Thế bá chủ của nhà sản xuất chip Đài Loan đe dọa nền kinh tế toàn cầu

Chip của TSMC nằm trong hàng tỷ sản phẩm, từ iPhone đến ôtô. Thế thống trị của nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng dễ tổn thương.

Chip của Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. có ở mọi nơi, dù người tiêu dùng không biết điều đó.

Theo Wall Street Journal, công ty sản xuất hầu hết con chip phức tạp nhất thế giới và nhiều loại đơn giản hơn. Chúng nằm ở hàng tỷ sản phẩm từ iPhone, máy tính cá nhân đến ôtô.

Trong những năm qua, TSMC trở thành công ty bán dẫn quan trọng nhất thế giới và có ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Với vốn hóa thị trường khoảng 550 tỷ USD, TSMC là công ty có giá trị thứ 11 trên thế giới.

Tuy nhiên, vị thế thống trị của TSMC đã đẩy thế giới vào tình trạng dễ tổn thương. Khi ngày càng nhiều công nghệ đòi hỏi những con chip phức tạp, nguồn cung ngày càng phụ thuộc vào một công ty duy nhất.

Giới phân tích nhận định sẽ rất khó để các nhà sản xuất khác bắt kịp, bởi ngành công nghiệp đòi hỏi những khoản đầu tư khổng lồ. Trong khi đó, TSMC không thể tạo ra đủ chip để đáp ứng mọi nhu cầu. Thực tế đó trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh thiếu hụt toàn cầu, khiến tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng ngày càng trầm trọng, đẩy giá lên cao, nhất là ở ngành công nghiệp ôtô.

 Vị thế thống trị của TSMC đã đẩy thế giới vào tình trạng dễ tổn thương. Ảnh: TSMC.

Vị thế thống trị của TSMC đã đẩy thế giới vào tình trạng dễ tổn thương. Ảnh: TSMC.

Khó theo kịp

Theo công ty nghiên cứu chất bán dẫn TrendForce (có trụ sở tại Đài Loan), vào quý I/2021, các công ty ở Đài Loan tạo ra khoảng 65% doanh thu toàn cầu trong sản xuất chip thuê ngoài. Riêng TSMC chiếm đến 56%.

Theo công ty nghiên cứu Capital Economics, sự phụ thuộc vào nguồn cung chip từ Đài Loan đã gây ra mối đe dọa cho nền kinh tế toàn cầu. Năm ngoái, TSMC báo cáo lợi nhuận 17,6 tỷ USD trên doanh thu 45,5 tỷ USD. Công nghệ của TSMC tiên tiến đến mức công ty hiện sản xuất khoảng 92% chip tinh vi nhất thế giới. Phần còn lại thuộc về Samsung Electronics Co.

Công ty sản xuất phần lớn trong số 1,4 tỷ bộ vi xử lý điện thoại thông minh trên toàn cầu. TSMC cũng tạo ra 60% bộ vi điều khiển giúp ôtô trở nên tự động hơn. Công ty chất bán dẫn Đài Loan tin rằng họ chiếm thị phần khoảng 35% đối với các bộ vi điều khiển này. Trong vài năm qua, TSMC đã đẩy mạnh chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Vốn hóa của công ty nhanh chóng đứng đầu ở lĩnh vực bán dẫn.

Các chính quyền từ Mỹ, Nhật Bản đến châu Âu đang đẩy mạnh sản xuất chip trong nước. Trung Quốc cũng bơm hàng tỷ USD để cải tổ ngành bán dẫn sau khi Washington áp đặt những biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ chip.

"Tôi nghĩ rằng chúng ta đã quá phụ thuộc vào Đài Loan và Hàn Quốc. Chúng ta cần một chuỗi cung ứng toàn cầu cân bằng hơn", Bloomberg dẫn lời ông Pat Gelsinger, Giám đốc điều hành Intel Corp., nhận định.

TSMC chiếm đến 56% doanh thu sản xuất chip trên toàn cầu trong quý I/2021. Ảnh: TSMC.

Trong tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang làm việc với Đài Bắc và TSMC để giải quyết tình trạng thiếu chip. Tuy nhiên, Washington cũng tìm cách giảm phụ thuộc Đài Loan. Mỹ có thể chi khoảng 50 tỷ USD để phát triển sản xuất chip. Điều tương tự cũng diễn ra ở châu Âu và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, các xu hướng trong ngành, tham vọng và túi tiền của TSMC sẽ cản trở sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn. Chất bán dẫn đã trở nên phức tạp và tốn kém đến mức các nhà sản xuất rất khó bắt kịp một khi đã tụt hậu. Những công ty này có thể chi hàng tỷ USD, dành hàng năm trời cố gắng và vẫn không thể thu hẹp khoảng cách.

