Thấy gì qua con số?

Báo cáo Xu hướng chính tại Đông Nam Á năm 2024 của Acumen, Tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế (ngày 7/2) dẫn thống kê của UNESCO cho thấy:

Ảnh minh họa ITN.

Năm học 2021 - 2022, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về lượng du học sinh tại nước ngoài, với hơn 132 nghìn em.

Đây là con số “biết nói”. Từ số liệu này, nhiều người cho rằng, kinh tế hộ gia đình của Việt Nam ngày càng tăng trưởng. Cũng có ý kiến băn khoăn về chất lượng đào tạo, dịch vụ của giáo dục đại học trong nước còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới… dẫn đến lãng phí nguồn lực và tiền tệ.

Ở góc nhìn khác, nhiều chuyên gia bày tỏ lạc quan khi thấy ngày càng nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đi du học ở nước ngoài. Đây là dấu hiệu tốt, tín hiệu tích cực. Điều đó cho thấy, hợp tác đa phương trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được đẩy mạnh, mà ở đó Bộ GD&ĐT có vai trò nòng cốt và có dấu ấn quan trọng.

Đại diện Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho hay, 10 năm qua, Bộ đã chủ động và chủ trì đàm phán, thực hiện ký kết 161 điều ước, thỏa thuận quốc tế và thúc đẩy quan hệ với hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ; tham gia một số cơ chế tiểu vùng, khu vực và liên khu vực ASEAN, ASEM, APEC... góp phần nâng tầm hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Kể từ năm 2013 đến năm 2023 có trên 3.500 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên và giảng viên được ký kết giữa các cơ sở giáo dục của Việt Nam với nước ngoài. Các văn bản ký kết này đã tạo điều kiện mở rộng và phát triển các hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế của giáo dục Việt Nam.

Thực tế cho thấy, cho con đi du học là giấc mơ lớn của nhiều phụ huynh, học sinh, sinh viên Việt Nam. Họ muốn được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến các nước phát triển và có những trải nghiệm mới mẻ về cuộc sống; từ đó mở rộng tư duy, rèn giũa khả năng thích ứng và mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Ở chiều ngược lại, chúng ta cần làm tốt vấn đề quốc tế hóa giáo dục phổ thông và đại học. Làm sao để thu hút người nước ngoài đến du học tại Việt Nam và giữ chân người Việt học tập trong nước. Muốn vậy, các cơ sở giáo dục cần tăng cường hội nhập quốc tế, chủ động mở rộng hợp tác song và đa phương; đồng thời thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nước ngoài cho giáo dục và đào tạo.

Phía cơ quan quản lý Nhà nước nên tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục đại học hợp tác với cơ sở đối tác nước ngoài về đào tạo, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh thu hút sinh viên, nhà khoa học có uy tín ở nước ngoài đến học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Cùng đó, đẩy mạnh công tác quản lý công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, giảng dạy. Mặt khác, khuyến khích kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế được công nhận hoạt động ở Việt Nam; đồng thời khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tham gia xếp hạng của các tổ chức xếp hạng uy tín thế giới. Ngoài ra, tích cực tham gia các chương trình đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế đối với giáo dục, đào tạo (PISA, PASEC...).

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thay-gi-qua-con-so-post674585.html