Thế giới thêm nửa triệu ca mắc Covid-19 mới

Trong 24 giờ qua, có hơn 588 nghìn ca mắc Covid-19 hồi phục trên toàn thế giới và 508 nghìn ca mắc Covid-19 mới được ghi nhận.

Tổng thống Mỹ Joe Biden kiểm tra một điểm tiêm ngừa Covid-19 tại Alexandria, bang Virginia, Mỹ, ngày 6/4/2021. (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Joe Biden kiểm tra một điểm tiêm ngừa Covid-19 tại Alexandria, bang Virginia, Mỹ, ngày 6/4/2021. (Ảnh: Reuters)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8 giờ sáng 15/9 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 226.610.727 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 4.661.441 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 203.276.744 người.

Mỹ vẫn là nước ghi nhận số ca mắc mới và tử vong cao nhất thế giới trong ngày, với lần lượt thêm 141.741 ca nhiễm và gần 2.000 ca tử vong mới. Hiện tổng số ca mắc tại Mỹ đã lên đến hơn 42,2 triệu ca, trong khi số ca tử vong cũng tăng lên hơn 682 nghìn ca. Vẫn còn tới 9,4 triệu bệnh nhân đang điều trị trên khắp nước Mỹ.

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh do sự hoành hành của biến thể Delta, chính quyền Tổng thống Joe Biden yêu cầu các nhân viên liên bang phải được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ không muộn hơn ngày 22/11.

Tuần trước, Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh hành pháp yêu cầu các nhân viên liên bang làm việc trong các cơ quan hành pháp phải được tiêm chủng đầy đủ, trừ một số trường hợp ngoại lệ nhất định.

Theo người phát ngôn Nhà trắng, bà Karine Jean-Pierre, Nhà trắng cũng đang vận động các lãnh đạo bang và địa phương áp dụng quy định bắt buộc tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Ngoài ra, Mỹ cũng đang thúc đẩy vận động các nhà lãnh đạo trên thế giới xúc tiến hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt đại dịch Covid-19, bao gồm bảo đảm 70% dân số thế giới được tiêm ngừa Covid-19 vào năm 2022.

Tờ New York Times đưa tin, nội dung trên là một phần của bản kế hoạch kèm lời mời được gửi tới lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế và các tập đoàn tư nhân, mời tham dự hội nghị trực tuyến liên quan đến Covid-19 do Mỹ tổ chức bên lề khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tuần này.

Theo đó, Mỹ đề nghị các quốc gia có khả năng tài trợ 1 tỷ liều vaccine bổ sung và xúc tiến việc phân phối 2 tỷ liều đã cam kết, bênh cạnh kêu gọi các quốc gia giàu có bảo đảm ít nhất 3 tỷ USD được giải ngân cho năm 2021 và 7 tỷ USD trong năm 2022 để triển khai tiêm vaccine, cùng các biện pháp ngăn ngừa việc trì hoãn hoặc do dự tiêm chủng.

Dự thảo cũng kêu gọi các quốc gia giàu có hơn cung cấp 2 tỷ USD để tăng cường nguồn cung ôxy và quyên tặng ít nhất 1 tỷ bộ dụng cụ xét nghiệm vào năm 2022 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, cùng với tài trợ 3 tỷ USD phát triển các loại thuốc điều trị Covid-19 trong năm sau.

Tại châu Âu, Chính phủ Anh dự kiến sẽ tăng cường tiêm ngừa Covid-19 cho người cao tuổi và dễ bị tổn thương để ứng phó với một mùa đông khắc nghiệt sắp tới. Theo Bộ trưởng Y tế Sajid Javid, chương trình tiêm chủng tăng cường sẽ bắt đầu vào tuần tới, với mũi tiêm thứ ba sẽ dành cho các nhân viên y tế tuyến đầu và những người trên 50 tuổi hoặc dễ bị tổn thương về mặt lâm sàng.

