Thể công - Tượng đài bóng đá Việt Nam

Ngày này năm 1954, đội bóng đá Thể công được thành lập. Đội bóng của những cầu thủ khoác áo lính đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, xây nên Tượng đài Bóng đá quân đội trong lòng người hâm mộ bóng đá Việt Nam.

: Chủ tịch Hồ Chí Minh và cầu thủ Quân đội các nước XHCN

…………

Ngày 23/9/1954, theo chỉ định của Chủ nhiệm TCCT Nguyễn Chí Thanh, Đoàn công tác Thể dục Thể thao Quân đội được thành lập. Theo cụm từ “Thể dục thể thao công tác đội”, tên gọi tắt chỉ các đội thể thao trong quân đội là Thể công xuất hiện.

Ngày thành lập, đoàn công tác TDTT Quân đội còn thuộc quân số của trường Sỹ quan Lục quân, khi đó đang đặt bản doanh bên đất Trung Quốc trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Sau đoàn chuyển về chiến khu Việt Bắc (Đại Từ - Thái Nguyên) rồi tiếp tục về “đóng đô” tại doanh trại cũ của Khóa 1 Võ bị Trần Quốc Tuấn, sau là doanh trại trường Sỹ quan Lục quân 1 ở Sơn Tây. Nòng cốt ban đầu là 23 cán bộ chiến sĩ trường Sỹ quan Lục quân 1, được chia làm 3 đội : Bóng rổ 5 người; Bóng chuyền 6 người; Bóng đá 11 người. Riêng người thứ 23 là ông Lý Đức Kim, vừa là y tá, hậu cần, vừa là “siêu cầu thủ” dự bị cho cả 3 đội khi ông chơi giỏi cả 3 môn bóng rổ, bóng chuyền và đá bóng.

Đội Thể công những ngày đầu thành lập.

Đội bóng đá chơi theo sơ đồ chiến thuật WM, tân tiến nhất thời điểm đấy. Huấn luyện viên kiêm Hộ công phải là ông Nguyễn Thông, cầu thủ lừng danh đất Cảng từ thời Pháp tạm chiếm Hải Phòng; Đội trưởng kiêm Trung phong là ông Nguyễn Văn Bưởi; Hộ công trái là ông Vũ Tâm tức Phạm Vinh; Trung vệ Nguyễn Văn Hiếu; Hậu vệ phải Phạm Ngọc Quế; Hậu vệ trái Nguyễn Thiêm; Tiền vệ phải Ngô Xuân Quýnh; Tiền vệ trái Phạm Mạnh Soạn; Tả biên Trương Vinh Thăng; Hữu biên Nguyễn Bá Khánh; Thủ môn Lê Nhâm.

Sau ít ngày, Thể công được bổ sung hàng loạt cầu thủ từ các đội bóng trong toàn quân và cả những danh thủ miền Nam tập kết ra Bắc như Trương Tấn Bửu, Trương Tấn Nghĩa, Ba Đô, Mười Tiền, Tý “bồ”, Minh “mã”, Bùi Đức (Đức “ba xương”)…

Sau một tháng tập trung, Thể công có trận đấu đầu tiên trên sân SEPTO (Hàng Đẫy) với đội Trần Hưng Đạo (đội tập hợp của giới lao động thủ đô). Thể công đã thắng 1 – 0 với bàn ấn định của trung phong Nguyễn Văn Bưởi ở ngay giây thứ 30 của trận đấu.

Lối đá tập thể gắn kết của những người lính đá bóng đã làm nên thương hiệu Thể công, tượng đài của bóng đá Việt Nam hàng chục năm ròng.

Năm 1955, Giải bóng đá được tổ chức lần đầu tiên trên miền Bắc, Thể công tham gia cả hai hạng A và B. Thể công đã đoạt ngôi vô địch trên cả 2 hạng đấu.

Từ ngày thành lập năm 1954 đến ngày giải thể đội năm 2009 vì những khó khăn thời bao cấp, đội Thể công đã đoạt 13 chức vô địch và vô số những lần đoạt thứ hạng cao.

Khi đang đỉnh cao phong độ, Thể công đã từng thắng đội tuyển Cu Ba và cả đội Bát Nhất (đội tuyển Quân đội Trung Quốc).

Tham gia các giải bóng đá quân đội các nước anh em, lối đá của Thể công đã khiến bạn bè quốc tế nể phục. Họ không ngờ trong lửa đạn chiến tranh, Việt Nam vẫn có một nền bóng đá chững chạc, giàu tính cống hiến đến vậy.

Đặc biệt, từ 26 cầu thủ trẻ Thể công do trưởng đoàn Ngô Xuân Quýnh dẫn sang Triều Tiên tập huấn, họ đã mang về luồng sinh khí mới cho bóng đá Việt Nam. Lối đá kỷ luật, dựa trên sức trẻ sung mãn mang hơi hướng của lối đá tổng lực đã thay đổi tận gốc lối đá tập thể phối hợp nhóm của các đàn anh.

Rồi sẽ có sử gia “mổ xẻ” về những đóng góp của lứa cầu thủ trẻ Thể công mang về từ chuyến tập huấn trên đất Triều Tiên cho bóng đá Việt Nam, nhưng bài học chiếm khu trung tuyến của bộ tứ tiền vệ trẻ ngày xưa (Hải, Mị, Dũng, Nhật) và lối đá tích cực hỗ trợ tấn công của các hậu vệ Bội, Phú… nay vẫn được các đội bóng đương thời áp dụng.

Những cầu thủ Thể công đã bước vào Ngôi đền huyền thoại của bóng đá Việt Nam :

Tấn Bửu, Tấn Nghĩa, Nguyễn Thông, Bùi Đức, Thành Đô, Thanh Tiền (Mười Tiền), Văn Nhi, Sỹ Chi, Thành Út, Tất Thắng, Diệp Phú Nàm, Trần Tương Lai, Ngô Xuân Quýnh… Tiếp nối là thế hệ các ông Sỹ Hiển, Quý Thiêm, Thái Nguyên Bền, Trịnh Minh Huế, Vũ Mạnh Hải, Vương Tiến Dũng, Nguyễn Viết Cầu, Nguyễn Trọng Giáp, Phạm Văn Mỵ, Nguyễn Văn Nhật, Nguyễn Thế Anh (Ba Đẻn), Nguyễn Cao Cường, Trần Văn Khánh, Bùi Xuân Thêu, Đỗ Văn Phúc, Trần Văn Thành, Quản Trọng Hùng, Nguyễn Hồng Sơn, Đặng Phương Nam, Vũ Công Tuyền, Triệu Quang Hà, Trương Việt Hoàng, Phạm Như Thuần…

Theo Chuyện làng quê

Hồ Công Thiết

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/the-cong-tuong-dai-bong-da-viet-nam-a6764.html