Theerathon Bumathan: Tay thiện xạ cánh trái và dân chơi hệ 'cùi chỏ'

Tuy được đánh giá là hậu vệ cánh trái hàng đầu Đông Nam Á nhưng Theerathon Bumathan cũng để lại không ít điều tiếng vì là dân chơi 'hệ cùi chỏ'.

Theerathon Bumathan là một trong những cái tên nổi bật nhất của đội tuyển Thái Lan tại AFF Cup 2022 lẫn bóng đá xứ sở Chùa vàng trong vòng 10 năm trở lại đây. Cầu thủ sinh năm 1990 này sở hữu sự nghiệp khiến mọi cầu thủ ở trình độ ở Đông Nam Á phải mơ ước.

Không chỉ là hậu vệ cánh trái số một của Voi chiến, anh còn mang băng thủ quân và là một trong những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm nhất với 76 lần khoác áo đội tuyển quốc gia. Anh là thành viên đội tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup 2016 và 2020, cũng như mang băng thủ quân đội U23 Thái Lan giành tấm huy chương vàng môn bóng đá nam SEA Games 2013.

Trong màu áo CLB, Theerathon Bumathan hiện khoác áo Burinam United, các nhà đương kim vô địch Thai League - giải VĐQG Thái Lan. Trước đó, hậu vệ cánh trái số một của bóng đá xứ sở Chùa vàng từng trải qua 4 năm chinh chiến tại J-League, lần lượt trong màu áo Vissel Kobe và Yokohama F. Marinos. Tại đất nước mặt trời mọc, cầu thủ này đã khẳng định được tên tuổi với hơn 120 lần ra sân trên mọi đấu trường và mùa nào cũng thi đầu từ 30 trận trở lên, đa số là đá chính.

Mốc son chói lọi nhất trong sự nghiệp của Theerathon Bumathan là chức vô địch J-League 2019, cũng là mùa giải anh thi đấu thành công nhất với 3 pha lập công cho Yokohama F. Marinos. Nhờ thành tích này, thủ quân đội tuyển Thái Lan cũng trở thành cầu thủ Đông Nam Á đầu tiên đăng quang tại giải đấu cao nhất của xứ Phù Tang. Ngoài ra, anh còn 6 lần vô địch Thai League cùng Burinam United và Muangthong United cũng như giành hàng tá các danh hiệu khác.

Tay thiện xạ cánh trái

Tay thiện xạ cánh trái

Theerathon Bumathan sinh ra trong nghèo khó. Bởi gia đình không mấy khá giả, con đường đến với bóng đá của hậu vệ cánh trái số một Thái Lan phần vì đam mê, phần vì điều kiện tài chính. “Điều kiện gia đình tôi không được tốt”, cầu thủ này chia sẻ. “Bố tôi là thợ cắt tóc. Mẹ là công nhân lắp ráp mắt kính. Vì thế, tôi chọn theo học ở trường thể thao, nơi học phí và mọi thứ khác đều miễn phí”.

Nhờ một vị khách quen của bố, Theerathon Bumathan được giới thiệu để vào học ở trường thể thao Bangkok. “Lúc ấy, tôi chỉ có một đôi giày thể thao vừa để đi lại, vừa để thi đấu và đã cũ mèm”, nhà vô địch Thai League 6 lần nhớ lại. “HLV đã phải bảo tôi về nói với bố mua cho đôi giày mới”.

Sau khi trui rèn các kỹ năng ở trường thể thao Bangkok, đến năm 15 tuổi, Theerathon Bumathan chuyển đến trước Assumption Thonburi. Tốt nghiệp trung học, anh bắt đầu theo đuổi sự nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp trong màu áo Rajpracha trước khi đầu quân cho Burinam United, tiền thân là đội bóng Điện lực tỉnh Burinam.

Bằng tốc độ, kỹ thuật, sự xông xáo và cái chân trái cực khéo, sự nghiệp của Theerathon Bumathan thăng tiến nhanh chóng. Năm 2013, anh thậm chí còn được tôn vinh là Cầu thủ xuất sắc nhất Thai League, danh hiệu vẫn thường dành cho những ngôi sao chơi ở vị trí tiền vệ hay tiền đạo.

Lối chơi của cầu thủ này có thể so sánh với hai thần tượng là Ashley Cole và Jordi Alba, những hậu vệ trái không có thể hình to lớn nhưng chơi bóng khéo léo và hỗ trợ tấn công rất tốt. Ngoài ra, cầu thủ này sở hữu những cú đá phạt và sút xa cực kỳ lợi hại. Tại J-League, anh từng ghi bàn từ một quả đá phạt góc.

Thành danh đồng nghĩa Theerathon Bumathan bắt đầu kiếm được nhiều tiền để trang trải cho cuộc sống gia đình. Năm 18 tuổi, cầu thủ này đã tích lũy được 200.000 bath (tương đương 135 triệu VNĐ) nhờ những năm tháng khoác áo đội tuyển trẻ quốc gia. Sau khi chuyển sang Burinam United, Theerathon Bumathan nhận mức lương 25.000 bath (17 triệu VNĐ) mỗi tháng và bắt đầu có điều kiện mua sắm. Khoản chi tiêu lớn đầu tiên của cầu thủ này là mua hai chiếc ô-tô cho gia đình và bản thân. Khi đã thành danh, tuyển thủ Thái Lan này còn bỏ ra 6,7 triệu bath, tức hơn 4,5 tỷ để mua nhà cho bố mẹ.

