Thế hệ Millennials khủng hoảng lòng tin

Nạn trộm cắp danh tính, rò rỉ dữ liệu cá nhân ở nhiều quốc gia đã khiến người trẻ rơi vào trạng thái hoang mang. Họ mất dần niềm tin vào hệ thống an ninh và các tổ chức xã hội.

Việc các thông tin cá nhân dễ dàng bị rò rỉ khiến nhiều người trẻ hoang mang. Ảnh: D.T.

[...]

Để bắt đầu cho những điều sắp trò chuyện cùng các bạn, tôi xin mượn lời của nhà lãnh đạo tư tưởng sắc bén Rachel Botsman. Trong Who Can You Trust? (tạm dịch: Bạn có thể tin ai?), luận điểm trung tâm của Botsman là “Niềm tin thể chế, dựa trên sự tin tưởng, nằm trong tay của một bộ phận ít ỏi và vận hành sau những cánh cửa khép kín, không phải là thứ dành cho thời đại kỹ thuật số.”

Nó thiếu tính minh bạch, tạo ra va chạm giao dịch, và không phù hợp với nền kinh tế tự phát (gig economy), hoàn toàn đi chệch với tính phụ thuộc nền tảng và cá nhân hóa đang trao quyền cho con người thông qua thiết bị.

Theo bà, chúng ta cần chuyển sang một mô hình mang tính đương thời hơn. Quan điểm của bà là cho dù mô hình lòng tin hiện tại còn nhiều thiếu sót, nhưng không nên bị phá hủy, mà thay vào đó nên được điều chỉnh và thay đổi để phù hợp với xã hội số của chúng ta. Đây chính là thời điểm cho sự thay đổi này, vì nó là nhân tố quan trọng tạo điều kiện cho giai đoạn tiếp theo của sự phát triển kỹ thuật số.

Năm 2017, lòng tin đối với bốn thể chế chủ chốt, doanh nghiệp, chính phủ, các tổ chức phi chính phủ (NGO) và truyền thông, suy giảm và chạm mốc khủng hoảng toàn cầu. Edelman Trust Barometer năm 2017 khảo sát tại 28 quốc gia cho thấy phần đông người tham gia khảo sát (53%) trong số ít nhất 33.000 người không tin hệ thống này phục vụ họ, cho rằng nó bất công và không có hy vọng tương lai.

Chỉ 15% người được khảo sát tin rằng hệ thống này có ích, những người còn lại thì không chắc chắn. Không có lòng tin, niềm tin vào hệ thống cũng tuột dốc. Quan ngại về kinh tế xã hội của người dân, toàn cầu hóa, tốc độ đổi mới và các giá trị xã hội bị mài mòn đang tạo ra những nỗi sợ trên khắp thế giới.

Lòng tin đối với truyền thông sụt giảm 43% xuống các mức thấp nhất tại 17 quốc gia, trong khi lòng tin với chính phủ giảm 41% tại 14 quốc gia, trở thành đối tượng ít được tin tưởng nhất tại một nửa trong số 28 quốc gia trong nghiên cứu.

Doanh nghiệp bị mất niềm tin nghiêm trọng (52%) và sụt giảm lòng tin tại 18 quốc gia. Tuy nhiên, trong bốn loại hình thể chế này, 75% người được hỏi cho biết doanh nghiệp là đối tượng duy nhất có thể tạo khác biệt (thông qua tăng lợi nhuận, cải thiện điều kiện kinh tế, điều kiện xã hội).

Độ tín nhiệm của các CEO giảm 12% trên toàn cầu xuống mức thấp nhất 37% tại mọi quốc gia được nghiên cứu, đánh dấu thời khắc này là thời điểm mà tại đó để nối lại lòng tin đòi hỏi phải có tư duy mới và lãnh đạo mới.

Bàn về tác động mà sự xói mòn lòng tin này mang lại đối với đời sống số, tất cả đều chỉ về cùng một hướng: khủng hoảng. Cho dù là tấn công mạng hay tổn thất kinh tế, mọi chỉ báo đều dẫn ta đến cùng một kết luận. Đó là, như nghiên cứu của Edelman đã chỉ ra, đời sống số cũng là một bước ngoặt. Hãy cùng xem xét một trong những chỉ báo quan trọng nhất này: rò rỉ dữ liệu.

Theo Gemalto, một đơn vị cung cấp giải pháp an ninh số toàn cầu, Chỉ số mức độ rò rỉ của đơn vị này cho thấy trong nửa đầu năm 2017, đã có hơn hai tỷ vụ rò rỉ hồ sơ được báo cáo trên toàn cầu tăng tới 164% so với sáu tháng trước đó.

Chỉ số này chưa phải là bức tranh toàn cảnh, vì có hơn 500 vụ rò rỉ dữ liệu chưa rõ hoặc chưa báo cáo con số hồ sơ bị xâm hại. Các quy định thông báo vi phạm dữ liệu bắt buộc, như Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của châu Âu và Đạo luật quyền riêng tư của Australia, sẽ cải thiện tình trạng báo cáo các sự việc như này khi các quy định này có hiệu lực thực thi vào năm 2018.

Trộm cắp danh tính chiếm tới ba phần tư số vụ rò rỉ dữ liệu, tăng 49% so với sáu tháng trước. Một vụ trộm cắp danh tính gây xôn xao đã xảy ra trong Hệ thống dịch vụ y tế quốc gia Anh, với 26 triệu hồ sơ được báo là đã mất. Một vụ khác là của công ty Deep Root Analytics, hợp đồng với Ủy ban Quốc gia Cộng hòa Mỹ, báo cáo vi phạm dữ liệu của 198 triệu hồ sơ.

Truy cập tài chính (financial access) là hình thức tấn công phổ biến nhất tiếp theo, chiếm 13% tổng số vụ rò rỉ được báo cáo. Số lượng hồ sơ bị đánh cắp tăng 17% so với sáu tháng trước. Tính theo lĩnh vực, ngành y tế báo cáo con số rò rỉ lớn nhất, chiếm 25% tổng số vụ rò rỉ. Gần 31 triệu hồ sơ bị đánh cắp, tăng 423% so với sáu tháng trước.

Mặc dù y tế, dịch vụ tài chính và giáo dục là các lĩnh vực bị tác động nhiều nhất, nhưng chỉ số này nhấn mạnh rằng tất cả các lĩnh vực, trong đó có chính phủ, ngày càng có nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu. Tính theo khu vực, Bắc Mỹ trải qua số vụ rò rỉ lớn nhất, chiếm 88% tổng số vụ trên toàn cầu. Con số này tăng 23% so với năm trước đó.

Tác động của những vụ rò rỉ này đối với người dân trên mọi mặt của cuộc sống và đời sống số, góp phần làm xói mòn thêm lòng tin vào các thể chế vốn là các cơ quan bảo hộ thông tin cá nhân cho người dân.

Vậy nên, nếu đặt câu hỏi với Thế hệ Millennials rằng, theo họ ai sẽ đóng vai trò quan trọng nhất để biến thế giới thành nơi tốt đẹp hơn, câu trả lời nhận được rất thú vị. Thế hệ Millennials tin rằng cá nhân đóng vai trò quan trọng nhất. Thế hệ được trao quyền này không phụ thuộc vào các thể chế, mà dựa vào cá nhân để định hướng thay đổi.

[...]

Rocky Scopelliti/ Best Books và NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/the-he-millennials-khung-hoang-long-tin-post1464962.html