Thế khó của nhân viên mỗi việc biết một chút

Nhiều nhân viên mong muốn trở nên đa nhiệm để đáp ứng nhu cầu công việc. Nhưng cũng vì vậy, họ lại loay hoay vì không nổi bật ở một vị trí nào cụ thể, mỗi thứ chỉ biết một ít.

 Nhiều nhân viên đa nhiêm gặp khó khăn khi biết làm nhiều thứ, nhưng không nổi trội, tạo dấu ấn. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhiều nhân viên đa nhiêm gặp khó khăn khi biết làm nhiều thứ, nhưng không nổi trội, tạo dấu ấn. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Công ty chuẩn bị tổ chức một sự kiện ra mắt sản phẩm, Nguyễn Hồng Nhung (sinh năm 1998, TP Thủ Đức, TP.HCM) tự tin sẽ được giao trọng trách đạo diễn.

3 năm qua, nhân viên tuyển dụng nhân sự (HR) này từng nhiều lần phụ trách các chương trình của doanh nghiệp như teambuilding, kỷ niệm năm thành lập… Tuy nhiên, khi tự ứng cử với nhiệm vụ lớn hơn, cô lại nhận phản hồi của sếp: "Em chưa phù hợp".

Chia sẻ với Zing, Hồng Nhung cho biết mình hụt hẫng. Cô chưa nắm rõ quy mô sự kiện ra mắt, song nghĩ rằng kinh nghiệm, kỹ năng của mình sẽ đáp ứng được.

"Sếp tôi nói chương trình lần này có nhiều đối tác, nhà báo có mặt, cần người đúng chuyên môn phụ trách. Anh khuyên tôi nên theo học thêm ngành tổ chức sự kiện nếu muốn phát triển hơn ở lĩnh vực này", cô kể lại.

Những nhân viên đa nhiệm

Tại công ty, nhiệm vụ chính của Hồng Nhung là tổng hợp nhu cầu nhân sự của các phòng ban, tìm kiếm ứng viên, hỗ trợ tuyển dụng và giải đáp các vấn đề phát sinh liên quan đến phúc lợi, chế độ nhân viên.

Công việc thường bận rộn quanh năm, đặc biệt vào các mùa cao điểm như sau Tết Nguyên đán. Tuy vậy, cô vẫn kiêm thêm công việc văn hóa nội bộ, thông thường bao gồm các sự kiện văn nghệ, liên hoan hoặc du lịch.

"Chỉ cần sếp nêu yêu cầu, tôi sẽ tìm ngay được một địa điểm tổ chức phù hợp. Tôi nhiều lần được khen bởi sự nhanh nhạy, chu đáo", cô cho hay.

Chỉ đến khi đối mặt với dự án khó nhằn hơn, cô mới nhận ra mình thiếu hụt nhiều kỹ năng quan trọng như điều hành nhóm nhân sự lớn, lên kịch bản, dự trù khách mời, an ninh, kỹ thuật, xử lý sự cố…

Sau cuộc trao đổi với sếp, cô quay về bàn làm việc với tâm trạng chán nản, không còn muốn giải quyết số giấy tờ còn tồn đọng.

"Tôi rõ ràng chỉ có thể đa nhiệm với những đầu việc nhỏ, đụng đến công việc lớn hơn là đâu thực hiện được", Nhung thừa nhận.

 Hoài Thương có thể đảm nhận nhiều vị trí khi làm phim, bao gồm biên kịch, đạo diễn, quay, dựng...

Hoài Thương có thể đảm nhận nhiều vị trí khi làm phim, bao gồm biên kịch, đạo diễn, quay, dựng...

Tương tự, vài năm qua, Quỳnh Anh (26 tuổi, quận 10, TP.HCM) đảm nhiệm qua nhiều vị trí trong một công ty thời trang, mỗi việc đều thử trong ít tháng.

