Thể Công và trận bóng đá để đời - Bài 2: Cuộc lội ngược dòng ngoan cường

Bàn thắng của Ba Đẻn rút ngắn tỷ số xuống 1-2 giúp Đội bóng Thể Công có thế trận thăng hoa trong hiệp 2 trước đội tuyển Cuba. Điều không nhiều người nghĩ tới trước trận đấu là chiến thắng thì đã được những người lính Thể Công làm được bằng tinh thần thi đấu ngoan cường.

Việt Nam và Cuba hữu nghị cùng chiến thắng!

Vâng! Chúng tôi thu ngắn cách biệt 1-2 trong niềm vui đã biến thành sức mạnh. Sự mệt mỏi, căng cơ, hụt hơi trước đó khi tranh chấp với các bạn Cuba với thân hình “khổng lồ” đã tan biến. Trận đấu nhanh chóng được tiếp tục với sự phấn khích của Thể Công và sự bất ổn đã bắt đầu xuất hiện tại phần sân nhà của hàng phòng thủ đội bạn.

Chỉ ít phút sau khi đội tuyển Cuba giao bóng, chúng tôi đã cướp được bóng ở giữa sân và lập tức giao ngay cho Nguyễn Viết Cầu lúc này đã sẵn sàng. Và khi nhận được bóng, Cầu như một con mãnh thú: Anh lập tức cùng trái bóng gắn chặt vào đôi chân xông thẳng vào khu cấm địa đội bạn và lúc này sở trường “đảo người” thôi miên đối thủ được Cầu thực hiện hoàn hảo khiến trung vệ “dập” của Cuba Dasilva (cao 1m90) lao tới dùng cả 2 chân xoạc mạnh khiến Cầu mất chân trụ ngã chổng kềnh! Một tiếng còi rít lên, trọng tài Huy Khôi đứng sát phía sau chỉ tay vào chấm phạt 11m! Sân Hàng Đẫy im lặng như tờ trong giây lát... rồi bỗng ào lên như sấm dậy! Khán giả hô vang “Cầu điên” ! Cầu điên”! Penalty! penalty!....

Thể Công đã có một trận đấu đáng nhớ trước đội tuyển Cuba vào ngày 2-9-1970. Ảnh: Tư liệu

Quyết định của trọng tài Huy Khôi hoàn toàn chính xác, không có bất kỳ sự phản ứng nào của các cầu thủ Cuba. Và Phan Văn Mỵ - chuyên gia đá phạt đền - như mọi trận đấu khác đã bình tĩnh đưa bóng chính xác vào góc bên trái thủ môn Raynoso san bằng cách biệt 2-2 cho Thể Công! Có cảm tưởng sân Hàng Đẫy lúc này như có động đất, người ta đứng hết cả dậy và một rừng mũ, áo và các thứ có thể tung được bay lên trời tạo nên một cơn mưa vật thể… quen thuộc. Dường như ai cầm cái gì trong tay là tung lên hết. Không thể tưởng tượng được sự sung sướng của chúng tôi lúc ấy, trong trạng thái ngất ngây vì lội ngược dòng thành công. Trong sân, chúng tôi lao đến ôm, ghì sát và đè lên người Nguyễn Viết Cầu và Phan Văn Mỵ xuống sân cỏ đẫm nước mưa. Cả 2 anh chàng kêu oai oái vì bị đè đau trong sự sung sướng. Tôi nghe ai đó trong hàng ghế dự bị ngoài sân hét to lên “Cố lên anh em ơi! Hữu nghị là Quyết thắng! Còn 10 phút nữa cố lên!”

Tràn đầy phấn khích bởi vừa được liều doping tinh thần tuyệt vời bởi san bằng cách biệt 2-2, chúng tôi như đã quên đi hơn 75 phút căng thẳng mệt nhọc trước đó. Tất cả ào ào khí thế với sự hưng phấn cao độ như đang thi đấu ở những phút đầu tiên, không ai biết đến mệt mỏi là gì. Trước đó, tôi như sắp bị “chuột rút” vì căng cơ quá mức, nay sự mệt mỏi đã biến đâu mất, chẳng còn!

Những phút cuối cùng, toàn đội lập thế trận chủ động, tràn sang phần sân đội bạn Cuba. Các tiền vệ và tiền đạo di chuyển, đảo vị trí liên tục và chuyền bóng một chạm thật nhanh khiến các cầu thủ cao lớn của hàng phòng thủ Cuba rối loạn.

