Thể Công - thương hiệu đặc biệt

Năm 1956, tôi 10 tuổi, lần đầu được đi xem bóng đá. Đấy là trận đấu ở sân Cột Cờ (Hà Nội). Đội bóng thi đấu hôm ấy là Thể Công. Chính cái lần đầu tiên ấy đã gieo vào tôi suốt cuộc đời một tình yêu thủy chung son sắt với đội bóng Quân đội-Thể Công.

Khi ở TP Hồ Chí Minh thành lập Câu lạc bộ những người hâm mộ Thể Công, mọi người ngay lập tức thống nhất với câu châm ngôn “Thể Công-một lần và mãi mãi”. Tôi đã rất cảm động khi được trao tấm thẻ cổ động viên mang số 1 và lại bồi hồi nhớ về lần đầu tiên được bước vào sân Cột Cờ xem Thể Công thi đấu. Say mê, trung thành với đội bóng Quân đội suốt gần 40 năm trời, lúc đó đã được xem là rất dài.

Đến nay tôi đã 78 tuổi, xem và yêu Thể Công đã 68 năm rồi. Suốt 68 năm qua, lúc nào chúng tôi cũng hướng về Thể Công. Những năm bom đạn sơ tán về núi rừng, những lúc xa nhà, bạn bè gặp nhau là hỏi thăm tin tức về Thể Công. Mỗi trận đấu của Thể Công được kể cho nhau nghe hàng chục lần. Nghĩ về Thể Công là tôi nghĩ đến một cái gì đó như công ơn sinh thành và dưỡng dục, nghĩ đến sự sắt son của tình đồng đội và sự thắm thiết của tình yêu đôi lứa. Thể Công là ý chí quyết tâm, là ước mơ và khát vọng, là cả sự vỗ về và an ủi nữa. Lạ lắm, không giải thích hết được. Và cứ thế, cứ thế... Thể Công.

Lứa cầu thủ đầu tiên đội bóng đá Thể Công. Ảnh tư liệu

Trong những năm Mỹ ném bom miền Bắc, chúng tôi đi sơ tán khỏi Hà Nội. Không còn được đá bóng và xem bóng đá ở sân Cột Cờ, sân Hàng Đẫy... nhưng câu chuyện về bóng đá của đội Thể Công vẫn luôn thường trực trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của chúng tôi. Tôi thấy, thế hệ nào của Thể Công cũng vẻ vang, cũng có anh tài. Mỗi thế hệ được nhớ đến bằng những chiến công, bằng tên tuổi của một đội hình và bằng năm nhập ngũ. Trong những thế hệ ấy, có một thế hệ được nhắc đến nhiều: Lứa cầu thủ nhập ngũ năm 1965, sau này được gọi tắt là Thể Công 1965.

Bóng đá lúc bấy giờ là vậy. Chỉ là những câu chuyện háo hức rỉ tai nhau giữa tiếng bom đạn; chỉ là những niềm vui thì thầm xen lẫn những hy vọng ấp ủ. Giữa những câu chuyện chiến trường, vào Nam ra Bắc, giữa những thương nhớ bố mẹ xa xôi, bạn bè chia cắt... bao giờ cũng có chuyện về bóng đá, bao giờ cũng có một khát khao được nhìn thấy Thể Công thi đấu trên sân cỏ. Gặp lại bóng đá, gặp lại Thể Công nghĩa là trở về. Cuộc gặp ấy, ngày về ấy sẽ là niềm vui khôn tả. Thể Công lứa 1965 có cái duyên, cái sứ mạng tượng trưng của niềm hy vọng.

Viết về một thế hệ cũng là lúc để nghĩ về nhiều thế hệ, trong đó có thế hệ Thể Công-Viettel hiện nay. Thế hệ Thể Công nào cũng rất vinh dự được mang trong huyết quản dòng máu Thể Công; cũng rất tự hào được góp phần tài năng cùng công sức của mình để tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của đội bóng mang áo lính.

Nhìn lại mấy thập niên trôi qua càng thấy Thể Công đã trở thành một thương hiệu đặc biệt của bóng đá Việt Nam. Thương hiệu ấy được hình thành một cách tự nhiên, hội tụ nhiều yếu tố lịch sử và bền vững với thời gian. Bây giờ làm bóng đá, chúng ta mong tạo nên những thương hiệu như thế. Nhưng con đường làm bóng đá, thể thao chuyên nghiệp còn rất dài, gập ghềnh khó khăn dù đã bỏ ra bao tiền của, rút ra bao trí lực. Có nhiều cách lý giải khác nhau nhưng có một điều nhiều người cùng nhìn thấy: Hoàn cảnh bây giờ đã khác lắm rồi! Cho nên, có thể nói, Thể Công chính là sản phẩm của một hoàn cảnh lịch sử xác định, trong cái thời rất hào hùng của toàn dân tộc.

Bây giờ có thể xem bóng đá ở nhiều nơi. Bóng đá miên man chiếu trên màn hình, bóng đá sôi động trên khắp các sân cỏ cả nước, trong đó có Thể Công-Viettel đang tranh tài. Nhiều trận cầu hay, nhiều cầu thủ đáng xem. Lứa cầu thủ hôm nay vừa có tài năng vừa được truyền thông ủng hộ, nâng đỡ cũng đã đạt tới những niềm vinh quang có thể nói là vô bờ. Cuộc sống vẫn đi lên như vậy, như xuân về Tết đến tràn đầy sắc hoa, rực màu đào quất... Nhưng sự đầy đủ của ngày hôm nay vẫn không thể khiến chúng ta quên lãng hay chính xác hơn, sự đầy đủ lại càng làm chúng ta thêm nhớ nhung.

TS, nhà báo VŨ CÔNG LẬP

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Thể thao xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-quan-doi-nhan-dan-xuan-giap-thin-2024/bao-quan-doi-nhan-dan-cuoi-tuan-xuan-giap-thin/the-cong-thuong-hieu-dac-biet-764226