Các kế hoạch mở rộng của TSMC kêu gọi chi 100 tỷ USD trong ba năm tới. Đó là gần 25% chi tiêu vốn của toàn ngành, theo công ty nghiên cứu chất bán dẫn VLSI Research. Các quốc gia khác sẽ cần chi ít nhất 30 tỷ USD/năm trong tối thiểu 5 năm để “có cơ hội bắt kịp TSMC và Samsung", theo công ty nghiên cứu IC Insights.

Tham vọng lớn

Năm 1987, ông Morris Chang thành lập TSMC với ý tưởng rằng nhiều công ty chip sẽ thuê sản xuất ngoài tại các nhà máy ở châu Á. Ông Chang, 89 tuổi, từng sống ở Trung Quốc đại lục và Hong Kong trước khi chuyển đến Mỹ vào năm 1949. Tại đây, ông theo học Đại học Harvard và sau đó là Học viện Công nghệ Masachusetts.

Ông dành gần 30 năm làm việc tại Mỹ và phần lớn sự nghiệp cho Texas Instruments. Khi TSMC ra đời, các gã khổng lồ như Intel và Texas Instruments vẫn giữ vị thế hàng đầu về thiết kế, xây dựng thương hiệu và sản xuất chip.

Sức hút của TSMC gia tăng sau khi chính quyền Đài Loan cung cấp khoảng 50% kinh phí ban đầu. Các công ty như Nvidia và Qualcomm nhận thấy rằng bằng cách kết hợp với TSMC, họ có thể tập trung thiết kế thay vì tốn nguồn lực vào điều hành nhà máy, hay lo lắng về việc phải giao tài sản trí tuệ cho đối thủ cạnh tranh.

Mỗi khách hàng mới mà TSMC nhận được đều giúp túi tiền của công ty dày lên, cho phép chi tiêu mạnh tay vào nâng cao khả năng sản xuất. "Sức mạnh của mô hình chỉ trở nên rõ ràng khi chúng đạt đến quy mô rất lớn", giáo sư David Yoffie tại Trường Kinh doanh Harvard nhận định.

Ông Morris Chang, nhà sáng lập TSMC. Ảnh: Bloomberg.

TSMC đã tăng gấp đôi R&D ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vào năm 2009, ông Chang tăng chi tiêu vốn của công ty 42% lên 2,7 tỷ USD, nâng cao khả năng sản xuất ở thời kỳ bùng nổ điện thoại thông minh.

Năm 2013, TSMC bắt đầu sản xuất hàng loạt chip điện thoại di động cho Apple, hiện là khách hàng lớn nhất của công ty. Trước đó, Samsung là nhà cung cấp bộ vi xử lý độc quyền cho iPhone.

Để hoàn thành đơn đặt hàng đầu tiên của Apple, TSMC đã chi 9 tỷ USD, với 6.000 người làm việc suốt ngày đêm, để xây dựng một nhà máy sản xuất ở Đài Loan trong vỏn vẹn 11 tháng. TSMC hiện là nhà cung cấp độc quyền các bộ vi xử lý chính của iPhone.

Sức mạnh của mô hình chỉ trở nên rõ ràng khi chúng đạt đến quy mô rất lớn

Giáo sư David Yoffie tại Trường Kinh doanh Harvard

Khi TSMC cố gắng phát triển các chip tiên tiến vào năm 2014, họ đã tái tổ chức nhóm R&D để đảm bảo rằng đội ngũ này có thể làm việc 24/24. Theo cựu nhân viên và những người vẫn đang làm việc trong công ty, 400 kỹ sư phải chia thành 3 ca để giải quyết công việc.

Theo giới phân tích, trong bối cảnh thiếu hụt chip, TSMC có rất ít động lực để tái phân bổ sản xuất. Chip ôtô kém sinh lời hơn và chỉ chiếm 4% doanh thu của công ty.

Cuối năm ngoái, các nhà sản xuất ôtô Đức phải sa thải nhân viên và cắt giảm sản lượng vì tình trạng thiếu hụt chip nghiêm trọng. Họ đã vận động chính phủ Đức gây áp lực với Đài Loan.

Ông Peter Altmaier - Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức - đã viết một lá thư cho các quan chức Đài Loan để thúc giục họ đảm bảo TSMC mở rộng nguồn cung. Ông cũng cảnh báo rằng tình trạng thiếu chip có thể làm chệch hướng sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

"Hầu hết mọi vi mạch trên tất cả loại xe mới, bao gồm Audi, đều đến từ TSMC. Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng cho thể kéo dài đến năm 2022", ông Dimitris Dotis tại đại lý Audi Tysons Corner (bang Virginia, Mỹ) bình luận.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/the-ba-chu-cua-nha-san-xuat-chip-dai-loan-de-doa-nen-kinh-te-toan-cau-post1228959.html