Thể Công và trận bóng đá để đời - Bài 1: Hữu nghị là quyết thắng!

Cứ mỗi dịp Quốc khánh, tôi lại nhớ tới trận bóng đá lịch sử với đội tuyển Cuba vào ngày 2-9-1970. Với tôi đó là trận đấu để đời. Đó cũng là trận đấu mà một cầu thủ trẻ như tôi được vinh dự khoác chiếc áo đỏ Thể Công thi đấu trận bóng đá quốc tế chính thức đầu tiên trong cuộc đời cầu thủ.

Háo hức trước trận cầu lớn

Cuối tháng 8-1970, Đội bóng đá Thể Công nhận được lệnh của Bộ Tổng Tham mưu khẩn trương hành quân về Doanh trại cũ 19 Hoàng Diệu (Sân vận động Cột Cờ) Hà Nội tập luyện chuẩn bị thi đấu với đội tuyển bóng đá quốc gia Cuba nhân kỷ niệm 25 năm Quốc khánh. Đã xa Hà Nội một thời gian khá dài, nay nhận được lệnh trở về nơi “đất thánh”, nơi Thể Công đặt đại bản doanh từ những ngày đầu thành lập, tất cả cán bộ, huấn luyện viên, các cầu thủ... đều vui mừng, háo hức và phấn khởi. Chúng tôi lập tức lên đường thẳng tiến Hà Nội với “tốc độ tên lửa”. Bố mẹ, anh chị, bè bạn, người yêu… những người đang sống tại Hà Nội biết tin lập tức đến chia vui với các cầu thủ đông như ngày hội. Những cầu thủ ở tỉnh xa không gặp được gia đình nhưng cũng chẳng mấy buồn vì đã được trở lại sân Cột Cờ, nơi chứa đựng biết bao kỷ niệm.

Trận đấu giữa Thể Công và đội tuyển Cuba diễn ra ngày 2-9-1970, trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: Tư liệu

Trận đấu giữa Thể Công và đội tuyển Cuba diễn ra ngày 2-9-1970, trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: Tư liệu

Hôm sau, toàn đội Thể Công ra sân bay Gia Lâm đón đội tuyển Cuba. Với tình cảm đặc biệt giữa nhân dân hai nước được Bác Hồ và Chủ tịch Fidel Castro vun đắp, chúng tôi đón đội bạn như đón những người thân. Tại sân bay, chúng tôi tay bắt mặt mừng những chàng trai to cao, da nâu có, đen có, trắng có... khỏe mạnh như những lực sĩ, chân tình như bạn tâm giao. Mặc dù mệt mỏi sau khi bay xa nửa vòng trái đất nhưng họ vẫn vui tươi, hồ hởi, phấn khởi khi luôn giơ ngón tay cái và hô vang "Việt Nam, Việt Nam!".

Tin tức về đội tuyển Cuba đến thi đấu tại Hà Nội nhân dịp Quốc Khánh 2-9 đã được loan truyền nhanh chóng khắp miền Bắc. Những hình ảnh đưa tin các cầu thủ Thể Công đón các cầu thủ Cuba tại sân bay Gia Lâm tràn trên mặt báo khiến sự kiện thể thao này nóng lên từng giờ. Giá vé chợ đen đã đến mức kỷ lục, sân Hàng Đẫy Hà Nội như lên cơn sốt…. Toàn đội Thể Công đều háo hức trước trận đấu lớn. Ai cũng tập luyện hăng say, ai cũng muốn được huấn luyện viên trưởng Mười Tiền cho thi đấu trong đội hình chính thức.

