Thế khó của tiền ngoại khi chứng khoán Việt Nam thiếu hàng hóa mới

Thị trường sôi nổi với câu chuyện chứng khoán Việt Nam hút được hàng tỷ USD vốn ngoại nếu được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Nhưng câu hỏi đặt ra dòng tiền lớn sẽ mua gì trong bối cảnh thị trường thiếu hàng hóa mới và nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng quá lớn.

Thị trường thiếu hàng hóa là hệ quả của việc nguội lạnh trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước, hay IPO/niêm yết của khối doanh nghiệp tư nhân.

Chứng khoán Việt Nam thiếu vắng những thương vụ bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hay niêm yết nổi bật trong 4 năm trở lại đây. Sau giai đoạn sôi động 2017 – 2019 với những cái tên như Petrolimex, Vinhomes, Vincom Retail, Techcombank, VPBank, Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Power, thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng.

Theo báo cáo của Deloitte Việt Nam, Việt Nam chỉ có 8 thương vụ IPO thành công năm 2022, gọi vốn được 71 triệu USD và giá trị vốn hóa của các công ty là 537 triệu USD. Con số này cách biệt đáng kể với hai quốc gia dẫn đầu khu vực là Thái Lan (42 vụ, gọi vốn 3,6 tỷ USD), Indonesia (59 vụ, 2,3 tỷ USD).

Trong số 15 thương vụ IPO lớn nhất ASEAN năm qua chỉ có 1 công ty bảo hiểm và 2 công ty bất động sản, còn lại là hàng tiêu dùng và công nghệ viễn thông, chủ yếu từ Thái Lan và Indonesia. Điều này khá khác biệt với thời đỉnh cao của Việt Nam năm 2018 - với phần lớn là doanh nghiệp bất động sản, ngân hàng.

Trở lại với Việt Nam, kể từ khi dịch COVID-19 nổ ra, ngoài nhóm ngân hàng, sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) – nơi tập trung vốn ngoại nhiều nhất có thêm một số lựa chọn mới đến từ việc chuyển sàn như Hóa chất Đức Giang, Đầu tư Sài Gòn VRG, Tập đoàn Cao su, Becamex, EVNGENCO3, Gỗ An Cường, Công trình Viettel.

Trong số đó, có những mã thanh khoản rất thấp (PGV của EVNGENCO3, SIP của Đầu tư Sài Gòn VRG) hay tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi ít (GVR của Tập đoàn Cao su, BCM của Becamex, PGV), dường như không phải là khẩu vị của vốn ngoại.

Số khác “sớm nở, chóng tàn”, sôi động giai đoạn IPO nhưng đìu hiu khi niêm yết hoặc giai đoạn sau đó như Đất Xanh Services, Nova Consumer, Tôn Đông Á, Gỗ An Cường, An Phát Holdings… Những tân binh không thu hút được dòng tiền của thị trường nói chung và khối ngoại nói riêng. Sau lên sàn, nhiều mã lao dốc, khiến nhà đầu tư tham gia mua IPO thua lỗ. Vì vậy, giới đầu tư không mặn mà.

Trong một số tình huống, cổ đông ngoại tiến hành thoái vốn sau một thời gian niêm yết, đặt ra khả năng đây không chỉ là thương vụ đầu tư đơn thuần mà có thể là giao dịch cầm cố (repo), cấu trúc vốn.

Trong khi đó, kế hoạch cổ phần hóa một số doanh nghiệp Nhà nước như Agribank, VNPT, MobiFone, Vinataba, Vinachem, HUD chậm chậm và vẫn chưa có mốc thời gian hoàn tất.

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024, ông Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng vấn đề định giá khiến hoạt động IPO tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chững lại. Điều này tạo ra nút thắt trong việc thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào Việt Nam.

Nhìn sang hoạt động thoái vốn Nhà nước cũng không nhiều chuyển biến ngay cả khi thị trường ở giai đoạn sôi động nhất, với quy mô thanh khoản hàng tỷ USD mỗi phiên. Quy định đấu giá trọn lô cổ phần khiến các thương vụ “kén khách”. Thoái vốn Nhà nước chỉ thu hút các công ty muốn nắm cổ phần chi phối, đơn cử như thương vụ Kido mua Vocarimex, nhóm Việt Phương thâu tóm cổ phần Sudico…

Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam Dominic Scriven. Ảnh: VIF 2024.

Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam Dominic Scriven. Ảnh: VIF 2024.

Tại một sự kiện mới đây, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam Dominic Scriven, người có hơn 30 năm gắn bó với thị trường chứng khoán, cho rằng không nên chờ việc các doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa. Giải pháp được đưa ra hướng tới khối doanh nghiệp tư nhân.

“Chúng ta nên động viên các công ty tư nhân của Việt Nam không sợ thị trường, không đòi hỏi quá về giá trị doanh nghiệp, mà cứ bắt đầu niêm yết, bắt tay xây dựng quan hệ với cộng đồng đầu tư”, Chủ tịch Dragon Capital nói.

Kiến nghị này được đưa ra khi vị lãnh đạo của Dragon Capital đề cập đến khái niệm khả năng tiếp cận của khối ngoại. Nhu cầu thực sự của khối ngoại phải được đáp ứng bằng sự đa dạng hàng hóa của thị trường trong nước.

