Thế rồi, làn gió âm nhạc đã thổi qua thế giới sắc màu!

Nhân dịp xuân mới, nghệ sỹ sáo Flute nổi tiếng Lê Thư Hương đã chia sẻ những trải lòng đam mê của mình.

Nghệ sĩ sáo Flute nổi tiếng Lê Thư Hương. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Trong những năm gần đây, cái tên Lê Thư Hương nổi lên trong giới âm nhạc, hội họa. Cô là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên ra mắt album sáo flute (sáo Tây) cổ điển, và cũng là tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực sáo flute. Cô xuất hiện thường xuyên trong các buổi hòa nhạc ở Việt Nam, các liên hoan âm nhạc quốc tế uy tín tại Pháp, Đức, Mỹ, Anh, Nhật Bản…

Thế rồi làn gió âm nhạc ấy đang thổi qua thế giới hội họa! Lay động sắc màu. Lay động cảm xúc từ những lao động sáng tạo không ngừng. Nhân dịp xuân mới, Lê Thư Hương đã chia sẻ những trải lòng đam mê của mình.

Phóng viên: Trong văn hóa phương đông, rồng là biểu tượng cho sức mạnh đứng đầu, uyển chuyển như nước, nhưng cũng toát vẻ uy lực của long khí... Vì vậy, “Vẽ rồng” là một thách thức đầy hấp dẫn đối với các họa sĩ, chị có thể cho biết nguồn cảm hứng nào để chị vẽ rồng theo phong cách “Thư Hương”?

Lê Thư Hương: Con đường đến với hội họa của Thư Hương thì phần lớn là cảm nhận và xúc cảm, với chỉ một phần nhỏ suy xét nên Thư Hương tự nhận thấy trong tranh của mình đậm phần cảm tính.

Thư Hương không rõ cách tiếp cận đối với các họa sĩ khác như thế nào, nhưng với Hương luôn có một sự khởi đầu khá giống nhau. Khi mà sự thôi thức lên tới đỉnh điểm, Hương bắt đầu cầm cọ và cảm thấy được buông bỏ tất cả để hòa mình vào một trò chơi thể nghiệm và đuổi bắt của những hình ảnh khác nhau.

Từ những hình ảnh quen thuộc trong tiềm thức mỗi người của Rồng, con giáp mạnh mẽ tuyệt đối và linh thiêng trong tâm thức bao người châu Á nói chung và người Việt nói riêng, những hình ảnh đó vừa gần gũi, vừa trừu tượng qua nhiều góc nhìn, những lát cắt hay lăng kính khác nhau trong tưởng tượng của Thư Hương.

Tác phẩm cá chép hóa rồng của nghệ sỹ Lê Thư Hương. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Nghệ sĩ sáo Flute nổi tiếng Lê Thư Hương với hội họa. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Những mảnh ghép hình ảnh được phân tán, uốn lượn và tràn ra khắp tranh như trong tác phẩm “Tứ Linh”, vừa như ẩn hiện xuyên thấu làn nước trong xanh, vừa như một hình ảnh biến thiên bước ra từ một thế giới siêu thực ảo diệu như chị có đề cập trong câu hỏi này. Tất cả những yếu tố đó Thư Hương ghép lại với nhau để nhìn ra thế giới bên ngoài với một cái nhìn xuyên thấu và “xuyên không”!.

Tác phẩm Xuân Long của nghệ sỹ Lê Thư Hương.

Hay như trong tác phẩm “Xuân Long” là sự sắp đặt của những mảnh ghép đa diện, ở các chiều không gian khác nhau như các thanh âm, các chùm hợp âm ngẫu nhiên vang lên không theo một sự sắp đạt nhất định. Thư Hương đặt chúng lại gần nhau ở các chiều biến thiên, dưới nhiều góc độ và hình ảnh khác nhau. Những mảng miếng với mầu sắc cô đọng sẽ tự phát sinh tình cảm với nhau qua con mắt của người xem và sẽ mang lại những cảm nhận khác biệt tùy vào trí tưởng tượng mỗi người.

Phóng viên: Là một nghệ sĩ sáo Flute nổi tiếng, trong năm qua, công chúng lại biết thêm về một Lê Thư Hương của hội họa, luôn khám phá, trải nghiệm và tìm lối đi mới với bản sắc riêng... chị có thể cho biết những nguồn năng lượng và động lực nào đã giúp chị sáng tạo thăng hoa tại quê nhà?

Lê Thư Hương: Như Thư Hương đã từng có dịp chia sẻ trong cuốn Artbook ở lần triển lãm cá nhân đầu tiên của mình mang tên “Underwater” (Dưới nước): “Đó là một quá trình tự do khám phá những tầng cảm xúc, muôn mầu suy nghĩ và cách thể hiện nghệ thuật tiềm ẩn của bản thân. Nó phản ánh ý tưởng rằng quá trình nghệ thuật không tĩnh hay tuyến tính, mà là một hành trình năng động và không ngừng phát triển”.