Khi chỉ còn 2 phút nữa là kết thúc trận đấu, một đường bóng dài tới gần 40m bất ngờ được chuyền từ biên phải chéo sang cánh trái. Như một cơn lốc, một bóng áo đỏ mang áo số 11 nhỏ bé bất ngờ lao nhanh xuống khống chế trái bóng, lập tức một bóng hậu vệ da đen Cuba lao vào, Ba Đẻn chích mũi giày để trái bóng nhẹ qua và lập tức lật bóng thật nhanh vào trung lộ lúc này đã thấp thoáng nhiều bóng áo đỏ Thể Công tràn xuống… Và một chiếc áo đỏ như một tia chớp nhanh hơn tất cả, bay qua tất cả như một mũi tên đâm thẳng vào trái bóng và cùng lao vào góc lưới của thủ môn Cuba.

Vào, Vào rồi !… Cầu “điên”, Cầu “điên”! Hoàn hô Cầu “điên”! Vâng đó là Nguyễn Viết Cầu, anh chàng luôn thi đấu tự do không tính toán và cũng chẳng bao giờ tuân theo bài bản chiến thuật của huấn luyện viên đã bất ngờ xuất hiện trong khu vực 5m50 dùng cả thân mình cùng trái bóng lao thẳng vào làm tung lưới thủ môn Raynoso ghi bàn thắng ấn định tỷ số 3-2 cho Thể Công.

Một bàn thắng quý hơn vàng cho một trận đấu quả cảm của Thể Công!

Một trận đấu để đời mừng ngày Quốc Khánh lần thứ 25 của Việt Nam!

Một thắng lợi như mơ với bóng đá Thể Công !

Sau trận đấu, ông Thiếu tướng, Đoàn trưởng đội tuyển quốc gia Cuba tới tận phòng thay đồ của Thể Công chúc mừng. Ông nói “Chúc mừng các bạn, trận đấu đã cho thấy sự kiên cường của những người lính, bộ đội Bác Hồ! Việt Nam và Cuba hữu nghị cùng chiến thắng!”.

Hoan hô Đại tướng, hoan hô Thể Công!

Trận đấu đã kết thúc từ lâu nhưng các cầu thủ không có phương tiện để về doanh trại. Chiếc ôtô Giải Phóng màu vàng - đỏ 40 chỗ chở chúng tôi đậu ở cửa số 10 sân Hàng Đẫy không thể di chuyển được do khán giả vây kín. Hà Nội đang thời chiến, những năm 1970 rất ít ô tô, xe máy người ta di chuyển chủ yếu bằng xe đạp.

Chiếc ô tô chở đội bóng đá Thể Công không thể nhúc nhích được vì hàng rào trùng điệp của người và xe đạp. Khán giả, những người hâm mộ bóng đá từ Hà Nội và nhiều tỉnh thành khắp đất nước hôm nay có mặt xem trận đấu này... lao đến kéo áo, bắt tay, trò chuyện cùng chúng tôi, khiến cả đội không thể lên ô tô được.

Nhiều người đến đề nghị các huấn luyện viên để họ lấy xe đạp “đèo” anh em cầu thủ về sân Cột Cờ vì từ cửa 10 sân Hàng Đẫy về đại bản doanh 19 Hoàng Diệu (Sân Cột Cờ) chỉ chừng hơn 2km. Nhưng lúc này chúng tôi chỉ muốn đi bộ, phần vì đã bắt đầu thấm mệt, cơ bắp cứng lại, nhiều người đã xuất hiện hiện tượng chuột rút nên muốn vừa đi vừa thả lỏng. Được sự đồng ý của ban huấn luyện, chúng tôi tháo giày ra định cầm trên tay thì các bạn trẻ lao đến cầm giúp. Họ và chúng tôi, tốp 4, 5 người, tốp cả chục người kéo nhau, vừa đi vừa nói chuyện men theo vỉa hè đường Nguyễn Thái Học, qua Bệnh viện Xanh Pôn, qua phố Cao Bá Quát, băng qua Đại Sứ quán Trung Quốc và vườn hoa Lê Nin để sang Hoàng Diệu… Nhưng bất ngờ một sự việc xảy ra khiến chúng tôi sững người vì vui sướng, quên hết cả mệt nhọc: Vừa đi đến ngã tư Nguyễn Thái Học – Hàng Bột (Phố Tôn Đức Thắng ngày nay) thì không thể nào đi được nữa, người ta đổ xô rất nhanh vây kín chiếc ô tô Volga đen bóng loáng.

