Thế giới có gần 460 triệu ca nhiễm COVID-19

Tính đến sáng 15/3, thế giới ghi nhận 459.250.107 ca nhiễm và 6.066.775 ca tử vong vì COVID-19. Trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát tốt, ngày càng có nhiều nước tính đến việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

 Học sinh tại một trường tiểu học ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 14/3/2022. (Ảnh: Yonhap)

Học sinh tại một trường tiểu học ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 14/3/2022. (Ảnh: Yonhap)

Số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 15/3 cho thấy, hiện toàn thế giới có 392.790.887 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 60.392.445 ca bệnh đang điều trị thì có 60.327.137 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,9%) và 65.308 ca (chiếm 0,1%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng.

Còn xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 165.534.122 trường hợp, trong đó có 1.740.670 ca tử vong và 146.239.545 ca được điều trị khỏi. Sau hơn hai năm ứng phó, ngày càng nước trong khu vực thực hiện lộ trình mở cửa hoàn toàn, thích ứng sống chung với đại dịch.

Tại Anh, Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps vừa thông báo chấm dứt tất cả hạn chế đi lại vốn được áp đặt nhằm phòng, chống COVID-19, mở cửa trở lại du lịch sau gần 2 năm đóng cửa. Theo đó, từ 4h00 ngày 18/3 (giờ địa phương, tức 11h00 theo giờ Việt Nam), du khách đến vùng England, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland sẽ không còn phải điền biểu mẫu thông tin định vị hành khách; những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ không phải thực hiện xét nghiệm trước và sau khi đến Anh.

Bộ trưởng Shapps cho biết những thay đổi về quy định này là nhờ chương trình tiêm chủng của Anh, đồng thời tin tưởng rằng Anh đang dẫn đầu thế giới trong việc dỡ bỏ mọi hạn chế đi lại phòng COVID-19.

Tại Bắc Mỹ, tổng số ca nhiễm COVID-19 tính tới sáng 15/3 là 95.750.184 trường hợp, trong đó có 1.423.281 ca tử vong.

Dù số ca mắc mới, nhập viện và tử vong vì COVID-19 đang có xu hướng giảm, song Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 81.213.141 ca nhiễm và 987.494 ca tử vong vì COVID-19 ở thời điểm hiện tại.

Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 126.794.727 trường hợp, với 1.374.257 ca tử vong và 112.821.981 ca điều trị khỏi. Song song việc triển khai một chiến dịch tiêm chủng mở rộng, nhiều nước tiếp tục theo đuổi chủ trương mở cửa và sống chung an toàn với dịch bệnh một cách thận trọng.

Hiện Bộ Y tế Thái Lan đang chuẩn bị đưa ra một kế hoạch gồm 4 giai đoạn cho thời gian chuyển tiếp đưa COVID-19 từ đại dịch thành bệnh đặc hữu. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho biết kế hoạch này dự kiến sẽ được Bộ Y tế trình lên cuộc họp ngày 18/3 của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì. Việc coi COVID-19 là bệnh đặc hữu sẽ cho phép Bộ Y tế và các cơ quan liên quan sẽ giảm bớt các biện pháp phòng chống COVID-19 phù hợp với tình hình để người dân có thể bắt đầu cuộc sống bình thường.

Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đang lên kế hoạch nới lỏng các tiêu chí về dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch trọng điểm nhằm giảm bớt tác động của các biện pháp này đối với các hoạt động kinh tế-xã hội.

Trong 24 giờ qua, châu Phi có thêm 1.456 ca nhiễm mới và 13 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng các con số thống kê được tính tới sáng 15/3 lần lượt là 11.633.018 và 251.772 trường hợp. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 3.695.175 ca nhiễm COVID-19 và 99.725 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 42.432 ca nhiễm COVID-19, trong đó riêng Australia chiếm tới 26.360 ca. Hiện khu vực này có tổng số 4.254.875 trường hợp ca mắc COVID-19, với 8.262 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 3.622.826 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 377.685 ca./.

T.Lan

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/the-gioi-co-gan-460-trieu-ca-nhiem-covid-19-605929.html