Thấy gì từ hoạt động giao dịch LNG của các gã khổng lồ năng lượng?

Trong một dịp hiếm hoi, các gã khổng lồ năng lượng đã hé lộ chút ít về chiến lược giao dịch khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ngày nay của họ: Châu Á đã gia tăng nhu cầu, đúng như Shell và TotalEnergies dự đoán. Trong khi đó, BP gần như 'thua cược' khi trông cậy vào khả năng châu Âu bị thiếu hụt.

Các kết quả tương phản đã làm nổi bật bản chất rủi ro của các bộ phận buôn bán. Đôi khi họ thu được lợi nhuận ngoạn mục, nhờ nhanh chóng tận dụng tình hình dao động giá, cũng như sự gián đoạn cung - cầu trên khắp thế giới. Nhưng cũng có lúc, họ ghi nhận mức thua lỗ ngoạn mục.

Họ hiếm khi tiết lộ chi tiết về kết quả hoạt động, ngoại trừ những bình luận chung chung. Nhưng vào tuần này, giới doanh nghiệp đã công khai trình bày cụ thể kết quả hoạt động của quý III/2023.

Châu Á đã gia tăng nhu cầu LNG trước mùa đông, đúng như Shell và TotalEnergies dự đoán. Nhờ vậy, họ thu về lợi nhuận cao từ hoạt động giao dịch. Trong khi đó, BP tập trung vào các thị trường ở Đại Tây Dương - khu vực có nhu cầu yếu và tồn kho đầy đủ, làm lợi nhuận giao dịch giảm mạnh.

Lợi nhuận quý III/2023 của BP là 3,3 tỷ USD, thấp hơn 20% so với dự báo của các nhà phân tích. Nguyên nhân một phần là do kết quả giao dịch LNG kém.

Giám đốc điều hành tạm thời của BP, Murray Auchincloss, nói với Reuters: “Giao dịch khí đốt thu về kết quả phi thường trong quý đầu tiên. Quý thứ hai cũng tương tự, nhưng quý thứ ba lại thu về kết quả yếu kém. Đó đơn thuần là do sự thiếu cấu trúc bên trong thị trường. Doanh nghiệp kiếm tiền nhờ vào sự biến động giá cả. Vậy mà giá cả lại không có chút biến động nào”.

Tình trạng thiếu biến động bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Mức tồn kho khí đốt cao tại thị trường Mỹ và châu Âu, vì người mua châu Âu tranh thủ tích trữ nhằm tránh lặp lại tình trạng bùng giá khí đốt vào mùa đông năm trước, sau khi Nga cắt phần lớn nguồn cung khí đốt tới châu Âu.

Theo Oswald Clint - nhà phân tích tại Bernstein: "BP tập trung nhiều vào giao dịch LNG ở Mỹ và châu Âu". Mặt khác, "Shell và TotalEnergies được hưởng lợi từ tình trạng chênh lệch giá LNG giữa phương Đông và phương Tây. Đây là diễn biến trong quý thứ ba”.

Châu Á quay trở lại

Vào tuần trước, Giám đốc điều hành TotalEnergies Patrick Pouyanne nói với các nhà phân tích: “Châu Á đang quay trở lại với hoạt động kinh doanh LNG. Ngày nay, hầu hết hàng hóa sẽ đi đến châu Á, vì có thị trường giao ngay thuận lợi”.

Theo phát ngôn viên của Shell, công ty có được doanh thu LNG mạnh mẽ vì đã nắm lấy “cơ hội chênh lệch giá do ảnh hưởng của thời tiết theo mùa”, bao gồm các đợt nắng nóng ở châu Âu và châu Á. Hơn nữa, hoạt động sản xuất LNG ở Úc trở nên thiếu ổn định vì các hoạt động công nghiệp bị đe dọa.

Nhờ kết quả giao dịch này, Shell dễ dàng vượt qua mùa sụt giảm sản lượng LNG - xuất phát từ hoạt động bảo trì tại một số nhà máy quan trọng, bao gồm cả cơ sở sản xuất LNG nổi Prelude với công suất 3,6 triệu tấn/năm, hiện nằm ngoài khơi nước Úc.

Shell là doanh nghiệp kinh doanh LNG hàng đầu thế giới. Vào năm 2022, Shell bán được 66 triệu tấn LNG, chiếm 16,5% tổng lượng LNG lưu thông trên toàn cầu mỗi năm (400 triệu tấn/năm).

TotalEnergies xếp thứ hai với kết quả xuất khẩu được 48 triệu tấn vào năm 2022. Theo các nhà phân tích và giới thương nhân, vào năm 2022, BP giao dịch được khoảng 25 triệu tấn.

Ngọc Duyên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/thay-gi-tu-hoat-dong-giao-dich-lng-cua-cac-ga-khong-lo-nang-luong-698503.html