Thầy Park đã 'chẩn đoán, kê đơn' cho bóng đá Việt Nam thế nào?

Muốn nâng cao thực lực của một đội bóng bắt buộc 'thuyền trưởng' cần phải có quá trình của 3 bước: Chẩn đoán, kê đơn và thực hiện. Thành công của Huấn luyện viên (HLV) Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam trong hơn hai năm qua không phải 'bất chiến tự nhiên thành' mà nó là cả một quá trình nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện... rất khoa học.

Đi tìm điểm yếu của cầu thủ Việt Nam

Bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của HLV Park Hang-seo là có thời gian được làm trợ lý của HLV danh tiếng Guus Hiddink khi còn ở đội tuyển Hàn Quốc. Đó là thay vì đào tạo nên cầu thủ để sử dụng thì hãy tìm ra những cầu thủ có khả năng trong số những cầu thủ có sẵn để phát huy tối đa điểm mạnh của họ.

HLV Park Hang-seo cùng đội ngũ trợ lý. Ảnh: TTXVN

Tận dụng tài nguyên sẵn có, cố gắng phát huy tối đa điểm mạnh của từng cầu thủ đó là triết lý đã được HLV Park Hang-seo thực hiện thành công trong hơn hai năm qua. Trước khi đến Việt Nam, thầy Park đã được thông tin rằng cầu thủ Việt Nam có thể lực yếu. Nhưng trong suy nghĩ của HLV Park Hang-seo lại hoàn toàn khác. Khi đảo một vòng qua V-League quan sát các cầu thủ, thầy Park thấy thể lực của họ còn hơn những gì ông mong đợi.

Nhiều người hay lầm tưởng giữa khái niệm về thể lực và thể hình. Đúng là thể hình cầu thủ Việt Nam không tốt, song thể lực của họ cũng không phải là kém.

Dù vậy, HLV Park Hang-seo cũng thẳn thắn chỉ ra điểm yếu của bóng đá Việt Nam là các cầu thủ còn thiếu cơ bắp ở phần thân trên. Do đó, HLV Park Hang-seo thường yêu cầu sau bữa ăn tối mỗi ngày các cầu thủ phải tập những bài tập nâng cao cơ bắp trong khoảng từ 30 đến 40 phút.

Ngoài ra, điểm yếu của các cầu thủ Việt Nam đó chính là khả năng hiểu chiến thuật và chuyền bóng. Trong đó, việc chuyền bóng mở rộng sang hai bên trái, phải vẫn chưa được.

Vấn đề lớn nhất của cầu thủ Việt Nam là họ không có ý thức di chuyển không bóng. Đá bóng đỉnh cao làm gì có chuyện người khác dí bóng vào chân, còn hậu vệ đối phương chạy ra cho anh sút? Phải di chuyển, chạy chỗ, chạy vào "điểm mù" của đối thủ mới có tình huống để xử lý.

Tại sao lại là sơ đồ 3 hậu vệ?

HLV Park Hang-seo đã thành công với bóng đá Việt Nam khi đưa vào nghệ thuật phòng ngự, chuyển trạng thái tấn công nhanh bằng chiến thuật 3 hậu vệ.

Đội tuyển Việt Nam với chức vô địch AFF Cup 2018. Ảnh: Đức Đồng

Tại sao lại là 3 hậu vệ mà không phải là 4 hậu vệ? Thực tế trong những trận đấu đầu tiên với đội tuyển Việt Nam, thầy Park đã sử dụng sơ đồ 4 hậu vệ, song chiến thuật này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Cần hiểu rõ với chiến thuật 4 hậu vệ nghĩa là phòng ngự cùng nhau, còn 3 hậu vệ là một đấu một. Khi dùng 4 hậu vệ thì việc tiêu hao thể lực của các cầu thủ hậu vệ ít nhưng bắt buộc phải có sự phối hợp ăn ý theo những tính toán ban đầu.

Với sơ đồ 3 hậu vệ, đó là chiến thuật có khả năng sử dụng một cách tối đa thể lực của các cầu thủ phòng ngự trong suốt 90 phút. Nếu có sai lầm thì với 4 hậu vệ, số lượng cầu thủ phòng ngự đông nhưng lại bị dồn về một phía nên khả năng mất điểm cao. Với sơ đồ 3 hậu vệ, nhiều trường hợp có thể cho phép cầu thủ độc lập tác chiến. Sơ đồ 3 hậu vệ phát huy tối đa được năng lực cá nhân của từng cầu thủ. Còn sơ đồ 4 hậu vệ lại thiên về tính tổ chức giữa các cầu thủ.