Trước ngày thi đấu, chúng tôi được đón đồng chí Vương Thừa Vũ và Cao Văn Khánh đến thăm. Đây là 2 vị tướng quan tâm chăm lo, gần gũi Thể Công nhất. Các ông như người cha, luôn lắng nghe ý kiến cầu thủ, huấn luyện viên, sẵn sàng chia sẻ những khó khăn và tận tình giúp chúng tôi những vấn đề sinh hoạt, điều kiện bảo đảm tập luyện trong quyền hạn của mình. Đồng chí Vương Thừa Vũ chậm rãi phát biểu ý kiến: “Tôi và anh Khánh đến thăm các đồng chí. Chúc các đồng chí khỏe, đá thật đúng đấu pháp mà huấn luyện viên đã tập kỹ với từng vị trí. Đại tướng Võ Nguyên Giáp muốn chúng tôi truyền đạt lại ý kiến như sau: “Các cầu thủ Cuba đại diện cho nhân dân Cuba sang thăm Việt Nam lúc chiến tranh như thế này là rất quý. Họ là những người bạn thân của Việt Nam, do đó chúng phải đá làm sao cho thật hữu nghị. Hữu nghị là gì? Là phải thi đấu với hết khả năng của mình, quyết tâm giành chiến thắng. Nhiệt tình nhưng không cay cú, không ác ý. Bạn ngã, ta nâng, không đá ẩu, đá bậy… Các đồng chí phải cùng các bạn Cuba đá thật đẹp, thật hay để chào mừng Quốc Khánh 2-9!”. Đồng chí Vương Thừa Vũ căn dặn thêm: “Nhớ đấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: Hữu nghị là Quyết thắng! Chúng tôi đến thăm các đồng chí hôm nay thôi, ngày mai thi đấu rồi sẽ không đến nữa đâu, không làm các đồng chí phải căng thẳng”.

Sáng hôm sau, trong buổi tập đấu pháp, Ban lãnh đạo gồm các ông Ngô Xuân Quýnh, Phạm Tất Thắng và huấn luyện viên Nguyễn Văn Tiền một lần nữa quán triệt tinh thần chỉ đạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Hữu nghị là Quyết thắng!”.

Đấu trí trước những cầu thủ to cao

Huấn luyện viên Mười Tiền công bố đội hình ra sân của Thể Công theo chiến thuật 4-3-3, gồm: Thủ môn Nguyễn Ngọc Sơn, các hậu vệ: Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Trọng Giáp, Nguyễn Quý Thiêm, Đỗ Hải Bình. Các tiền vệ: Vũ Mạnh Hải, Phan Văn Mỵ, Bùi Ngọc Chi; cùng 3 tiền đạo: Thái Nguyên Bền, Nguyễn Bính và Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn).

 Các cầu thủ Thể Công gặp quá nhiều khó khăn trước đội tuyển Cuba. Ảnh: Tư liệu

Các cầu thủ Thể Công gặp quá nhiều khó khăn trước đội tuyển Cuba. Ảnh: Tư liệu

Đội tuyển Cuba đưa đội hình mạnh nhất ra sân, trong đó đáng chú ý có thủ môn Raynoso cao gần 2m, anh đứng gần kín khung thành. Do chưa biết gì về các cầu thủ đội tuyển Cuba nên những phút đầu trận đấu, Thể Công khá thận trọng, chưa dám đẩy nhanh tốc độ tấn công.

Trong khi đó, do thấy ngoại hình các cầu thủ Thể Công thấp nhỏ, nên từ những phút đầu hiệp 1, đội tuyển Cuba đã tràn lên pressing toàn sân, gây khó khăn cho các cầu thủ Việt Nam bằng những đường bóng dài, bổng buộc chúng tôi phải vất vả chống đỡ. Từ phút thứ 30 bất thần trời đổ mưa xối xả sân trơn, có chỗ ngập nước bởi hệ thống thoát nước không hoạt động tốt. Đây là lợi thế cho đội bóng có thể hình cao lớn có sức bật và tranh chấp trên không tốt như đội tuyển Cuba. Tận dụng sức mạnh càn lướt và sự bất lợi về tầm vóc của các hậu vệ Thể Công, trung phong Maso đã ghi 2 bàn cực đẹp: Một bàn do anh vô lê từ pha lật bóng bên cánh phải, bàn còn lại là cú đè người khiến cả 2 trung vệ của ta trượt ngã và Maso một mình một bóng đã không cho thủ môn Nguyễn Ngọc Sơn cơ hội cản phá trong cự ly gần.

