Thế giới nửa đầu năm 2023

Sáu tháng đầu năm 2023 đã trôi qua. Đây là thời điểm để nhìn lại và hình dung rõ hơn bức tranh toàn cảnh của thế giới.

Nửa đầu năm 2023, xung đột Nga-Ukraine vẫn là điểm nóng đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Trong ảnh, một binh sĩ Ukraine trở lại địa điểm vừa giành lại quyền kiểm soát tại làng Blahodatne, tỉnh Kherson ngày 17/6/2023. (Nguồn: AP)

Bức tranh xám màu

Năm 2022, xung đột Nga-Ukraine đã đặt quan hệ Nga-phương Tây vào thế đối đầu trực diện, đe dọa phá vỡ cấu trúc an ninh châu Âu và mang đến nhiều thay đổi chưa từng có tới cục diện chính trị-an ninh thế giới sau Chiến tranh Lạnh.

Một năm sau, “xung đột” tiếp tục là từ khóa nóng hơn cả, khi đối đầu giữa hai láng giềng Đông Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đầu tháng Sáu, Kiev được cho là đã triển khai chiến dịch phản công quan trọng tại thành phố Bakhmut, Vuhledar nằm tại Donetsk và Zaporizhzhia. Tuy nhiên, bất chấp sự chuẩn bị kỹ lưỡng cùng nhiều khí tài quân sự từ phương Tây, các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã gặp phải sự đáp trả quyết liệt từ các lực lượng vũ trang Nga (VS RF). Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định Kiev đã giành lại tám ngôi làng chỉ trong hai tuần vừa qua, trong khi Moscow tuyên bố vẫn kiểm soát tại nhiều vị trí.

Tuy nhiên, hai bên đã chịu thiệt hại nặng nề. Phía Ukraine cho rằng thương vong của Nga những ngày qua lên tới 4.600 người. Đáp lại, Moscow khẳng định thương vong từ các lực lượng của Kiev là 3.715 người, 52 xe tăng và 207 xe bọc thép chỉ trong ba ngày (4-6/6). Trong bối cảnh đụng độ diễn ra từng giờ và nỗ lực thúc đẩy hòa bình chưa hiệu quả, đây chắc chắn không phải con số cuối cùng.

Mặc dù vậy, xung đột Nga-Ukraine không phải là điểm nóng duy nhất khiến thế giới lo âu. Cuộc gặp của nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Thái Anh Văn với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy hồi tháng Tư, cùng hợp đồng mua bán vũ khí giữa hai bên trị giá tới 500 triệu USD ngay trước đó khiến eo biển Đài Loan nóng lên hơn bao giờ hết.

Bán đảo Triều Tiên không là ngoại lệ: Bình Nhưỡng liên tục đáp trả các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn bằng các hoạt động quân sự với tần suất cao, lần gần đây nhất là vụ thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn ngày 15/6 và phóng vệ tinh quân sự ngày 31/5.

Biển Đông chứng kiến nhiều diễn biến phức tạp trên thực địa, trong khi ở Biển Hoa Đông, tình hình Myanmar vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; khu vực Bờ Tây/dải Gaza đối mặt nguy cơ mới trước sự nổi lên của một số nhóm cực đoan và động thái của Israel khi trao thẩm quyền tại khu vực này cho ông Bezalel Smotrich, người có quan điểm cứng rắn về Palestine.

Đó là chưa kể sự nổi lên của các điểm nóng mới mà cũ như nội chiến tại Nam Sudan, căng thẳng Serbia-Kosovo khiến thế giới vẫn trong tình trạng bất ổn.

Sáu tháng đầu năm cũng chứng kiến căng thẳng ngày một rõ nét giữa các nước lớn. Cạnh tranh Mỹ-Trung trở nên gay gắt, toàn diện hơn trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, công nghệ tới quân sự. Đặc biệt, vụ khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện và bị bắn hạ trên lãnh thổ Mỹ khiến quan hệ song phương thêm phần gay gắt. Vừa qua, việc Trung Quốc “cấm cửa” các sản phẩm của Tập đoàn Micron (Mỹ) trong các cơ sở hạ tầng quan trọng cũng khiến quan hệ Bắc Kinh-Washington thêm phần căng thẳng.

Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục khiến quan hệ Mỹ-Nga “tụt dốc không phanh”. Mỹ cùng phương Tây áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mới với Nga. Đáng ngại hơn, thời gian qua, máy bay chiến đấu và máy bay không người lái (UAV) hai nước đã xảy ra nhiều vụ va chạm như gần Alaska hay Biển Đen. Đáp lại, Moscow đình chỉ việc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START), bắt giam ông Evan Gershkovich, phóng viên tờ Wall Street Journal (Mỹ) vì cáo buộc gián điệp. Đồng thời, Nga thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc cùng các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Sự xuất hiện và diễn biến phức tạp của nhiều điểm nóng, hệ lụy từ xung đột Nga-Ukraine tác động nghiêm trọng tới kinh tế thế giới. Đà phục hồi chậm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí suy thoái về mặt kỹ thuật như Đức đã khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu chỉ còn ở mức 2,2% và sẽ tiếp tục chậm lại thời gian tới. Lạm phát toàn cầu có thể giảm từ 9,2% (2022) xuống 7,2% năm nay, song vẫn sẽ ở mức cao trong xuyên suốt sáu tháng còn lại và chắc chắn bỏ xa mức năm 2019.