Ban đầu, cô làm nhân viên bán hàng, sau đó chuyển sang đào tạo nhân viên, hành chính nhân sự, truyền thông nội bộ và hiện tại đang dừng ở vị trí chuyên viên marketing.

Theo Quỳnh Anh, mỗi lần chuyển đổi công việc, cô lại có thêm nhiều kỹ năng mới. Đây cũng là cơ hội để cô biết mình muốn gì, khả năng ở đâu thay vì chỉ tập trung vào một chuyên môn nhất định trong thời gian dài rồi mới nhận ra không phù hợp.

"Biết càng nhiều việc, càng kiếm được nhiều tiền", đó là chia sẻ của Hoài Thương (32 tuổi, quận 1, TP.HCM), biên kịch kiêm đạo diễn tại một agency truyền thông.

10 năm trong nghề, nhân sự này cho biết mình từng thực hiện quay, dựng hình, biên tập nội dung cho đến chăm sóc, tìm kiếm khách hàng. Nhờ đó, cô có góc nhìn đa dạng hơn, biết rõ những khó khăn của từng bộ phận.

"Khi là người đa nhiệm, tôi có thể phát huy hết khả năng để tối ưu ngân sách trong khi vẫn đáp ứng được hiệu suất", cô nói.

Thế khó

Tuy vậy, Hoài Thương cũng nhận thấy một số vấn đề khi mình thuộc tuýp nhân viên "đa-zi-năng". Nếu không xác định rõ được nhiệm vụ "xương sống", kiểu nhân sự như cô sẽ dễ bị lãng quên.

"Tôi làm quá nhiều thứ nên không định vị được bản thân mình làm gì giỏi nhất. Điều này cũng sẽ khiến khách hàng không biết tìm đến tôi với vai trò gì", cô tâm sự.

Bên cạnh đó, Hoài Thương cũng cho rằng người đa nhiệm dễ gặp các vấn đề về việc phân bổ thời gian cho các đầu việc, khiến chất lượng, tiến độ bị ảnh hưởng. Cô từng đặt ra cho mình những áp lực quá lớn về việc phải liên tục học, phát triển nhiều kỹ năng.

"Tôi nghĩ đa nhiệm chỉ nên là một giai đoạn trong sự nghiệp, khi chúng ta còn trẻ và cần tìm ra nghề nghiệp phù hợp nhất. Về lâu về dài, tôi muốn thành công trong một lĩnh vực nhất định mà thôi", cô nói thêm.

Hay như Hồng Nhung, cô dần nhận ra mình quá tải khi liên tục ôm đồm thêm nhiều nhiệm vụ. Ban đầu, cô cho rằng các cơ hội làm việc mới mẻ sẽ giúp mình học hỏi kinh nghiệm, đồng thời chứng minh năng lực với sếp.

Nhưng các công việc khác biệt về chuyên môn, sở trường lại nhanh chóng trở thành gánh nặng khi cô không thể phân bổ thời gian, sức lực. Đến sau cùng, cô không được cấp trên đánh giá cao ở bất kỳ nhiệm vụ nào.

"Tôi thích tổ chức sự kiện hơn và sẽ học tập thêm để phát triển ở lĩnh vực này. Trong khi đó, tôi vẫn duy trì công việc HR, coi đây là công việc để nuôi sống bản thân ở hiện tại", Nhung kể về dự định.

Giải pháp nào cho nhân viên muốn đa nhiệm?

"Multitasking" (đa nhiệm) từng trở thành mục tiêu của không ít nhân sự nhằm đáp ứng nhiều hơn yêu cầu từ phía doanh nghiệp. Trong đó, đa nhiệm không chỉ giới hạn ở việc nhân viên làm được nhiều đầu việc cùng một lúc, mà còn là việc họ có thể làm được nhiều vị trí trong cùng một giai đoạn.

Trao đổi với Zing, ông Vũ Việt Anh, tiến sĩ khoa học, Chủ tịch Hội đồng quản trị Học viện Thành Công, cho biết dưới góc nhìn doanh nghiệp, nhân viên đa nhiệm có vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong môi trường làm việc đa năng và đa dạng như hiện nay.

