Thể dục dụng cụ Việt Nam hướng tới ASIAD 19 và Olympic Paris 2024

Khép lại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) tại Campuchia, Thể dục dụng cụ Việt Nam tiếp tục tập luyện chuẩn bị cho Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 (ASIAD 19) tổ chức vào tháng 9 và xa hơn là giành vé tham dự Olympic Paris 2024.

Tín hiệu vui

Tại SEA Games 32, thể dục dụng cụ Việt Nam xuất sắc giành được 4 HCV, 2 HCB và 2HCĐ, vượt chỉ tiêu 3 HCV đặt ra trước khi Đại hội diễn ra. Đây là thành quả xứng đáng cho những gì đã chuyển bị kỹ lưỡng SEA Games 32 của VĐV Khánh Phong và các đồng đội.

Sau SEA Gakmes 32, thể dục dụng cụ Việt Nam tiếp tục tranh tài ở Giải thể dục dụng cụ vô địch châu Á 2023 vừa kết thúc vào ngày 18/6, tại quốc đảo Singapore. Phong độ ổn định giúp VĐV Khánh Phong giành HCB nội dung vòng treo nam, với 14.366 điểm, hơn hai đối thủ Kiu Chong của Hồng Kông (Trung Quốc) với 14.100 điểm và Carlos Yulo (Philippines, 14.033 điểm).

Đây là lần thứ hai Khánh Phong đánh bại Carlos Yulo, người từng nhiều lần vô địch thế giới và 4 lần vô địch châu Á. Trước đó ở SEA Games 32, Khánh Phong vượt qua Carlos Yulo để mang về cho Đoàn thể thao Việt Nam tấm HCV nội dung vòng treo đơn nam.

Thể dục dụng cụ Việt Nam có tín hiệu vui từ SEA Games 32 và giải châu Á. Ảnh: Bùi Lượng

Thể dục dụng cụ Việt Nam có tín hiệu vui từ SEA Games 32 và giải châu Á. Ảnh: Bùi Lượng

Trong lịch sử của thể dục dụng cụ Việt Nam, lần gần nhất có huy chương tại giải vô địch châu Á là kỳ tổ chức năm 2019 tại Mông Cổ, với hai HCĐ nội dung xà đơn, xà kép của tuyển thủ Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng. Trong khi HCV vô địch châu Á gần nhất là của Lê Thanh Tùng ở nội dung nhảy chống, vào năm 2017.

Theo HLV thể dục dụng cụ Việt Nam Trương Minh Sang, thành tích tại SEA Games 32 cũng như giải đấu vừa qua là tín hiệu vui giúp thể dục dụng cụ Việt Nam tự tin hướng tới những đấu trường lớn hơn như ASIAD 19, Olympic Paris 2024. Đặc biệt là trong điều kiện đang có sự chuyển giao về lực lượng, VĐV chủ lực gặp chấn thương, các gương mặt trẻ ít được thi đấu cọ xát rèn bản lĩnh.

“Giải vô địch châu Á 2023 vừa qua, thể dục dụng cụ Việt Nam có sự đan xen giữa các VĐV trẻ cùng VĐV giàu kinh nghiệm hướng tới những lứa kế cận phục vụ cho kế hoạch lâu dài gồm Lê Thanh Tùng, Văn Vĩ Lương, Nguyễn Văn Khánh Phong, Trần Đình Vương, Nguyễn Phước Hải, Trần Đoàn Quỳnh Nam, Phạm Như Phương, Lê Thị Thanh Phượng, Lê Thu Thủy. Các VĐV có kinh nghiệm như Lê Thành Tùng là động lực tinh thần cho các vận động viên trẻ noi theo” – HLV Trương Minh Sang cho biết.

Mục tiêu khó khăn tại ASIAD 19

Thể dục dụng cụ là môn thể thao cơ bản của Olympic. Việt Nam đã có những thành tích đáng kể và góp mặt các giải đấu lớn của thế giới dù những năm qua vấn đề hạn hẹp về kinh phí khiến môn thể thao này chững lại.

