Thêm một quốc gia EU nối lại mua khí đốt của Nga

Lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga của Bỉ trong tháng 10 đã tăng lên 448,6 triệu mét khối, sau 5 tháng liên tục hạn chế mua mặt hàng nhiên liệu này của Moscow.

Tờ RIA Novosti đưa tin, trích dẫn dữ liệu thống kê của Liên minh châu (EU), xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga sang Bỉ đã tăng gấp 6 lần trong tháng 10.

Lượng nhập khẩu khí LNG Nga của Bỉ trong tháng 10 bất ngờ tăng lên 448,6 triệu mét khối. Ảnh: Eergyintel.

Vào tháng 4, quốc gia EU này đã mua kỷ lục 745 triệu mét khối (mcm) LNG của Nga, sau đó bắt đầu giảm dần lượng nhập khẩu xuống còn 74 mcm vào tháng 9.

Tuy nhiên, trong tháng 10, lượng nhập khẩu khí LNG Nga của Bỉ đã tăng lên 448,6 mcm. Tính về giá trị, nhập khẩu LNG từ Nga sang Bỉ tăng gấp 7 lần đạt mức 166 triệu euro. Tính đến cuối tháng 10, quốc gia EU này chiếm gần 37% lượng nhập khẩu LNG của Nga.

Trước đó, Hà Lan cũng đã nối lại việc mua LNG của Nga vào tháng 9 sau 3 tháng tạm dừng. Cụ thể, quốc gia EU này đã nhập khẩu khoảng 211,5 mcm LNG từ Moscow trị giá 109 triệu euro (117 triệu USD). Trong tháng 10, lượng nhập khẩu khí LNG Nga của Hà Lan tiếp tục tăng 26% lên mức 267 mcm.

EU đã áp đặt 11 gói trừng phạt đối với Nga kể từ khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, song mặt hàng khí đốt của Nga hiện vẫn chưa bị khối này siết biện pháp hạn chế.

Trước khi xảy ra xung đột Nga- Ukraine, năng lượng của Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ của EU. Tuy nhiên, EU đã nỗ lực hạn chế nhập khẩu khí đốt từ Moscow trong bối cảnh khối này đặt mục tiêu sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Vào tháng 3/2022, EU đã công bố kế hoạch loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga “trước năm 2030” bằng cách tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, giảm tiêu thụ và tìm kiếm các nguồn năng lượng khác.

Tuy nhiên, Đại diện cấp cao về đối ngoại của EU Josep Borrell vừa thừa nhận một sự thật chua chát rằng, với việc giảm dùng năng lượng của Nga, châu Âu đã phải trả một giá đắt.

Theo RT, phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh địa chính trị do Tạp chí Le Grand Continent tổ chức hôm 20/12, ông Borrell cho biết, với việc từ bỏ năng lượng của Nga, EU có thể chỉ đơn giản là đánh đổi sự phụ thuộc này bằng một sự phụ thuộc khác.

Quan chức EU nhấn mạnh: “Giá cả nhảy vọt, lãi suất cũng tăng cao. Nền kinh tế bị ảnh hưởng. Chúng ta đã phải trả một cái giá chính trị, châu Âu đã mua rất nhiều xăng dầu, trên toàn thế giới, nhưng là với giá cao hơn so với nhiều quốc gia khác”.

Về phần mình, giới chức Nga nhiều lần tuyên bố rằng EU chưa bao giờ có thể đạt được sự độc lập về năng lượng thực sự. Thay vì sử dụng khí đốt giá rẻ và tinh khiết của Nga thì EU đã lựa chọn mua LNG của Mỹ với mức giá cao hơn rất nhiều.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hồi tháng 1 năm nay nói rằng, "EU hiện hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ vì khối này đã mất quyền tự do lựa chọn. Đây là sự phụ thuộc thực sự và là điều mà Washington mong muốn”.

Theo dữ liệu của Kpler, EU vẫn tiếp tục mua khối lượng LNG kỷ lục từ Moscow trong năm nay. Đặc biệt, lượng LNG của Nga xuất khẩu sang EU đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1,75 triệu tấn trong tháng 11. Kỷ lục trước đó được xác lập vào tháng 12/2022, khi Nga xuất khẩu 1,737 triệu tấn LNG sang khu vực.

Đồng thời, dữ liệu mới nhất từ Eurostat cho thấy các quốc gia thành viên EU đã chi 6,1 tỷ euro (6,7 tỷ USD) để mua LNG của Nga kể từ đầu năm đến nay bất chấp cam kết “cai nghiện” năng lượng của Nga.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/them-mot-quoc-gia-eu-noi-lai-mua-khi-dot-cua-nga.html