Thấy gì từ việc liên tiếp phải hủy đấu giá vàng miếng?

Việc đấu thầu, tăng cung vàng miếng là hoạt động được mong chờ trong thời gian qua khi giá vàng liên tục tăng 'phi mã'. Tuy nhiên thực tế diễn ra lại không như mong đợi khi đã có tới 2 lần liên tiếp Ngân hàng Nhà nước thông báo hủy phiên đấu thầu.

Thông tin được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng sáng 25/4 lại bị hủy do chỉ có một đơn vị duy nhất nộp phiếu dự thầu. Đây là lần thứ ba cơ quan này gọi thầu, trong đó có tới 2 lần bị hủy (22 và 25/4).

Doanh nghiệp không “mặn mà”

Trong lần gọi thầu đầu tiên, theo giới kinh doanh, họ không kịp chuyển tiền đặt cọc do thông báo mời thầu được gửi sát giờ đóng cửa của các ngân hàng vào thứ 6 tuần trước (19/4), nên phiên đấu thầu bị hủy.

Lần thứ hai, đấu thầu được tổ chức thành công nhưng chỉ có 2/11 đơn vị trả giá với khối lượng trúng là 3.400 lượng và NHNN còn ế 13.400 lượng vàng miếng. Hầu hết đơn vị tham gia "không thỏa mãn" với mức giá sàn do NHNN công bố khi xét tới việc phải bỏ ra lượng vốn lớn trong bối cảnh giá thế giới có xu hướng đi xuống.

Trong lần gọi thầu mới nhất sáng 25/4, NHNN cũng chào thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC, nhưng không thông báo chi tiết giá tham chiếu.

Ba lần NHNN gọi thầu nhưng có tới 2 lần bị hủy. (Ảnh: Int)

Có thể thấy, việc đấu thầu, tăng cung vàng miếng là hoạt động được mong chờ trong thời gian qua khi giá vàng tăng “phi mã”. Tuy nhiên, khi đấu thầu vàng, vì sao doanh nghiệp lại “ngại” tham gia?

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, đối chiếu với các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Việt Nam thì điều kiện ban đầu cho việc đấu thầu vàng không hợp lý bởi khối lượng đặt thầu cho một đơn vị quá lớn.

“Với giá cọc ban đầu, một đơn vị phải bỏ ra tầm 100 tỷ đồng. Điều này chỉ phù hợp với doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Trong khi đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng chủ yếu vừa và nhỏ. Việc này dẫn đến cạnh tranh không công bằng”, ông Long nói.

Vị chuyên gia này lý giải, nguyên nhân khiến phiên đấu giá thứ 2 không thu hút được doanh nghiệp tham gia chính bởi những điều kiện nói trên. "80% lượng vàng đấu thầu phiên đầu tiên bị “ế” là vấn đề đáng suy nghĩ. Doanh nghiệp đã kinh doanh phải tính đến lợi nhuận. Nếu trúng thầu, doanh nghiệp phải bán cao hơn mức giá trúng thầu. Nhưng với mức giá khởi điểm mà nhà điều hành đưa ra thì việc đấu thầu không thể làm hạ nhiệt giá vàng trong nước mà giá lại còn bị đẩy lên bởi đã có 20% lượng vàng được doanh nghiệp mua với giá trên 81,3 triệu đồng", ông Long nói.

Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Ngọc Trọng, giám đốc Công ty vàng Đối tác Mới (NPJ) - người từng đại diện một doanh nghiệp vàng lớn tham gia nhiều phiên đấu thầu vàng 11 năm trước cho biết, thực tế là doanh nghiệp chỉ tham gia đấu thầu khi thấy có lợi nhuận chứ khó đòi hỏi doanh nghiệp có trách nhiệm tham gia để tăng cung hay kéo giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Đơn cử, nếu trúng thầu vàng phiên 25/4, phải qua kỳ nghỉ lễ doanh nghiệp mới nhận được vàng. "Trong khi đó thời gian từ đây qua lễ là quá dài, biến động của giá vàng thế giới rất khó lường. Chưa kể không phải doanh nghiệp nào cũng có sẵn nguồn vàng để bán ra trước khi nhận vàng về để bù trạng thái. Nếu vậy, doanh nghiệp đấu thầu xong phải chờ một tuần nữa vàng về, rất rủi ro", ông Trọng nói.