Theo giới chức y tế nước này, vaccine ngừa Covid-19 đã cứu sống hơn 112 nghìn người Anh và ngăn chặn 24 triệu ca nhiễm. Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson kỳ vọng chương trình tiêm chủng tăng cường sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện trước các ca nhiễm mới trong mùa đông sắp tới mà không cần phải áp dụng các lệnh phong tỏa mới.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Trung tâm Middlesex ở London, Anh, ngày 1/8/2021. (Ảnh: Reuters)

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Bệnh viện Trung tâm Middlesex ở London, Anh, ngày 1/8/2021. (Ảnh: Reuters)

Ngoài ra, Thủ tướng Johnson cũng đã lên một "kế hoạch B" trong trường hợp dịch Covid-19 gây áp lực quá lớn lên hệ thống y tế, với việc bắt buộc phải có chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19, yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang và làm việc tại nhà.

Anh đã ghi nhận 134 nghìn ca tử vong do Covid-19. Nước này hiện đang ghi nhận số ca nhiễm mới cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Cho đến nay, 44 triệu người Anh đã tiêm đủ 2 liều vaccine, trong đó 81% là người trên 16 tuổi. Đầu tuần này, Chính phủ Anh cũng đã đồng ý tiến hành tiêm ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ nước này cũng kêu gọi người dân đi tiêm phòng, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận 27.802 ca nhiễm Covid-19 mới vào ngày hôm qua, số ca nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ đầu tháng 5.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận 276 ca tử vong vào thứ ba, gần bằng mức kỷ lục hàng ngày. Dữ liệu cho thấy sự gia tăng số ca tử vong hàng ngày của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ giữa tháng 7 là mức tăng cao nhất trong số các quốc gia ở châu Âu và Trung Đông.

Tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu mở cửa lại trường học và dỡ bỏ hầu hết các biện pháp chống dịch trong mùa hè. Đầu tháng này, Ankara cũng bắt đầu yêu cầu xét nghiệm PCR âm tính hoặc chứng nhận tiêm chủng đối với các giáo viên và cho một số sự kiện công cộng nhất định.

Chính phủ Hà Lan hôm thứ ba thông báo nới lỏng các hạn chế và chuẩn bị áp dụng thẻ thông hành, với yêu cầu có chứng nhận tiêm chủng để vào các quán bar, nhà hàng hoặc tham dự các sự kiện văn hóa.

Ở Đông Nam Á, Bộ Y tế Singapore ngày 14/9 báo cáo 837 ca mắc Covid-19 mới, mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Sự gia tăng gần đây của các ca nhiễm mới sau khi nới lỏng một số biện pháp phòng dịch đã khiến Singapore phải tạm dừng kế hoạch mở cửa trở lại. Hiện hơn 80% dân số đảo quốc này đã được tiêm ngừa Covid-19.

Trong khi đó, Indonesia đang lên kế hoạch bắt đầu mở cửa biên giới cho du khách nước ngoài vào tháng 11, sau khi 70% dân số nước này được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid-19.

Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin cho biết, khi 140-150 triệu người trên tổng số 208 triệu dân Indonesia được tiêm mũi đầu tiên, tức khoảng 70% dân số, Indonesia có thể dần mở cửa trở lại, và mục tiêu này có thể đạt được vào tháng 11.

Indonesia đã ghi nhận hơn 4,1 triệu ca nhiễm và 139 nghìn ca tử vong do Covid-19, nhưng tỷ lệ dương tính trên tổng số xét nghiệm đã giảm sâu. Tỷ lệ này là 31% vào cuối tháng 7, nhưng đã giảm xuống còn 2% vào ngày hôm qua.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã tiêm ngừa Covid-19 cho khoảng 25% dân số. Ông Budi cho biết, tỷ lệ tiêm hằng ngày có thể tăng gần gấp đôi, lên 2 triệu mũi mỗi ngày khi có sự tham gia của cả lực lượng cảnh sát và quân đội vào công tác tiêm chủng.

Các biện pháp hạn chế được áp dụng từ đầu tháng 7 đang dần được nới lỏng, khi Indonesia đã cho phép các trung tâm thương mại, nhà hàng, rạp chiếu phim và nhà máy hoạt động trở lại với công suất hạn chế và có điều kiện.

TRUNG HƯNG (Theo Reuters, Worldometer)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/the-gioi-them-nua-trieu-ca-mac-covid-19-moi-664936/