Nghệ sĩ sáo Flute nổi tiếng Lê Thư Hương với hội họa. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Thư Hương là một người có thể nói khá là tò mò, ham học hỏi và muốn thử rất nhiều thứ ở nhiều lĩnh vực. Khi mà nghe được những thứ mình chưa từng nghe, nhìn được những thứ mình chưa từng được nhìn, thì sự thôi thúc khám phá và thử nghiệm chính là cội nguồn năng lượng của Thư Hương, như là một nguồn adrenaline được kích hoạt tạo nên một sự thăng hoa và đam mê khó diễn tả thành lời.

Đối với những người nghệ sỹ nói chung, không ở đâu mình được thăng hoa và cống hiến như được hoạt động tại quê hương, nơi mà tất cả những trải nghiệm trong cuộc sống cũng như những tố chất (nghệ thuật nói riêng) sẵn có của văn hóa dân tộc trong bản thể được phát tác một cách chân thực và tự nhiên nhất, theo Hương đó là bản nguyên mà mình được thừa hưởng và phát triển.

Phóng viên: Là một nghệ sĩ được đào tạo bài bản ở nước ngoài, tham gia biểu diễn trong và ngoài nước với những dàn nhạc nổi tiếng, chị có thể chia sẻ gì về việc đầu tư cho thế hệ nghệ sĩ trẻ cũng như để thu hút khán giả đến với sân khấu, với nhà hát nhiều hơn?

Lê Thư Hương: Thư Hương xin chia sẻ thật là câu hỏi này được đặt ra khá nhiều lần không chỉ đối với Thư Hương mà còn với nhiều nghệ sĩ khác, đặc biệt là các nghệ sĩ âm nhạc cổ điển nói riêng. Lần này Thư Hương mong muốn được chia sẻ theo 2 phương diện: lý tính và cảm tính.

Nghệ sĩ sáo Flute nổi tiếng Lê Thư Hương. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Trước tiên, âm nhạc cổ điển bắt nguồn từ phương Tây, phần nào đó, có thể được coi là mang màu sắc văn minh của phương Tây. Nói theo Thuyết nhu cầu Maslow thì các nhu cầu tinh thần sẽ được nâng lên các nhu cầu cơ bản về vật chất được thỏa mãn. Như vây, thế hệ trẻ sẽ dễ dàng tiếp cận và gắn kết với văn hóa nghệ thuật như âm nhạc, hôi họa, thơ ca hơn khi đời sống vật chất ngày càng được cải thiện và nâng cao. Điều này đã được minh chứng ở các nước phát triển.

Mặt khác, Thư Hương cũng thấu hiểu và đồng cảm với những sức mạnh/concept tinh thần khác mà chúng ta rất hay gặp ở các nghệ sỹ, đó là sự sẵn sàng hy sinh những nhu cầu cơ bản hơn và chỉ quan tâm đến nhu cầu tinh thần cấp cao, để được thỏa mãn trước hết là bản thân mình, và quan trọng nhất là để được sáng tạo và sống với niềm đam mê.

Nghệ sĩ sáo Flute nổi tiếng Lê Thư Hương. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Sự đam mê khám phá về tinh thần thông qua nghệ thuật sẽ dẫn dắt tâm hồn chúng ta qua một hành trình thú vị. Khi người nghệ sĩ và các khán giả đều có sự đồng điệu về tinh thần thì chúng ta sẽ gặp nhau ở các không gian cảm thụ và giao lưu, đó chính là sân khấu, nhà hát...những nơi mà những người nghệ sỹ và khán giả là những linh hồn tương tác với nhau qua những sợi dây cảm xúc và sự hiểu biết nhất định.

Giới trẻ Việt Nam nói riêng bây giờ rất năng động và nhậy bén, đặc biệt trong thời đại 4.0 với những lợi thế và xu hướng toàn cầu được cập nhật hàng ngày hàng giờ là nền tảng và điều kiện rất phong phú cho các bạn tự hoàn thiện và nâng cấp bản thân theo dòng chẩy nghệ thuật toàn cầu. Bên cạnh đó, việc định hướng, gợi mở và khuyến khích các bạn trẻ sống và học tập theo tư duy sáng tạo và chủ động, theo Thư Hương là thiết thực.

Nghệ sĩ sáo Flute nổi tiếng Lê Thư Hương. Ảnh: BNEWS/TTXVN phát

Tóm lại, các yếu tố nghệ thuật và văn minh sẽ tự động giao thoa như một phần tất yếu của sự phát triển. Đôi khi mỗi cá thể có thể tự tạo nên lối đi tắt bằng sự đam mê khám phá phần tinh thần còn ẩn náu đâu đó trong chính con người mình, tạo nên một bản thể độc đáo và riêng biệt.

DIÊN VỸ/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/the-roi-lan-gio-am-nhac-da-thoi-qua-the-gioi-sac-mau/323310.html