Chuyên gia hiến kế

Nhìn chung, sau giai đoạn giá thế giới và trong nước tăng kéo dài, người dân có xu hướng quan sát thay vì tham gia vào thị trường. Lực mua vàng miếng SJC cũng giảm bớt so với trước do có sự dịch chuyển sang vàng nhẫn. Do đó, các đơn vị tham gia đấu thầu vàng miếng cũng tương đối dè dặt khi phải cân đối đầu ra trong khi mức giá NHNN đưa ra không hấp dẫn.

Theo các chuyên gia, nếu muốn giảm chênh lệch với giá quốc tế, nhà điều hành cần bán ra với giá sát hoặc thấp hơn thị trường trong nước. Trường hợp NHNN vẫn đấu thầu như một đơn vị kinh doanh thay vì vai trò cơ quan quản lý can thiệp thị trường thì mục tiêu kéo gần với thế giới là rất khó.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu ý kiến, NHNN nên xem lại mức giá tham chiếu. Việc đặt cọc 10% khi đấu thầu trong khi giá tham chiếu để đặt cọc cao cũng là vấn đề khiến các doanh nghiệp, ngân hàng cân nhắc, tính toán trước khi tham gia đấu thầu.

"Bỏ ra một số tiền lớn tham gia đấu thầu thì doanh nghiệp phải tính đến chuyện làm sao để kinh doanh có lãi đã. Do đó, muốn những phiên đấu thầu vàng tiếp theo hiệu quả hơn, NHNN cần xác định mức giá đấu thầu hợp lý, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, mới dễ dàng thu hút họ", ông Thịnh nói.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng việc đấu thầu vàng như thông báo của NHNN không hấp dẫn các doanh nghiệp kinh doanh vàng vào thời điểm này. Nếu muốn thu hẹp khoảng cách với giá vàng thế giới, giá vàng đấu thầu phải thấp hơn nữa thì khi đó doanh nghiệp mới có dư địa để điều chỉnh giá.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trọng, để đấu thầu vàng thành công, NHNN cần sửa ngay các quy định bất hợp lý hiện nay.

Vị này cho rằng NHNN cần đánh giá đúng dung lượng thị trường, sức tiêu thụ của người dân cũng như thực lực của doanh nghiệp chứ nếu quy định như hiện nay rất ít doanh nghiệp dám đấu thầu.

“Cùng với việc hạ khối lượng tối thiểu đặt thầu xuống khoảng 500 lượng, mức giá sàn NHNN đưa ra cũng cần hấp dẫn hơn thay vì ở mức cao như những ngày qua", ông Trọng nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia Ngô Trí Long, nếu muốn thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới thì NHNN phải tính bằng giá trên mới hấp dẫn các đơn vị tham gia đấu thầu. Còn nếu tính giá cọc như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục không bỏ thầu.

"Cách đây hơn 10 năm, việc đấu thầu vàng miếng kéo giá vàng trong nước và thế giới chỉ còn chênh nhau hơn 4 triệu đồng/lượng. Hiện giá vàng miếng cao hơn thế giới hơn 10 triệu đồng/lượng và có thời điểm gần 20 triệu đồng/lượng. Chỉ đạo của Chính phủ nhằm mục tiêu ổn định thị trường vàng trong nước, kéo chênh lệch giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới, nhưng việc tính giá cọc như hiện nay, mục tiêu này chưa đạt được”, ông Long cho hay.

Ông Long đề xuất NHNN nên cân nhắc các quy định khi tổ chức đấu thầu vàng miếng gồm quy định khối lượng tối thiểu đặt thầu, mức giá đặt cọc cũng như mức giá sàn đấu thầu.

Trong khi đó, ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng cho biết, có quá ít hoặc không có đơn vị nhận thầu vàng chứng tỏ quy định đấu thầu vàng vẫn còn những điều kiện chưa hợp lý, chưa đảm bảo được việc hạn chế rủi ro cho các tổ chức tham gia đấu thầu.

Hiện tại, nguồn vốn đang là vấn đề khó khăn với nhiều doanh nghiệp, phần nào tác động đến quyết định tham gia đấu thầu của họ khi phải thực hiện mua vàng với khối lượng lớn.

Do đó, nếu các điều kiện đấu thầu được NHNN sửa lại cho đủ hấp dẫn, doanh nghiệp có thể cân đối được rủi ro thì sẽ có nhiều tổ chức tham gia đấu thầu vàng hơn.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/thay-gi-tu-viec-lien-tiep-phai-huy-dau-gia-vang-mieng-1099495.html