 60 triệu đồng; Trương Việt Hưng (cựu thanh tra viên) nộp 600 USD; Nguyễn Duy Phương (cựu thanh tra viên) nộp 1.000 USD và 20 triệu đồng; Nguyễn Văn Dũng (nguyên Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) nộp 15.000 USD và 400 triệu đồng; Nguyễn Thị Phi Loan (nguyên Phó chánh Thanh tra, giám sát) nộp 470 triệu đồng; Võ Văn Thuần (nguyên Phó chánh Thanh tra, giám sát) nộp 1,85 tỷ đồng; Nguyễn Tín (cựu thanh tra viên) nộp 500 triệu đồng; Phan Tấn Trung (nguyên Phó chánh Thanh tra, giám sát) nộp 554 triệu đồng và Đỗ Thị Nhàn (nguyên Cục trưởng Thanh tra, giám sát) nộp số tiền 4,8 triệu USD và 10 sổ tiết kiệm có số tiền hơn 10 tỷ đồng….

Trong giai đoạn truy tố, cơ quan chức năng đã thu giữ của các bị cáo số tiền 55,4 tỷ đồng. Trước khi phiên tòa diễn ra, người thân của 10 bị cáo đã nộp thêm gần 6,2 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất gồm: Gia đình bị cáo Bùi Anh Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) nộp 4,5 tỷ đồng; gia đình bị cáo Phan Tấn Trung (cựu Phó chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) nộp 546 triệu đồng; Nguyễn Thanh Tùng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dầu khí Đông Phương) nộp 500 triệu đồng...

Tin, ảnh: BẢO MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/tin-tuc/them-mot-so-bi-cao-khac-phuc-hau-qua-trong-vu-an-xay-ra-tai-tap-doan-van-thinh-phat-va-ngan-hang-scb-767466