Tuy giàu có và nổi tiếng, cuộc sống đời thường của Theerathon Bumathan không hào nhoáng như nhiều người tưởng. Cầu thủ này sinh hoạt chuẩn chỉnh để duy trì thể trạng. Anh không rượu chè, thuốc lá hay tụ tập tại vũ trường. Chính vì vậy Theerathon Bumathan đã chơi bóng đỉnh cao suốt hơn 10 năm qua, một quãng thời gian đáng nể.

Dân chơi hệ “cùi chỏ”

Dân chơi hệ “cùi chỏ”

Tuy được mến mộ tại quê nhà nhưng hình ảnh của Theerathon Bumathan trong mắt người hâm mộ Đông Nam Á lại khá xấu xí. Nguyên do từ lối chơi xông xáo thái quá và tâm lý có phần bất ổn của hậu vệ cánh trái này.

Trên sân cỏ, đặc biệt mỗi khi rơi vào trạng thái ức chế tâm lý, Theerathon Bumathan không ngần ngại đá xấu, đá láo, thậm chí sử dụng cùi chỏ để “giải tỏa” vào cơ thể đối phương. Hậu vệ cánh trái của đội tuyển Thái Lan này đang nắm giữ kỷ lục vô tiền khoáng hậu là nhận 2 thẻ đỏ chỉ trong 3 ngày. Đó là vào năm 2013. Khi khoác áo Voi chiến tham dự vòng loại World Cup 2014, cầu thủ này lĩnh thẻ đỏ ở phút 90 trận gặp Saudi Arabia. Sau trận này, Theerathon Bumathan đến Indonesia tham dự SEA Games 2013 và ngay trận đầu tiên đã nhận 2 thẻ vàng liên tiếp chỉ trong vòng ít phút.

Vì sự cố này, cộng thêm thành tích tệ hại của U23 Thái Lan tại kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á năm đó, Theerathon Bumathan trở thành vật tế thần và từng bị gắn mác “trai hư”. Thời điểm đó, anh sốc tới mức từng nghĩ đến chuyện từ giã đội tuyển quốc gia dù chỉ mới 23 tuổi. Tuy nhiên, bố của Theerathon Bumathan đã giúp cậu con trai trấn tĩnh và trở lại với đường ray sự nghiệp bằng câu chuyện của chính mình. Ông nói rằng ông đã phải cần cù lao động suốt quãng đời thanh xuân để nuôi nấng cậu con trái và không bao giờ để lãng phí thời gian.

Mặc dù trưởng thành hơn sau cú sốc tuy nhiên tính khí bốc đồng trong người Theerathon Bumathan không bao giờ mất. Điển hình như các trận gặp đội tuyển Việt Nam tại bán kết AFF Cup 2020, hậu vệ cánh trái này liên tục có những hành động chơi xấu Những chiến binh sao vàng, đặc biệt là nhiều lần dân chơi hệ cùi chỏ này sử dụng tuyệt chiêu để quật ngã đối phương.

Xuân Mạnh đang di chuyển, Theerathon Bumathan đi ngang qua vô tình vung cùi chỏ vào ngực. Quang Hải đang cầm bóng, cầu thủ này lao vào tranh chấp bằng cú cùi chỏ vào mặt. Trọng Hoàng đang băng lên, gã đồ tể xứ Chùa Vàng ra tay bằng cú thúc vào má. Và không chỉ là cùi chỏ, móc mắt, kéo chân, bất kỳ hành động xấu xí nào cũng có thể được thủ quân đội tuyển Thái Lan tung ra. Cầu thủ này tạo cảm giác chứ va vào cầu thủ Việt Nam là sẽ dùng tay để đánh nguội, đánh một cách rất lộ liễu và thô thiển.

Biện minh cho những hành động của mình, Theerathon Bumathan cho rằng: "Hãy nhìn vào những gì đang diễn ra rồi mới bình luận về tôi. Vừa qua tôi đã chơi cho Buriram United 3 trận và tôi quá khích ở chỗ nào vậy? Còn về AFF Cup, tôi nói thật này, tôi đã chơi ở J1 League 4 năm rồi. Tôi chưa bao giờ tức giận hay tổn thương nhiều như khi về đá giải Đông Nam Á cả. Bởi vì ở J1 League người ta chỉ tập trung đá bóng. Còn ở AFF Cup, các đội cứ gặp Thái Lan là đá rất quyết liệt. Thế thì tôi có thể buông xuôi và chấp nhận việc mình bị đá mãi hay không?".

Tất nhiên lời biện minh này thông qua thực tế những gì diễn ra trên sân thì chẳng khác nào “nghe nghiện trình bày”. Đơn giản, vung cùi chỏ vào đối phương đã trở thành thói quen trong vô thức của Theerathon Bumathan để giải tỏa tâm lý mỗi khi ức chế, giống như Luis Suarez hay có trò “cẩu xực”. Tuy nhiên, nếu chiêu dùng răng cắn người của ngôi sao người Uruguay chỉ xấu về hình ảnh chứ thực tế không khiến đối phương đau đớn thì cái cùi chỏ của Theerathon Bumathan có thể khiến cầu thủ đối phương đổ máu. Một cầu thủ từng chơi 4 năm ở Nhật Bản đáng ra phải ý thức được điều nguy hại ấy chứ không phải đổ lỗi cho cái “ao làng” anh ta sinh ra.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/theerathon-bumathan-tay-thien-xa-canh-trai-va-dan-choi-he-cui-cho-a587610.html