Thế khó của HLV tuyển Ấn Độ

Tương lai của HLV Igor Stimac tại tuyển Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào màn trình diễn của đội nhà ở Asian Cup 2023.

"Đưa đội nhà đến tứ kết Asian Cup hoặc mất ghế", đó là thông điệp mà Liên đoàn Bóng đá Ấn Độ (AIFF) muốn gửi đến ông Stimac sau bản hợp đồng gia hạn ngắn vào tuần trước. Vị chiến lược gia người Croatia sẽ có thêm khoảng 9 tháng để chứng tỏ mình đủ năng lực đưa tuyển Ấn Độ bước lên tầm cao mới.

Những mâu thuẫn

Tổng thư ký AIFF, Shaji Prabhakaran, khẳng định rằng nếu tuyển Ấn Độ lọt vào tứ kết Asian Cup 2023, HLV Stimac sẽ được trao một bản hợp đồng mới. "Mục tiêu của tuyển Ấn Độ là vào top 8 đội mạnh nhất châu Á", ông Prabhakaran tuyên bố. Trên thực tế, đây là mục tiêu không hề đơn giản với Ấn Độ, nền bóng đá chưa từng lọt qua vòng bảng Asian Cup kể từ khi giải đấu mở rộng ra 16 đội.

Lần duy nhất Ấn Độ tiến xa ở Asian Cup rơi vào năm 1964, khi "Những chú hổ xanh" giành ngôi á quân. Song, Asian Cup 1964 chỉ có 4 đội tham dự và kể từ đó đến nay, bóng đá Ấn Độ chưa từng một lần lọt qua vòng bảng.

Thậm chí, việc vượt qua được vòng loại Asian Cup cũng được xem là một thành công với nền bóng đá này. Chia sẻ với Zing, nhà báo Triyasha Chatterjee của Inside Sport cho rằng AIFF có nhiều mâu thuẫn với Stimac và trong thâm tâm họ không muốn gia hạn hợp đồng với HLV này.

HLV Igor Stimac nhiều lần chỉ trích AIFF và không được lòng nhiều lãnh đạo bóng đá nước này. Ảnh: Quang Thịnh.

"Mục tiêu lọt vào vòng tứ kết Asian Cup 2023 khó khả thi với Stimac", Chatterjee đánh giá. "Nhưng AIFF không muốn sa thải Stimac lúc này vì khó tìm người thay thế và phải chịu sức ép từ dư luận". Kể từ khi nhận lời dẫn dắt tuyển Ấn Độ vào năm 2019 thay cho HLV lão làng Stephen Constantine, Stimac nhiều lần chỉ trích AIFF và các lãnh đạo bóng đá Ấn Độ.

Tháng trước, sau khi FIFA ra án phạt cấm (sau đó được dỡ bỏ) AIFF vì để chính trị dính vào bóng đá, ông Stimac phát biểu: "Asian Cup sắp đến và đối với một giải đấu quan trọng như vậy, liệu đây có phải là thời điểm để tạo ra những rắc rối như thế này?".

Chiến lược gia 55 tuổi tức giận: "Có ai nghĩ điều đó có thể ảnh hưởng đến phòng thay đồ và các cầu thủ như thế nào không? Không ai nghĩ về những màn kịch đó có thể ảnh hưởng đến các cầu thủ như thế nào".

Trước đó, cựu cầu thủ West Ham cũng vài lần chỉ trích, thậm chí ra yêu sách với AIFF và ban tổ chức các giải đấu bóng đá ở Ấn Độ. "Một số thứ sẽ cần phải thay đổi mạnh mẽ. Trong tương lai, nếu tôi tiếp tục làm việc ở đây, giải đấu sẽ cần phải dừng lại khi tôi nói, trong bao nhiêu ngày mà tôi nghĩ là cần thiết để đội tuyển quốc gia chuẩn bị tiến lên cao hơn", Stimac nói vào đầu tháng này. "Ở Indian Super League có luật 3 + 1. Nhưng chúng tôi cần phải loại bỏ hoàn toàn các cầu thủ nước ngoài khỏi I-League (giải VĐQG Ấn Độ) trong tương lai nếu muốn đội tuyển tiến bộ".

