Thế giới đối mặt với thảm họa thiên nhiên khốc liệt

Trận động đất cường độ mạnh kèm cảnh báo sóng thần ở Đài Loan (Trung Quốc) khiến các quốc gia cách đó hàng nghìn km phải ban hành cảnh báo, 'nín thở' theo sát một lần nữa cho thấy thế giới phải luôn luôn phòng ngừa những thảm họa thiên nhiên khốc liệt và khắc nghiệt có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hết động đất lại lo “siêu xoáy nước”

Theo Cơ quan thời tiết Đài Loan (Trung Quốc), một trận động đất 7,2 độ richter đã xảy ra vào lúc 7 giờ 58 phút theo giờ địa phương (tức 6 giờ 58 phút cùng ngày theo giờ Việt Nam), ở ngoài khơi bờ biển phía Đông vùng lãnh thổ này, với độ sâu chấn tiêu 15,5km. Hơn 25 dư chấn được ghi nhận sau động đất có cường độ mạnh này. Hiện có sự khác biệt trong việc tính toán và xác định độ lớn của trận động đất. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đánh giá lại độ lớn của trận động đất, theo đó nâng lên 7,7 độ richter, thay cho ước tính ban đầu là 7,5 độ richter. Trong khi, Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ đánh giá trận động đất trên có độ lớn 7,4.

Lực lượng cứu hộ giải cứu một nạn nhân mắc kẹt dưới đống đổ nát trong trận động đất ở Đài Loan - Trung Quốc

Dù có đánh giá khác nhau, song trận động đất ở ngoài khơi bờ biển Đài Loan vẫn là một trận động đất có cường độ mạnh, gây ra nhiều thiệt hại. Theo truyền thông Đài Loan, đây là trận động đất lớn nhất tại hòn đảo này kể từ trận động đất độ lớn 7,6 xảy ra năm 1999 khiến gần 2.400 người thiệt mạng

Số liệu mới nhất cho biết, số người thương vong trong trận động ở ngoài khơi Đài Loan đang tiếp tục gia tăng. Theo chính quyền Đài Loan, số nạn nhân thiệt mạng tính đến chiều 3-4 là 7 người, trong khi 711 người bị thương và 77 người bị mắc kẹt dưới các đống đổ nát.

Đã có ít nhất 26 tòa nhà bị sập do động đất với hơn một nửa trong số đó là ở vùng Hoa Liên gần vùng tâm chấn. Lực lượng chức năng Đài Loan đang tiến hành các hoạt động cứu hộ 77 người bị mắc kẹt dưới các tòa nhà bị sập. Nhiều trường học và công sở tạm ngừng hoạt động sau động đất.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ban đầu đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra sóng thần lên tới 3m tại vùng đảo Okinawa ở phía Nam nước này. Cơ quan này sau khi ghi nhận sóng thần ở mức độ nhỏ hơn xảy ra tại một số địa phương nên đã gỡ bỏ cảnh báo ban đầu. Nhiều chuyến bay đến và đi ở tỉnh Okinawa đã bị ngừng trong thời gian có cảnh báo sóng thần từ trận động đất ở Đài Loan.

Philippines cũng ban hành cảnh báo sóng thần và ra lệnh sơ tán các khu vực ven biển ngay sau trận động đất mạnh ở ngoài khơi đảo Đài Loan. Quốc gia Đông Nam Á này sau đó cũng đã dỡ bỏ cảnh báo sóng thần khi Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương cho biết hiện không còn mối đe dọa sóng thần từ trận động đất nói trên.

Trong khi nhiều khu vực ở bờ Tây Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng động đất ngoài khơi Đài Loan, phía Nam bán cầu cũng có nguy cơ phải đối mặt với một thảm họa thiên nhiên khác. Đó là “siêu xoáy nước” khổng lồ di chuyển theo chiều kim đồng hồ quanh Nam Cực. “Siêu xoáy nước” với lượng nước dòng chảy có tổng thể tích khoảng 169 triệu m3 mỗi giây, sâu đến tận đáy đại dương và trải dài 2.000km theo chiều ngang. Thể tích xoáy của vòng xoáy đại dương khổng lồ tại Nam Cực này có thể tích lớn hơn 100 lần so với tất cả các con sông trên thế giới cộng lại. “Siêu xoáy nước” có thể là do tác động của biến đổi khí hậu và hoạt động của nó cũng có thể tác động lớn tới khí hậu Trái đất.