Bởi vậy, việc sử dụng sơ đồ 3 hậu vệ lại dễ dàng hơn. Chiến thuật HLV Park Hang-seo xây dựng thường là 3-4-3, đôi khi là 3-4-2-1, 3-5-2. Cách vận dụng chiến thuật này khá giống với những gì đội tuyển Hàn Quốc đã từng thành công khi vào tới bán kết World Cup 2002. Điều này, thầy Park thừa nhận bản thân học ở HLV Guus Hiddink. Nghĩa là, trọng tâm của chiến thuật này sẽ là “block bộ ba”. Khái niệm của “block bộ ba” là trong tất cả khu vực mà bóng đi qua nó có lợi thế về số lượng và phục hồi điểm yếu kỹ thuật. Cho dù bất cứ trường hợp nào, ba người sẽ làm thành một block để uy hiếp đối phương. Nếu block này bị phá thì block khác lại xuất hiện để giăng lưới phòng ngự.

Những cầu thủ bị phá sẽ nhanh chóng chạy về vị trí phòng ngự tiếp theo để chuẩn bị nhiệt lượng. Nếu mất bóng ở tuyến trước thì ngay lập tức họ chuyển sang thế phòng ngự. Bởi vậy, chiến thuật 3-4-3 là bố trí một cách đồng đều nhất từng cá nhân các cầu thủ trên sân. Nó là ví dụ về khái niệm mở rộng sức ép của bóng đá trên toàn bộ sân bóng.

Trong khi chiến thuật 3-5-2 lại mang nặng về tính tấn công. Khi đã sở hữu bóng, hai cầu thủ ở giữa sẽ vào bên trong và trở thành cầu thủ tấn công. Số lượng tiền đạo sẽ tăng lên đến 5 người trong phút chốc.

Sức mạnh tinh thần và đoàn kết

“Chúng ta là Việt Nam, chúng ta là một”-đó là khẩu hiệu mà HLV Park Hang-seo luôn truyền động lực cho các học trò trước mỗi trận đấu, giải đấu. Là một người tình cảm nhưng thầy Park luôn rõ ràng với cầu thủ về quy định những gì cầu thủ phải làm và không được làm.

Ví dụ, ông thay đổi thực đơn khi nhận thấy cầu thủ thường xuyên ăn đồ ăn vặt thiếu dưỡng chất, không tuân theo một chế độ ăn uống khoa học. Ông cũng không yêu cầu các học trò phải quá lễ phép trên sân tập. Thầy Park quan niệm, việc kính trọng người lớn là đức tính đáng quý, song nếu sử dụng trong sân đấu sẽ khiến cho các em không thể đối thoại với nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả được. Bên ngoài sân đấu thì cầu thủ phải tuân theo văn hóa Việt Nam. Tôn trọng đàn anh và chăm lo cho các đồng đội. Nhưng lại có một điều cấm kỵ khác là trong bữa ăn không được khéo ghế gây tiếng kêu hay xỉa răng mà không che miệng. Thời gian ăn cơm cũng là thời gian quản lý cơ thể mình nhưng cũng là thời gian để giao lưu duy trì mối quan hệ với các cầu thủ khác...

Những quy định tuy nhỏ của HLV Park Hang-seo nhưng giúp các cầu thủ hình thành được ý thức, thói quen.

Là một “thuyền trưởng”, HLV Park Hang-seo luôn rất công bằng và bình đẳng. Ông muốn cho các cầu thủ thấy rằng việc chọn người dựa theo thực lực và chỉ những cầu thủ tốt nhất, tâm trạng tốt nhất mới được cho thi đấu. Cùng với sự thay đổi về lối sống, cách sinh hoạt, HLV Park Hang-seo còn loại bỏ tư tưởng thua cuộc của các học trò. Vào trận bằng tư thế tự tin, chiến thắng là cách mà vị chiến lược gia người Hàn Quốc đã xây dựng kể từ khi gắn bó với Việt Nam.

Với thầy trò HLV Park Hang-seo, họ không ngại bất cứ đối thủ nào. Điều quan trọng nhất, các cầu thủ và ban huấn luyện phải là một để cùng nhau vượt khó, cùng nhau chinh phục những đỉnh cao. Và phía trước là AFF Cup 2020 cùng với Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á-nơi thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ quyết tâm để tạo thêm nhiều dấu ấn mới.

HOÀI PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/thay-park-da-chan-doan-ke-don-cho-bong-da-viet-nam-the-nao-617580