Ông Dominic Scriven lấy ví dụ JP Morgan nếu đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ tiến hành giải ngân cho 10 quỹ đầu tư theo cùng một quy trình, nếu chỉ có 2 đơn vị tham gia sẽ vi phạm. Nhưng nếu cả 10 quỹ tham gia sẽ đòi hỏi sự đa dạng các nhóm ngành để đầu tư.

"Trong số 50 quỹ hưu trí của Mỹ đã sang Việt Nam lần thứ hai, chỉ có 3 quỹ rót vốn vào Việt Nam. Nếu quy mô quỹ lên tới 500 tỷ USD thì làm sao mà họ đầu tư vào Việt Nam hiện giờ", người đứng đầu Dragon Capital đặt vấn đề.

Thực tế này đặt ra bài toán làm sao để tạo ra một rổ hàng hóa đa dạng và giá trị đủ lớn để hấp thụ dòng tiền hàng tỷ USD khi chứng khoán Việt Nam được nâng hạng. Có như vậy, những lợi ích về dòng vốn khi nâng tầm lên thị trường mới nổi sẽ trở nên có ý nghĩa.

Tỷ trọng vốn hóa của một số ngành trên sàn HOSE tại ngày 2/11. Nguồn: VEIL.

Tỷ trọng vốn hóa của một số ngành trên sàn HOSE tại ngày 2/11. Nguồn: VEIL.

Nếu nhìn vào các quỹ tài sản trên 500 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư sẽ cảm nhận được sự khó khăn trong việc xây dựng danh mục đầu tư bởi tỷ trọng lớn của hai nhóm ngân hàng và bất động sản.

Lấy ví dụ Pyn Elite Fund, quỹ đến từ Phần Lan phân bổ quá nửa danh mục khoảng 800 triệu USD vào nhóm ngân hàng. Quỹ lớn nhất thị trường như VEIL thuộc Dragon Capital có quy mô 1,6 tỷ USD đang nắm giữ 60% cổ phiếu ngân hàng và bất động sản.

Việc không có nhiều lựa chọn mới đáp ứng đủ điều kiện quy mô để giải ngân dẫn đến sự dập khuôn. Top 10 khoản đầu tư của phần đông các quỹ có giá trị tài sản ròng (NAV) trên 200 triệu USD chỉ thay đổi ở vị trí áp chót sau mỗi lần cơ cấu lại.

Nhóm ngân hàng có vị thế quá lớn. Ngành ngân hàng chiếm gần 40% vốn hóa của sàn HOSE, trong đó hai tổ chức lớn nhất thị trường là Vietcombank và BIDV chiếm tới 15%. Hay rổ VN30 có đến 14 mã ngân hàng.

Trong 41 công ty vốn hóa tỷ USD tại ngày 15/11, có 16 ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong khi các tổ chức ngoại giới hạn quy mô đầu tư vào một nhóm ngành, chưa kể nhiều mã ưa thích đã kín room ngoại.

Để giải bài toán giới hạn room nước ngoài, những rổ chỉ số được thành lập như VN Diamond, VNFin Lead. Những quỹ hoán đổi danh mục (ETF) mô phỏng hai rổ chỉ số trên đã thu hút được dòng tiền từ nhà đầu tư ngoại, song đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong năm 2023.

Với tổng quy mô đạt quanh 31.000 tỷ đồng như hiện nay và tập trung ở ba ETF, khả năng giải quyết bài toán hấp thụ vốn ngoại thông qua sản phẩm này là không nhiều. Hơn thế nữa, đây là sản phẩm phù hợp hơn với nhóm nhà đầu tư cá nhân.

Quy mô của các ETF nội. Nguồn: HL tổng hợp.

Quy mô của các ETF nội. Nguồn: HL tổng hợp.

Từ những phân tích trên, nguồn cung cổ phiếu mới trên thị trường trong thời gian tới là khá quan trọng nếu Việt Nam muốn tận dụng triệt để cơ hội từ dòng vốn ngoại đổ vào khi nâng hạng. Bởi lẽ, quy mô của các quỹ đầu tư phân bổ vào các thị trường mới nổi là lớn hơn rất nhiều so với thị trường cận biên.

Khi khối doanh nghiệp nhà nước chưa thể giải quyết câu chuyện của mình một cách sớm chiều, kỳ vọng được đặt vào khối tư nhân như Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam nêu trên.

Hai năm trở lại đây, nhiều ông lớn đầu ngành đã có kế hoạch IPO với định giá có thể lên tới cả tỷ USD như Hưng Thịnh Land, CP Việt Nam (công ty con của CP Group Thái Lan), VSIP – liên doanh giữa phát triển khu công nghiệp giữa Becamex và đối tác Singapore, Giao Hàng Tiết Kiệm, Bách Hóa Xanh hay Thaco…

Nếu thành công, đây sẽ là những “bom tấn” phá tan sự trầm lắng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 5 năm qua. Song hành với đó là mục tiêu tận dụng triệt để dòng vốn hàng tỷ USD đổ vào khi nâng hạng như đã đề cập.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/the-kho-cua-tien-ngoai-khi-chung-khoan-viet-nam-thieu-hang-hoa-moi.html