 Phạm Bình mong muốn quản lý nhóm nhân sự có chuyên môn tốt, thay vì đa nhiệm.

Phạm Bình mong muốn quản lý nhóm nhân sự có chuyên môn tốt, thay vì đa nhiệm.

"Với tôi, nhân viên đa nhiệm có khả năng thích ứng và đáp ứng với nhiều tình huống khác nhau, từ đó giúp tăng tính linh hoạt và hiệu quả trong công việc. Ngoài ra, nhóm nhân viên làm được nhiều việc khác nhau giúp công ty tiết kiệm chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới", ông nói.

Tuy nhiên, cũng theo vị chuyên gia, để vừa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, vừa có điều kiện phát triển bản thân, nhân viên đa nhiệm cần có một kế hoạch và chiến lược làm việc khôn ngoan.

"Lập kế hoạch, ưu tiên nhiệm vụ chính, học cách phân tích, đánh giá về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân là điều rất cần thiết", ông cho biết thêm.

Trong khi đó, anh Phạm Bình, Giám đốc vận hành một trung tâm giảng dạy marketing, cho biết ở thời điểm hiện tại, tùy thuộc vào tình hình tài chính, mỗi công ty sẽ có những yêu cầu cụ thể đối với nhân sự.

"Với những doanh nghiệp tài chính không mạnh, họ ưu tiên những nhân viên đa nhiệm, làm được nhiều việc, nhiều vai trò để giảm chi phí vận hành. Ngược lại, với những doanh nghiệp lớn, họ ưu tiên những nhân viên có trình độ chuyên môn cao để phát triển", anh nói.

Cũng theo anh Bình, nhân viên đa nhiệm chỉ được giá cao khi và chỉ khi họ biết được thế mạnh của mình ở đâu, sau đó dùng những kỹ năng khác để bổ trợ cho nhau. Đây là yếu tố cần thiết để nhân viên tăng hiệu suất làm việc và đảm bảo được kết quả.

Với góc độ cá nhân, anh mong muốn quản lý nhóm nhân sự có chuyên môn tốt thay vì những nhân viên biết nhiều nhưng không "đến nơi đến chốn".

"Với nhân viên không có chuyên môn rõ ràng, làm được nhiều vị trí, họ thường có mức thu nhập không cao bằng những bạn làm chuyên lĩnh vực đó. Do đó, theo tôi việc xác định nghề nghiệp để theo đuổi và gắn bó lâu dài là rất quan trọng trong quá trình thăng tiến, cải thiện thu nhập", anh nhấn mạnh.

Ngược lại, anh Trung Nguyễn, Giám đốc một agency, thừa nhận mình là tuýp quản lý ủng hộ các nhân viên đa nhiệm, làm được nhiều vai trò.

Tuy nhiên, anh cũng nhấn mạnh trước khi muốn thử sức ở một lĩnh vực mới, nhân sự cần biết được công việc chính và định hướng lâu dài của mình.

Làm việc nhiều năm trong ngành quảng cáo, anh Trung không còn xa lạ với những nhân viên "cái gì cũng muốn", đặc biệt là nhóm nhân sự trẻ, mới đi làm.

"Các bạn muốn thử quá nhiều thứ, không tập trung vào công việc hiện tại của mình, gây ảnh hưởng đến tiến độ của tập thể. Tôi cho rằng mỗi người nên gắn bó với một vai trò ít nhất một năm hẵng suy nghĩ đến chuyện học thêm chuyên môn khác. Đừng để tình trạng 2-3 tháng lại muốn được thử cái mới, dẫn đến tình trạng mỗi thứ đều biết một ít nhưng không mạnh ở điểm nào", anh chia sẻ.

Mỹ Trinh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-kho-cua-nhan-vien-moi-viec-biet-mot-chut-post1416562.html