Hiệp 1 kết thúc trong ưu thế vượt trội của các cầu thủ Cuba. Khán giả đội mưa xem nhưng không ai ra về, họ đã lâu không được xem bóng đá quốc tế, vả lại họ vẫn hy vọng… Tiếng hò reo khen ngợi các bạn Cuba vang lên như trong không khí lễ hội. Gần hết thời gian giải lao, trời tạnh ráo, sân bóng còn trơn nhưng không còn đọng nước nữa.

Vào hiệp 2, huấn luyện viện Mười Tiền chỉ đạo chúng tôi: Đẩy cao đội hình, hàng tiền vệ dâng cao pressing toàn sân, áp sát, không cho đội bạn tự do nhận bóng. Riêng tôi (số 6) cần đặc biệt quan tâm phong tỏa “nhạc trưởng” Hernandez, chia cắt trung tuyến đội bạn. Về tấn công, tiền vệ Phan Văn Mỵ di chuyển nhiều sang cánh trái, hỗ trợ Ba Đẻn tập kích đánh thủng biên trái, nhanh chóng lật bóng vào trong để các tiền đạo bên phải bất ngờ xâm nhập dứt điểm. Ban huấn luyện quyết định thủ môn trẻ Trần Văn Khánh thay Nguyễn Ngọc Sơn, thay Nguyễn Quý Thiêm - một trung vệ dập - bằng Nguyễn Sỹ Hiển, người có lối chơi kỹ thuật, có khả năng phát động tấn công tốt hơn. Mặt khác để tạo sự đột biến, huấn luyện viên Mười Tiền quyết định đưa Nguyễn Viết Cầu, một cầu thủ có sở trường dẫn bóng qua người vào sân thay hộ công Bùi Ngọc Chi. Ông yêu cầu Nguyễn Viết Cầu lùi sâu về sân nhà nhận bóng và đột phá thẳng vào 2 trung vệ đội bạn gây sức ép làm đội bạn lúng túng có thể sẽ phạm lỗi ở trung lộ...

Những tính toán của huấn luyện viên Mười Tiền và ban huấn luyện hoàn toàn chính xác. Sau một hiệp đấu thành công, các cầu thủ Cuba có chút chủ quan nên có phần lơi lỏng do đó lúng túng trước sự cơ động cùng lối chơi áp sát của Thể Công. Mất trung tuyến và bị "đánh thủng" cánh trái, nhiều cơ hội cho Thể Công đã xuất hiện trước khung thành Raynoso khiến thủ môn này phải làm việc vất vả. Và chuyện gì phải đến đã đến: Phút thứ 70, Thái Nguyên Bền từ cánh phải di chuyển dạt sang biên trái dùng tốc độ xuống sát biên ngang tạt bóng đi căng ngang, bóng bay là là ngang thắt lưng các hậu vệ của Cuba khiến các cầu thủ cao to của Cuba lúng túng và trong giây lát ấy, một bóng áo đỏ Thể Công như mũi tên bay người dùng đầu lao vào đưa trái bóng cắm vào góc lưới.

Tiếng ào lên như sấm dậy “Vào! Vào rồi! Ba Đẻn! Ba Đẻn! Hoan hô Ba Đẻn. Vào…Vào! Vào rồi! Vào rồi!… Tiếng hô vang trời, dậy đất của hơn 3 vạn khán giả tạo nên những âm thanh khủng khiếp, điên rồ nhưng thật hoành tráng! Khán giả từ khán đài chật chội nhân cơ hội tràn xuống ngồi sát đường pitste tiếp tục gào lên: "Thể Công! Thể Công! Thể Công!".

Và bàn thắng để đời trên của Ba Đẻn đã mở ra một màn ngược dòng để đời của những cầu thủ Thể Công...

(còn nữa)

VŨ MẠNH HẢI, cựu cầu thủ Thể Công

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/the-cong-va-tran-bong-da-de-doi-bai-1-huu-nghi-la-quyet-thang-741117