Thế lưỡng nan của California trước lũ lụt

California, tiểu bang phía Tây nước Mỹ, đang phải đối mặt với câu hỏi liệu cách xử lý thiên tai hiện tại có phù hợp với những mối đe dọa khí hậu của thế kỷ XXI hay không.

Công nhân tại Los Angeles làm việc để chuyển hướng dòng nước do mưa lớn. Ảnh: New York Times.

California đang bước sang tuần thứ hai đối mặt với tình trạng mưa lớn gây ra lũ lụt nghiêm trọng.

Trong nhiều thập kỷ, chính quyền California đã xây dựng nhiều đập và đê để trữ nước. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ xảy ra những cơn bão mạnh hơn, như cơn bão đang càn quét khu vực phía Bắc California, theo New York Times.

Các chuyên gia và các nhà hoạch định đang thúc giục chính quyền bang chọn một phương án giải quyết khác: mở rộng các con sông để chứa nước.

Việc di chuyển đê ra xa lòng sông có thể cho phép nước mưa và tuyết tan thấm nhiều hơn vào tầng nước ngầm. Nhưng phương án này đòi hỏi chính quyền phải mua đất ven sông. Điều này rất khó thực hiện ở một bang có giá đất cao và tài chính công eo hẹp.

Ứng phó với biến đổi khí hậu

“Bạn phải tìm không gian, tìm sự giúp đỡ và tài trợ cho các phương án”, Jane Dolan, Chủ tịch Ủy ban Chống lũ lụt khu vực Thung lũng Trung tâm, cho biết.

Biến đổi khí hậu khiến không khí ấm lên và giữ nhiều hơi ẩm hơn. Điều này khiến những cơn bão mùa đông tại California hoạt động mạnh hơn. Chúng được gọi là “dòng sông khí quyển”, những dải mây lớn và dày đặc mang theo lượng hơi nước khổng lồ, có thể gây mưa to dữ dội.

Lượng mưa lớn từ những cơn bão đặc biệt nguy hiểm, khiến đất và sông, suối bão hòa nước rất nhanh. Chúng không thể chứa thêm nước từ các đợt mưa tiếp theo, dẫn đến khả năng lũ lụt và lở đất.

Trận lũ lụt thảm khốc nhất lịch sử California hiện đại diễn ra vào mùa đông năm 1861. Mưa trút trong nhiều tuần liên tiếp đã gây ra trận lũ lụt kinh hoàng trên khắp Bờ Tây nước Mỹ.

Các nhà khoa học cho biết có nguy cơ xảy ra tình trạng lũ lụt tương tự khi Trái Đất ấm lên.

“Đến một lúc nào đó, các dòng sông sẽ hết khả năng rút nước. Đó là khi rắc rối bắt đầu”, nhà khí tượng học Larry Schick nói.

Một con đê trên sông Cosumnes được sửa chữa sau khi bị vỡ do lũ lụt. Ảnh: Reuters.

Các con đập, đê và các cấu trúc bê tông nhân tạo đã giúp thúc đẩy sự thịnh vượng của California. Phần lớn nền kinh tế của bang được hỗ trợ bởi nông nghiệp ở Thung lũng Trung tâm, nơi trồng khoảng 25% lương thực của nước Mỹ. Tuy nhiên, thành công đó đang khiến California phải trả giá.

Đê điều có thể tạo ra cảm giác an toàn, khuyến khích người dân xây dựng nhà cửa và cơ sở kinh doanh.

Các quan chức địa phương cũng khuyến khích sự phát triển đó vì lý do tài chính. Luật tiểu bang giới hạn việc tăng thuế bất động sản, vì vậy cách tốt nhất để có thêm thuế là cấp phép xây dựng những ngôi nhà mới.

“Áp lực phát triển đó khiến chính quyền phải xây dựng càng nhiều cơ sở hạ tầng nhân tạo càng tốt”, Jeffrey Mount, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Chính sách Công California, nhận định.

Tuy nhiên, khả năng thiệt hại cũng sẽ tăng lên nếu những cơ sở hạ tầng đó bị hư hỏng.