Tôi nghe tiếng hô lớn: “Hoan Hô Đại tướng !” “ Hoan hô Đại tướng!”… Đám đông vừa hô, vừa kéo đến, ai cũng cười vui, hồ hởi vây lấy chiếc ô tô trong sự trật tự một cách kính nể. Khi cửa kính ô tô kéo xuống, tôi thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp vươn người ra ngoài, đưa tay bắt tay những người đứng gần, ông cười rất tươi rồi giơ tay vẫy vẫy chúng tôi! Một người đứng rất gần Đại tướng hô lên rất to “Hoan hô Đại tướng, hoan hô Thể Công của Đại tướng! Hoan hô, hoan hô!...”. Tiếng hô rền vang và phấn khích.

Đại tướng cười hiền từ nhìn về phía chúng tôi đang tiến đến chiếc xe của ông. Mọi người tự động dãn ra rất trật tự để các cầu thủ lần lượt từng người một đến bắt tay Đại tướng ngay tại ngã tư đường phố! Không hiểu ai đó bỗng cầm trịch để mọi người đồng thanh: “Chào mừng Quốc Khánh 2-9, chào mừng Đại tướng, hoan hô Thể Công! Thể Công !!!”. Những ánh mắt cảm phục và niềm vui bất tận dâng trào, họ gọi tên từng cầu thủ trong tiếng hô cùng tiếng cười giòn tan. Tưởng như Hà Nội - Thủ đô đang như không có chiến tranh…

Về đến khu nhà ở trong doanh trại sân vận động Cột Cờ, chúng tôi nằm lăn ra thở và thả lỏng hoàn toàn cơ bắp với sự sung sướng không thể diễn tả! Con đường gần 2km chúng tôi đi mất hơn 60 phút. Trong nhà tắm, ai đó vừa kêu: “Ôi tao chuột rút toàn thân rồi, ái, đau quá, đau quá…” và những tiếng cười giòn tan trêu đùa nhau!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng chiến thắng của Đội bóng Thể Công trước đội tuyển Cuba. Ảnh: Tư liệu

Vừa tắm xong, bỗng Đoàn phó Chính trị viên Ngô Xuân Quýnh đứng giữa sân gọi to: “Tất cả anh em khẩn trương, quân phục chỉnh tề, tập trung tại phòng họp tầng 1, tòa nhà câu lạc bộ, Đại tướng đến thăm và chúc mừng!”.

Khi toàn đội đến phòng họp, chúng tôi đã thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngồi đợi từ bao giờ. Ông cười rất tươi và lần lượt bắt tay từng chiến sĩ cầu thủ. Đại tướng nói rằng, ông rất vui, mặc dù hôm nay tắc đường, giờ mới về nhà nhưng vui quá, không ăn gì lập tức sang đây chúc mừng và khen ngợi tập thể đội bóng đá Thể Công. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Hôm nay các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hữu nghị và thắng lợi, các đồng chí đã làm rạng danh anh bộ đội Cụ Hồ, góp phần làm ngày Quốc Khánh thêm vui, thêm ý nghĩa…”.

Hơn 50 năm đã trôi qua, những cán bộ, huấn luyện viên, cầu thủ Thể Công tham gia trận thi đấu bóng đá hữu nghị với đội tuyển Cuba anh em ngày 2-9-1970, người còn sống người đã ra đi mãi mãi, nhưng tất cả sẽ không bao giờ quên trận đấu “để đời” của Thể Công. Những người còn lại đều tiếp tục sự nghiệp với trái bóng. Lớp đàn anh (sinh năm 1944, 1945) như Đỗ Hải Bình, Nguyễn Sỹ Hiển, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Bính, Thái Nguyên Bền và lớp sau như Trần Văn Khánh, Nguyễn Văn Nhật, Vũ Mạnh Hải, Bùi Ngọc Chi, Nguyễn Thế Anh (sinh năm 1949, 1950) nay đã bước sang tuổi U80 nhưng những ngày lễ, ngày kỷ niệm thành lập Đoàn Thể Công (23-9), ngày nhập ngũ... thường tổ chức những dịp gặp gỡ thăm hỏi, ôn lại kỷ niệm, nhớ lại những năm tháng từng là cầu thủ bóng đá Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng!

Cảm ơn đời đã cho chúng tôi những ngày tháng tuyệt vời như thế!

(tiếp theo và hết)

VŨ MẠNH HẢI, cựu cầu thủ Thể Công

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/the-cong-va-tran-bong-da-de-doi-bai-2-cuoc-loi-nguoc-dong-ngoan-cuong-741177