Trong ba kỳ Olympic liên tiếp 2012, 2016, 2020, thể dục dụng cụ Việt Nam đều có tuyển thủ vượt qua vòng loại và có mặt tại Thế vận hội. Trước mục tiếp theo, thể dục dụng cụ Việt Nam phấn đấu giành huy chương tại ASIAD 19/2023 (diễn ra tại Hàng Châu - Trung Quốc) và đặc biệt là giành vé dự Olympic Paris 2024.

Thể dục dụng cụ Việt Nam tiếp tục tập luyện chuẩn bị cho ASIAD 19 tổ chức vào tháng 9 và xa hơn là giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Ảnh: Bùi Lượng

Thể dục dụng cụ Việt Nam tiếp tục tập luyện chuẩn bị cho ASIAD 19 tổ chức vào tháng 9 và xa hơn là giành vé tham dự Olympic Paris 2024. Ảnh: Bùi Lượng

Hiện tại, đội tuyển thể dục dụng cụ Việt Nam đang đầu tư trọng điểm cho 3 VĐV: Khánh Phong, Xuân Thiện và Hải Khang trong chiến dịch giành vé dự Olympic Paris 2024. Trong đó, Việt Nam đang có hai suất chính thức dự Giải thể dục dụng cụ vô địch thế giới 2023 là Khánh Phong và Văn Vĩ Lương diễn ra tại Bỉ vào tháng 8 tới có xét thành tích để Ủy ban Olympic quốc tế cùng Liên đoàn Thể dục thế giới trao suất trực tiếp dự Olympic Paris 2024.

Thực tế, chuẩn tham dự Olympic với thể dục dụng cụ yêu cầu ngày càng cao khiến các VĐV của Việt Nam khá chật vật để đạt chuẩn. Nếu như ở một số môn, ASIAD được xác định là một trong các giải vòng loại Olympic thì thể dục dụng cụ đã không được xếp theo quy định mới. Việc thay đổi này buộc Ban huấn luyện thể dục dụng cụ Việt Nam cùng các VĐV phải nỗ lực để có thể đoạt được vé dự Olympic Paris 2024.

Phụ trách Bộ môn Thể dục của Tổng cục TDTT Bùi Trung Thiện cho biết, dù đạt thành tích khá tốt tại SEA Games 32 cũng như các giải đấu châu lục, nhưng với đấu trường ASIAD, tính chất cạnh tranh chuyên môn hoàn toàn khác và việc giành huy chương là vô cùng khó khăn. Các VĐV Việt Nam sẽ phải tranh tài với các VĐV đẳng cấp hàng đầu thế giới, có trình độ Olympic.

“Trong khu vực Đông Nam Á, Philippines vẫn đang là đội mạnh nhất. Trong đó phải kể đến gương mặt số một của thể dục dụng cụ Philippines là Carlos Yulo. Ở khu vực châu lục, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, CHDCND Triều Tiên, Kazakhstan - những ứng viên cho các ngôi vô địch trong thi đấu thể dục dụng cụ ở ASIAD 19.

Khó khăn chồng chất nhưng tất cả đều phải đảm bảo tốt nhất tâm lý trước khi thi đấu nên Ban huấn luyện sẽ lựa chọn con người phù hợp nhất chuẩn bị cho kế hoạch ASIAD 19. Toàn đội đều thể hiện quyết tâm để hoàn thành mục tiêu đề ra” - ông Bùi Trung Thiện nhấn mạnh.

Tổng cục TDTT sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các VĐV thể dục dụng cụ Việt Nam trong quá trình tập luyện cũng như thi đấu. Cùng với đó sẽ tiếp tục tìm thêm các nguồn kinh phí, tạo điều kiện cho các VĐV trẻ, có tiềm năng đi tập huấn, thi đấu cọ xát ở nước ngoài, nâng cao trình độ nhằm đạt thành tích tốt nhất tại đấu trường ASIAD 19, đồng thời tích điểm giành vé tham dự Olympic Paris 2024.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt

Hoàng Quân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/the-duc-dung-cu-viet-nam-huong-toi-asiad-19-va-olympic-paris-2024.html