Thế giới có hơn 233 triệu ca nhiễm COVID-19

Tính đến sáng 28/9, thế giới ghi nhận 233.064.996 ca nhiễm COVID-19, với 4.769.240 ca tử vong. Nhờ vào các nỗ lực đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhiều nước trên thế giới giờ đang chuyển hướng sang sống chung an toàn với COVID-19 trong trạng thái 'bình thường mới'.

Người dân đeo khẩu trang khi thăm quan công viên Commonwealth Park ở thủ đô Canberra, Australia. (Ảnh: Xinhua)

Trả lời phỏng vấn đài ABC, ngày 26/9, Giám đốc điều hành (CEO) của Hãng dược phẩm Pfizer Albert Bourla nhận định thế giới sẽ trở lại cuộc sống bình thường trong khoảng 1 năm tới, đồng thời cho rằng trong tương lai có thể sẽ cần tiêm phòng nhắc lại vaccine COVID-19 hằng năm. Tuy nhiên, ông Bourla nhấn mạnh thế giới nên tiếp tục cảnh giác ngay cả khi trở lại cuộc sống bình thường, bởi nguy cơ xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn còn hiện hữu. Nhận định mới của CEO Pfizer cũng trùng với dự báo mà CEO hãng dược phẩm Moderna - ông Srephane Bancel đưa ra trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Neue Zuercher Zeitung hồi tuần trước về khả năng thế giới có thể trở lại cuộc sống bình thường trong khoảng 1 năm tới.

Còn về diễn biến cụ thể, số liệu thống kê trên worldometers.info vào sáng 28/9 cho thấy, hiện toàn thế giới có 209.760.944 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 18.534.812 ca bệnh đang điều trị thì có 18.442.534 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,5%) và 92.278 ca (chiếm 0,5%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đã lan sang 221 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất.

Theo số liệu do trang web ourworldindata.org công bố vào sáng 28/9, hiện 44,5% dân số thế giới đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine. Tính cho đến nay, đã có 6,13 tỷ liều vaccine được sử dụng trên toàn thế giới, với 24,98 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng vẫn diễn ra không đồng đều, khi số người được ngừa ít nhất 1 liều vaccine tại các nước thu nhập thấp, dù đã được cải thiện song vẫn còn khiêm tốn ở mức 2,2%.

Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 58.585.042 trường hợp, trong đó có 1.217.653 ca tử vong và 53.685.422 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 106.477 ca mắc mới.

Hiện Bắc Mỹ có 52.795.529 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.070.639 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 43.936.661 ca nhiễm và 709.080 ca tử vong vì COVID-19.

Tính đến sáng 28/9, Nam Mỹ có 37.727.589 ca nhiễm COVID-19, với 1.152.539 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 21.366.395 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Sau một thời gian đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, Chính phủ Chile vừa thông báo sẽ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp được ban bố từ giữa tháng 3/2020 và chấm dứt lệnh giới nghiêm vào buổi tối. Tuy nhiên, người dân Chile được khuyến cáo tự giác tuân thủ các biện pháp phòng dịch, sát khuẩn thường xuyên để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

Hiện châu Á đang là “điểm nóng dịch bệnh trên thế giới”, với 75.414.499 ca nhiễm COVID-19. Dù đã có dấu hiệu thuyên giảm, song trong nhiều ngày qua, khu vực này luôn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 tính theo ngày. Trong 24 giờ qua, châu Á có thêm 137.186 ca nhiễm COVID-19, trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm tỷ lệ cao nhất với 27.188 ca.

Trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng đang tiếp tục được mở rộng, chính phủ nhiều nước châu Á đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và quay trở về trạng thái bình thường mới. Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi tất cả người dân nước này chuẩn bị sống chung với COVID-19 vì bệnh dịch này sẽ sớm trở thành một loại bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, người đứng đầu chính phủ Indonesia kêu gọi người dân thực hiện nghiên lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng, tiêm chủng đại trà và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện các quy định y tế. Người dân cần giữ gìn ý thức và không được mất cảnh giác trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh, ngay cả khi nhiều biện pháp hạn chế xã hội đã được nới lỏng.

Tính đến sáng 28/9, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.321.020 trường hợp, trong đó có 209.747 ca tử vong và 7.613.610 ca bình phục.

Sáng 28/9, châu Đại Dương có thêm 1.750 trường hợp nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tới thời điểm hiện tại lên 220.596 trường hợp, với 2.807 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 99.033 ca, tiếp theo sau là Fiji với 50.807 ca./.

T.Lan

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-co-hon-233-trieu-ca-nhiem-covid-19-592219.html