Phát biểu của Stimac sau đó gây tranh cãi dữ dội trong làng bóng đá Ấn Độ. "Nhiều người cho rằng ông ấy quá ngạo mạn và coi thường tất cả", Chatterjee chia sẻ với Zing. "Đúng là Igor có ý tốt muốn nền bóng đá phát triển, nhưng ông ấy khiến nhiều người không hài lòng với phát biểu của mình. Ngoài ra, ông ấy cũng chưa đạt thành tựu nào đáng kể cùng ĐTQG".

Tuyển Ấn Độ dưới sự dẫn dắt của Stimac vô địch SAFF Championship (giải vô địch Nam Á) vào năm ngoái, nhưng danh hiệu này không được giới chuyên môn đánh giá cao khi các đối thủ của họ chỉ là Nepal, Maldives, Bangladesh hay Sri Lanka.

"Những chú hổ xanh" giành quyền dự vòng chung kết Asian Cup 2023 với thành tích toàn thắng trước Cambodia, Afghanistan, Hong Kong (Trung Quốc) ở vòng loại. Thế nhưng, thực lực của nền bóng đá Ấn Độ chưa đủ để cạnh tranh với các đội tốt nhất châu lục.

Thực tế của bóng đá Ấn Độ

Trận hòa 1-1 trước Singapore tại sân Thống Nhất hôm 24/9 chỉ mang tính chất giao hữu, nhưng nó cũng phản ánh phần nào trình độ của "Những chú hổ xanh" ở thời điểm hiện tại. Tuyển Ấn Độ hiện đứng thứ 104 thế giới, 19 ở châu Á, trên bảng xếp hạng FIFA. Khi đối đầu Singapore, đội bóng chưa phải là quá mạnh ở Đông Nam Á, thầy trò HLV Stimac chơi không ấn tượng.

"Nền bóng đá Ấn Độ phát triển chậm hơn 8 đến 10 năm so với các quốc gia hàng đầu châu Á. Vì vậy, chúng ta phải thức dậy nhanh chóng và tiến bộ hơn", HLV người Croatia thừa nhận vào tháng trước. "Chúng ta đang mơ về World Cup, nhưng nhiều quốc gia khác đầu tư nhiều hơn, tập trung vào cơ sở vật chất, đào tạo HLV và cầu thủ trẻ tốt hơn Ấn Độ".

Tuyển Ấn Độ trải qua trận đấu khó khăn trước Singapore. Ảnh: Quang Thịnh.

"Việt Nam là một ví dụ cho nhận xét của Stimac", Chatterjee đánh giá. 12 năm trước, tuyển Ấn Độ đánh bại Việt Nam 3-1 cũng trong một trận giao hữu với cú đúp của Sunil Chhetri. Khi hai đội tái đấu nhau tại Thống Nhất vào năm 2022, chân sút 38 tuổi tiếp tục là niềm hy vọng lớn trên hàng công của "Những chú hổ xanh". Điều đó nói lên nền bóng đá Ấn Độ thật sự gặp vấn đề trong việc đào tạo và phát triển tài năng trẻ, khi vẫn phải trông cậy vào một lão tướng như Chhetri.

3 năm qua, bóng đá Việt Nam lọt vào tứ kết Asian Cup lẫn vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Khi Việt Nam đối đầu với Nhật Bản, Australia hay Saudi Arabia ở vòng loại World Cup, Ấn Độ chơi những trận đấu với Maldives, Bangladesh hay Sri Lanka ở SAFF Cup.

"Việt Nam mạnh hơn Singapore rất nhiều", HLV Stimac thừa nhận sau trận đấu hôm 24/9. "Chúng tôi phải có cách tiếp cận trận đấu khác và chơi tập trung hơn". Cuộc đối đầu với đội bóng của HLV Park Hang-seo sẽ thước đo quan trọng để tuyển Ấn Độ biết họ đang ở đâu trên bản đồ bóng đá châu Á.

Hồng An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-kho-cua-hlv-tuyen-an-do-post1359486.html