Thế hệ lãnh đạo mới ở Campuchia

Ngày 22/8, Quốc hội Campuchia đã họp để thông qua thành phần nội các mới do ông Hun Manet - Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đề cử. Đồng thời, Quốc hội cũng thông qua tư cách Thủ tướng của ông Hun Manet. Ngay sau đó, ông Hun Manet đã tuyên thệ nhậm chức tại Cung điện Hoàng gia ở Phnom Penh.

Cơ quan báo chí nhà nước Campuchia (AKP) đưa tin Thủ tướng Hun Manet cùng các thành viên nội các mới được phê chuẩn của ông đã tuyên thệ tại Cung điện Hoàng gia dưới sự bảo trợ của Quốc vương Norodom Sihamoni. Ông Hun Manet kế vị cha mình là ông Hun Sen, người đã thoái vị sau 38 năm làm Thủ tướng Campuchia.

Ông Hun Manet phát biểu tại Quốc hội Campuchia.

Ông Hun Manet phát biểu tại Quốc hội Campuchia.

Sự kiện ông Hun Manet kế vị cha mình trên cương vị Chủ tịch đảng CPP cũng như trong việc dẫn dắt đảng này tham gia thắng lợi cuộc bầu cử quốc hội ngày 23/7 vừa qua được xem là cuộc chuyển giao quyền lực giữa 2 thế hệ lãnh đạo đất nước Campuchia hướng đến mục tiêu phát triển thịnh vượng bằng con đường hòa bình và ổn định chính trị. Trong cuộc bầu cử đó, đảng CPP cầm quyền đã chiến thắng vang dội, giành được 120/125 ghế trong Quốc hội. Qua cuộc bầu cử, ông Hun Manet đã thực hiện được điều mà cha mình mong đợi: Trưởng thành và lãnh đạo một cách chắc chắn ngay trong bước đi đầu tiên trên cương vị lãnh đạo mới.

Như vậy, ông Hun Manet là thế hệ thứ hai lãnh đạo đảng CPP và đất nước Campuchia. Thế hệ này đánh dấu một sự tươi mới trong bộ máy nội các chính phủ vừa được phê chuẩn. Nội các đó bao gồm Thủ tướng Hun Manet và 10 phó thủ tướng, 21 bộ trưởng và 22 thứ trưởng.

Đặc điểm nổi bật nhất của nội các chính phủ mới đó là hầu hết các thành viên nội các đều là những nhà lãnh đạo trẻ và năng động, thuộc thế hệ thứ hai. Tea Seiha tiếp quản chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng của cha mình là ông Tea Banh và Sar Sokha thay thế cha mình là ông Sar Kheng làm Bộ trưởng Nội vụ. Cả hai đồng thời cũng là phó thủ tướng. Còn em trai ông Hun Manet là Hun Many, con trai út của ông Hun Sen, tiếp quản chức vụ Bộ trưởng Bộ Công chính. Về trình độ học vấn, nội các mới cũng thể hiện là một tập hợp của những con người trẻ được đào tạo bài bản, nhiều người trong số họ có học vị tiến sĩ. Trong đó, nổi bật nhất là tân Thủ tướng Hun Manet.

Ông Hun Manet sinh tháng 10/1977, trong thời kỳ đất nước Campuchia chìm trong khói lửa nội chiến, với cuộc tàn sát của Khmer Đỏ khiến Campuchia mất đi một nửa dân số. Với sự giúp đỡ của Quân đội nhân dân Việt Nam, Campuchia được giải phóng và bắt đầu tiến trình tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Ông Hun Manet lớn lên trong giai đoạn đất nước có nhiều biến động chính trị, tranh giành quyền lực trong giai đoạn đầu cha ông, Samdech Techo Hun Sen cùng những đồng đội khác lãnh đạo đất nước. Chỉ đến khi Campuchia tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên do Liên hợp quốc bảo trợ vào năm 1993, tình hình đất nước mới dần dần đi vào ổn định cho đến ngày nay.

Trong thời gian đó, Hun Manet được học hành, được đưa đi đào tạo tại các trường đại học, học viện tiên tiến ở phương Tây. Đầu tiên, ông được học tại Học viện Quân sự West Point danh tiếng nhất của Mỹ, tốt nghiệp năm 1999, sau đó ông theo học và lần lượt lấy bằng thạc sĩ kinh tế tại Đại học New York năm 2002 và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol ở Anh năm 2008. Như vậy, về trình độ đào tạo thì có thể nói ông Hun Manet là vị thủ tướng trẻ, được đào tạo bài bản, có trình độ học vấn cao nhất ở Campuchia hiện nay. Với trình độ và môi trường đào tạo như thế, phương Tây đang hy vọng vị thủ tướng mới của Campuchia sẽ mang tư tưởng “thuận hơn” với phương Tây trong cuộc giằng co quyền lực địa chính trị, địa kinh tế giữa các cường quốc.

Trước khi được cha mình tin tưởng giao quyền lãnh đạo đất nước, ông Hun Manet từng có thời gian nhiều năm được cha rèn giũa trong môi trường chính trị của đất nước, với các vị trí đầy thử thách, gần đây nhất là vị trí Tư lệnh Lục quân Hoàng gia (từ năm 2018 cho đến trước khi lên làm thủ tướng).

Các nhà phân tích chính trị tin chắc rằng chính phủ mới sẽ tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định và mang lại sự phát triển kinh tế xã hội hơn nữa cho vương quốc. Giới phân tích cho rằng, những thách thức lớn mà chính phủ mới ở Campuchia sẽ phải đối mặt bao gồm chống tham nhũng và xây dựng các thể chế nhà nước trong sạch và vững mạnh, nơi trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và pháp quyền sẽ phát triển không ngừng. Đồng thời, chính phủ mới cũng sẽ tập trung vào việc giảm cách biệt về kinh tế và xã hội, nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục và y tế, thực hiện các chính sách kinh tế vì người nghèo và tăng cường công bằng xã hội và dịch vụ công.

Phát biểu tại Quốc hội, tân Thủ tướng Campuchia cho biết đây là một “ngày lịch sử” đối với Campuchia và tuyên bố sẽ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn của đất nước cũng như phát triển hơn nữa về kinh tế.

Ông nói: “Chính phủ mới cam kết nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và thúc đẩy thực hiện các cải cách sâu rộng hơn. Chính phủ sẽ ưu tiên cải cách quản trị nhằm củng cố thể chế nhà nước, xây dựng nền hành chính trong sạch, nâng cao pháp quyền và công bằng xã hội cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ công”. Ông cho biết chính phủ cũng sẽ ưu tiên đầu tư vào phát triển công nghệ, kinh tế xanh, cơ sở hạ tầng, bảo trợ xã hội và nguồn nhân lực, đặc biệt là giáo dục và y tế.

Trong khi đó, về đối ngoại, chính phủ mới tại Campuchia sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách cân bằng địa chính trị, làm sao để duy trì thế cân bằng quyền lực giữa hai “ông lớn” là Trung Quốc và Mỹ, đồng thời duy trì các mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp với các nước láng giềng, như Thái Lan, Việt Nam...

Trương Hùng (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/the-he-lanh-dao-moi-o-campuchia-i705207/