Dựa nhiều vào đê điều khiến California phải đối mặt với vấn đề khác. Việc chế ngự các con sông vô tình làm giảm lượng nước thấm xuống các tầng nước ngầm. Các con đê thu hẹp chiều rộng lòng sông, từ đó hạn chế diện tích bề mặt đất có thể thấm nước.

Trong khi đó, người dân California ngày càng phụ thuộc vào nguồn nước này trong thời kỳ hạn hán.

Tìm kiếm giải pháp

Chính quyền Mỹ đã điều chỉnh một số chính sách để đảm bảo lũ lụt ít gây thiệt hại nhất. Từ năm 2007, California bắt buộc xây dựng hệ thống đê hai tầng tại khu vực Thung lũng Trung tâm.

Ở khu vực đông dân cư, đê phải được thiết kế để chịu được lũ lụt lớn xảy ra mỗi 200 năm. Trong khi đó, đê ở khu vực nông thôn sẽ mong manh hơn. Điều này giúp thu hút đầu tư tại khu vực đông dân cư của thung lũng.

Nó cũng đại diện cho chiến lược bất thành văn để giải quyết lũ lụt. Khi những cơn bão lớn càn quét, khu vực nông nghiệp ở thượng nguồn có khả năng bị ngập và hấp thụ nước để các thành phố ở hạ lưu tránh được điều tồi tệ nhất.

Một số khu vực của California đã bắt đầu thử nghiệm di chuyển người dân ra xa các con sông. Thành phố West Sacramento đã xây dựng con đê thứ hai, giúp sông Sacramento có nhiều không gian hơn cho dòng chảy, theo West Sac Flood Protect.

Một khu vực ngập lụt tại quận Sacramento. Ảnh: Reuters.

Trước khi dự án khởi công vào năm 2011, nhà cửa và đất nông nghiệp nằm ngay sau con đê chính thường xuyên hứng chịu cảnh ngập lụt. Sau khi con đê thứ hai được xây dựng, nước tràn qua khoảng trống giữa hai đê, hạn chế tình trạng ngập ở khu dân cư phía trong.

Tuy nhiên, nỗ lực xây thêm đê điều cũng phải đối mặt với những thách thức lớn. Để hoàn thành dự án đê thứ hai tại West Sacramento, thành phố đã phải di dời khoảng một chục hộ gia đình gần sông.

Những cuộc đàm phán với chủ sở hữu bất động sản không hề dễ dàng.

“Họ nghĩ rằng họ sẽ sống ở đó cho đến hết đời”, Paul Dirksen, người lập kế hoạch chống lũ cho thành phố, cho biết.

Julie Rentner, chủ tịch của River Partners, cho rằng các quan chức địa phương ở California có thể miễn cưỡng lấy đất nông nghiệp gần các con sông.

“Đất tạo ra các sản phẩm nông nghiệp như sữa, hạnh nhân, hoa quả đang trả thuế cao hơn so với đất cung cấp môi trường sống cho động vật hoang dã và cứu trợ lũ lụt”, bà Rentner nói.

Mực nước dâng cao tại Discovery Park, California. Ảnh: Reuters.

River Partners đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra khu bảo tồn Dos Rios. Khu vực này từng là nơi chăn nuôi bò sữa và gia súc. Nhưng bây giờ, Dos Rios là môi trường sống cho chim và cá. Nước sông San Joaquin và Tuolumne có thể tràn vào khu vực này, giảm nguy cơ lũ lụt ở hạ lưu, theo Westside Connect.

Dự án mất nhiều năm để thu hút nguồn tài trợ của chính phủ và hoàn thành. Năm 2006, River Partners bắt đầu làm việc để mua Dos Rios. Nhưng đến tận năm 2012, việc mua bán mới kết thúc.

“Thật vô lý. Chúng tôi mất sáu năm để gom đủ số tiền mua đất”, bà Rentner cho biết.

Trở ngại lớn nhất là thay đổi cách nhìn của chính quyền Californina về quan hệ giữa bang và thế giới tự nhiên.

“Chúng tôi đã dành 150 năm để cố gắng chế ngự thiên nhiên. Ý tưởng để thiên nhiên đi ngược lại thành quả của 150 năm đó rất khó chấp nhận”, Joshua Viers, nhà khoa học về nguồn nước tại đại học California, nói.

Tuấn Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-luong-nan-cua-california-truoc-lu-lut-post1391410.html