Các nhà khoa học nghiên cứu về “siêu xoáy nước” ở Nam Cực cho rằng, đây là dòng chảy mạnh nhất và nhanh nhất trên hành tinh và là dòng chảy quan trọng nhất của hệ thống khí hậu Trái đất. Giới khoa học lo ngại, tốc độ ngày càng tăng của vòng xoáy đang góp phần làm tăng mực nước biển toàn cầu, trong khi băng ở Nam Cực tiếp tục tan chảy do biến đổi khí hậu khiến Trái đất nóng lên.

Luôn cảnh giác và có phương án ứng phó với thảm họa thiên nhiên

Động đất ngoài khơi Đài Loan (Trung Quốc), “siêu xoáy nước” ở Nam Cực… là hai trong số rất nhiều thảm họa thiên nhiên mà thế giới đã, đang và sẽ phải hứng chịu. Ngay đầu năm nay, Nhật Bản cũng đã phải hứng chịu trận động đất có độ lớn 7,6 tại tỉnh Ishikawa ở bờ Tây nước này, khiến hơn 230 người thiệt mạng và 44.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc một phần.

Trước đó, trong năm 2023, thế giới đã ghi nhận nhiều thảm họa thiên nhiên có mức tàn phá, gây thiệt hại hàng tỷ USD trở lên. Trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những thảm họa thiên nhiên nặng nề nhất nhiều thập kỷ qua trên thế giới khiến hơn 50 nghìn người thiệt mạng, thiệt hại vật chất tới hơn 163 tỷ USD.

Có thế thấy, gần như ngày nào, tuần nào cũng có tin tức về một nơi nào đó trên hành tinh đang phải gánh chịu một thảm họa nào đó có thể là lũ lụt, cháy rừng, bão nhiệt đới, hoặc hạn hán. Thảm họa thiên nhiên có thể khác nhau, nhưng đều có các điểm chung là gây ra thiệt hại vô cùng lớn và khiến cho hàng chục, hàng trăm nghìn người phải lao đao khốn khổ.

Từ châu Á sang châu Âu hay châu Phi và châu Mỹ, từ nước giàu cho tới nước nghèo, thảm họa tự nhiên không chừa bất cứ một mảnh đất nào của hành tinh. Cũng chính vì thế, tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) vào cuối tháng 11-2023, đại diện các quốc gia và tổ chức quốc tế đã đặc biệt thảo luận sâu về những tác động do biến đổi khí hậu dẫn tới thiên tai gây ra. Trong đó, các quốc gia đang phát triển phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề của thảm họa thiên nhiên.

Thảm họa tự nhiên có những thảm họa có thể dự báo, cảnh báo và giảm thiểu mức độ nặng nề như bão lụt, hạn hán, cháy rừng… bởi đây phần nào cũng là hậu quả của biến đổi khí hậu Trái đất mà con người là tác nhân quan trọng. Tuy nhiên, cũng có thảm họa rất khó dự báo chính xác và hoàn toàn tự nhiên như động đất.

Về những thảm họa thiên nhiên có tác động của con người, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo rằng, “kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc” và “kỷ nguyên sôi sục toàn cầu đã đến”. Người đứng đầu Liên hợp quốc vì thế nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động toàn cầu về khí thải, thích ứng với khí hậu và tài chính khí hậu để đạt mục tiêu ngăn Trái đất nóng lên.

Thiệt hại vô cùng lớn về người và của từ những thảm họa thiên nhiên cho thấy, thế giới có phát triển đến đâu, những thành tựu về khoa học - công nghệ - kỹ thuật của con người có tới đỉnh cao nào thì trước các thảm họa thiên nhiên, con người cũng như sự sống vẫn còn nhỏ bé và mong manh. Vì thế, cùng với việc hành động nhanh chóng và quyết liệt để giảm thiểu những thảm họa thiên nhiên có phần “đóng góp” của con người như biến đổi khi hậu, thế giới phải tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, phát triển những kỹ thuật có thể phát hiện, cảnh báo thảm họa thiên nhiên ngày càng nhanh và chính xác hơn. Đồng thời phải luôn cảnh giác trước thảm họa thiên nhiên có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở đâu.

Các quốc gia, khu vực hay xảy ra thảm họa thiên nhiên cần phải có quy chuẩn xây dựng các công trình, tòa nhà có khả năng chống chọi ngày càng tốt hơn, cao hơn. Cũng rất cần có những hướng dẫn và hướng dẫn để mọi người dân có thể phản ứng, ứng phó nhanh với thảm họa thiên nhiên, đồng thời có phương án, kế hoạch ứng phó, sơ tán người dân khẩn trương tới nơi an toàn... Luôn cảnh giác và có phương án ứng phó là một cách hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại do thảm họa thiên nhiên khốc liệt và khắc nghiệt.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/the-gioi-doi-mat-voi-tham-hoa-thien-nhien-khoc-liet-post572203.antd