Thế giới chi 2,4 nghìn tỉ USD cho quốc phòng và mua sắm vũ khí trong năm 2023

Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở nhiều nơi, tổng chi tiêu quân sự của các quốc gia trên thế giới năm 2023 đã lên tới 2,4 nghìn tỉ USD, đạt mức tăng lớn nhất 6,8% kể từ năm 2009.

Chi tiêu cho quân sự của cả thế giới năm 2023 lên tới 2.400 tỉ USD (Ảnh: SIPRI)

Chi tiêu quân sự của Mỹ đã lên tới gần 1 nghìn tỉ USD, vượt xa các quốc gia khác. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), một cơ quan nghiên cứu của Thụy Điển chuyên về xung đột và vũ khí, đã công bố báo cáo chi tiêu quân sự năm 2023 của các quốc gia trên thế giới.

Bản báo cáo cho thấy chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng năm thứ 9 liên tiếp. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2009, chi tiêu quân sự ở 5 khu vực chính trên thế giới là châu Phi, châu Âu, Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương và châu Mỹ đều tăng. Đặc biệt, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Trung Đông có mức tăng nhiều nhất.

Chi tiêu quân sự của Mỹ vượt xa các nước khác

Báo cáo của SIPRI chỉ ra rằng Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Arab Saudi là 5 nước chi tiêu quân sự nhiều nhất trên thế giới.

Chi tiêu quân sự của Mỹ tăng 2,3% trong năm, đạt 916 tỉ USD, chiếm khoảng 2/5 của toàn thế giới. Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự trong 29 năm liên tiếp, đứng thứ 2 với tổng chi tiêu trong năm 2023 là 296 tỉ USD, tăng 6%. Lần lượt xếp từ thứ 3 đến thứ 10 là các nước: Nga: 109 tỉ USD (tăng 24%), Ấn Độ: 83,6 tỉ USD (tăng 4,2%), Arab Saudi: 75,8 tỉ USD (tăng 4,3%), Anh: 74,9 tỉ USD (tăng 7,9%), Đức: 66,8 tỉ USD (tăng 9%), Ukraine: 64,8 tỉ USD (tăng 51%), Pháp: 61,3 tỉ USD (tăng 6,5%), Nhật Bản: 50,2 tỉ USD (tăng 11%).

Top 20 quốc gia chi cho quân sự nhiều nhất thế giới năm 2023 (Ảnh: SIPRI)

Đứng thứ 11 đến 20 là các nước: Hàn Quốc, Italy, Australia, Ba Lan, Israel, Canada, Tây Ban Nha, Brazil, Algeria, Hà Lan.

Chi tiêu quân sự sẽ tiếp tục gia tăng

SIPRI phân tích chỉ ra cho rằng, với việc cuộc chiến Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, cộng với tình hình phức tạp hiện tại ở Trung Đông và căng thẳng ngày càng gia tăng ở châu Á; dự đoán các nước có thể tiếp tục tăng cường năng lực quân sự của mình. Bởi vậy, chi tiêu quân sự toàn cầu sẽ tiếp tục gia tăng trong ít nhất vài năm nữa.

“Các nước đều đang ưu tiên xây dựng sức mạnh quân sự, nhưng họ phải đối mặt với nguy cơ xảy ra vòng xoáy tác dụng - phản tác dụng trong môi trường an ninh và địa chính trị ngày càng biến động khôn lường”, Reuters dẫn lời Tiannan, nhà nghiên cứu cấp cao tại Chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, cho hay.

Báo cáo của SIPRI chỉ ra rằng chi tiêu quân sự của Nga đã tăng 24% trong năm ngoái, nâng tổng chi tiêu lên 109 tỉ USD, chiếm 4,5% của thế giới. Ukraine đã tăng chi tiêu quân sự thêm 51%, nâng tổng chi tiêu lên 65 tỉ USD. Ngoài ra, Ukraine cũng đã nhận được ít nhất 35 tỉ USD viện trợ quân sự từ các nước khác.

Báo cáo viết: “Sự kết hợp giữa viện trợ nước ngoài và chi tiêu quân sự của Ukraine khiến chi tiêu quân sự của nước này lên tới con số tương đương 91% chi tiêu quân sự của Nga, tăng 1.272% so với năm 2014".

Chi tiêu quân sự của Trung Quốc năm ngoái xấp xỉ 296 tỉ USD, tăng 6% so với năm trước và chiếm 12% chi phí quân sự của toàn thế giới. Báo cáo nghiên cứu cho rằng sự gia tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã thúc đẩy các nước láng giềng Nhật Bản, Ấn Độ và vùng lãnh thổ Đài Loan tăng ngân sách quốc phòng theo, và xu hướng này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong vài năm tới.

Tỉ trọng chi phí cho quân sự của các quốc gia thuộc top đầu thế giới (Ảnh: SIPRI).

Trong khi đó chi tiêu quân sự của các nước NATO chiếm 55% chi tiêu quân sự toàn cầu.

Lorenzo Scarazzato, một nhà nghiên cứu khác tại SIPRI cho biết: “Đối với các nước NATO ở châu Âu, cuộc chiến kéo dài 2 năm ở Ukraine về cơ bản đã thay đổi nhận thức của họ về an ninh”.

“Nhận thức đang thay đổi này về các mối đe dọa được phản ánh qua tỉ lệ chi tiêu quân sự ngày càng tăng trong GDP và mục tiêu dành 2% GDP chi tiêu quân sự của NATO ngày càng được coi là ranh giới tối thiểu và không phải là ngưỡng để cố gắng đạt được”, ông Scarazzato nói.

Theo các nhà nghiên cứu, chi tiêu quân sự ở Ba Lan, quốc gia có biên giới với Ukraine, đã tăng 75% trong năm ngoái, trong khi Đức và Anh cũng có mức tăng lần lượt là 9% và 7,9%.

Báo cáo lưu ý rằng các nước thành viên NATO hiện dự kiến chi ít nhất 2% GDP của họ cho chi tiêu quân sự; đại đa số các quốc gia thành viên NATO đang tăng chi tiêu quân sự, trong khi ngân sách quốc phòng của Mỹ đã tăng 2% vào năm ngoái lên 916 tỷ USD, chiếm khoảng 2/3 tổng chi tiêu quân sự của NATO.

Từ tháng 10 năm ngoái, Israel đã xảy ra chiến tranh với Hamas và chi tiêu quân sự của nước này cũng tăng mạnh. Cuộc chiến Israel – Hamas cũng thúc đẩy các nước Ả Rập ở Trung Đông tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng. Mức độ tăng trưởng chi tiêu quân sự ở Châu Phi và Châu Mỹ Latinh cũng khiến các nhà nghiên cứu bất ngờ.

Theo Thanh niên TQ, Deutsche Welle

Thu Thủy

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/the-gioi-chi-24-nghin-ti-usd-cho-quoc-phong-va-mua-sam-vu-khi-trong-nam-2023-post174463.html