Chuỗi cung ứng đứt gãy, nhu cầu giảm, thiếu hụt nguyên vật liệu then chốt cùng quá trình vận chuyển kéo dài khiến nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp lớn “lao đao”. Các ngân hàng danh tiếng ở Mỹ như SVB, First Republic Bank, Signature… phải kêu gọi cứu trợ, ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ phải “bán mình” cho UBS với giá 3,5 tỷ USD… gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ suy thoái toàn cầu, tương tự như năm 2008 khi Lehman Brothers (Mỹ) sụp đổ.

Đó là chưa kể tới hàng loạt thiên tai, thảm họa thiên nhiên và nhân tạo nghiêm trọng. Trận động đất kinh hoàng tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria hồi tháng Hai vừa qua khiến gần 60.000 người thiệt mạng. Đầu tháng Sáu, ba đoàn tàu ở Ấn Độ va chạm, khiến 290 người tử vong. Vụ vỡ đập Kakhovka tại vùng Kherson ở Ukraine, hiện do Nga kiểm soát làm chết 52 người.

Tìm sáng trong tối

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng bức tranh thế giới nửa đầu năm 2023 chỉ toàn những gam màu tối.

Đầu tiên, nhận thức rõ nét tầm quan trọng của chấm dứt xung đột tại Ukraine, nhiều nước, nổi bật là Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đã tham gia ngày một tích cực vào thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Kiev và Moscow. Đồng thời, các diễn đàn đa phương ở khu vực và quốc tế kêu gọi các bên sớm chấm dứt đụng độ hiện nay. Trong khi đó, dù vẫn ở thế đối đầu và chưa tìm được tiếng nói chung về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, song, Nga và Ukraine nhấn mạnh rằng cần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là đối với những nước đang phát triển.

Ngoài ra, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh cho thấy chuyển biến tích cực. Tiếp xúc đầu tiên giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại Đối thoại Shangri-la tháng Năm vừa qua cùng chuyến thăm bất ngờ của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới Bắc Kinh vài ngày trước, gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương, nhà ngoại giao cấp cao Vương Nghị và Chủ tịch Tập Cận Bình là tín hiệu tích cực. Trong các lần tiếp xúc, hai bên khẳng định cam kết “chèo lái” mối quan hệ song phương “đi đúng hướng” như Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu.

Thú vị thay, khu vực Trung Đông-châu Phi, nơi từng được coi là “chảo lửa” một thời của thế giới, lại đang chứng kiến những chuyển biến mới trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình.

Nổi bật trong số đó là việc Iran và Saudi Arabia, dưới sự trung gian hòa giải của Trung Quốc, đã nối lại quan hệ ngoại giao và mở cửa lại các Đại sứ quán. Sau hơn một thập kỷ gián đoạn, Damascus và Riyadh cũng đã nối lại quan hệ, với Syria trở về “mái nhà xưa”, Liên đoàn Arab. Trong khi đó, dù còn gặp nhiều rào cản, đặc biệt là vấn đề Palestine, song Israel được cho là đang thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia, với Mỹ đóng vai trò xúc tiến.

Trong khi đó, sau thời gian đầu bị “sốc” do hệ quả từ xung đột Nga-Ukraine nửa cuối năm 2022, nhiều nước châu Âu đã chủ động thích ứng. Chính phủ các nước này chủ động giảm sự phụ thuộc vào quốc gia đơn lẻ, đa dạng hóa nguồn cung, bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng, kiềm chế lạm phát để duy trì sự ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chiến lược an ninh quốc gia đầu tiên của Đức, nước có vai trò dẫn dắt trong Liên minh châu Âu (EU), đã coi an ninh năng lượng, lương thực là một cấu phần quan trọng trong an ninh quốc gia.

Không thể không kể đến việc Nhật Bản và Ấn Độ, hai nước châu Á-Thái Bình Dương làm Chủ tịch luân phiên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tái khẳng định vị trí then chốt của khu vực với sự phát triển của thế giới. Đặc biệt, thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 và các hội nghị cấp cao liên quan tại Labuan Bajo, Indonesia hồi tháng Năm cùng sự tham dự, đóng góp ý kiến của lãnh đạo nhiều nước đối tác lớn cho thấy thế giới đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN với châu Á-Thái Bình Dương.

Chừng đó điểm sáng rõ ràng là không nhiều, song đủ để thế giới hy vọng vào một nửa cuối năm 2023 với bớt căng thẳng, thêm niềm vui đang chờ ở phía trước.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/the-gioi-nua-dau-nam-2023-231813.html