Thấy em hóc dị vật, anh trai dùng thủ thuật cứu em đáng nể phục

Thấy em trai có biểu hiện bị hóc dị vật, người anh đã thực hiện thủ thuật Heimlich cứu em. Toàn bộ diễn biến sự việc đã được camera giám sát ghi lại.

Anh trai dùng thủ thuật Heimlich cứu em bị hóc dị vật

Theo nguồn tin từ Tạp chí Người Đưa Tin, sự việc em bé bị hóc dị vật được ghi lại vào ngày 13/3, ở TP Sán Vĩ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Trong đoạn clip cậu bé nhỏ tuổi đang ăn kẹo thì đột ngột bị nghẹn và không thể nói được. Người phụ nữ trong đoạn clip đã đi tới để kiểm tra nhưng không nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình. Vì nghĩ cháu bé không sao nên bà đã bỏ đi.

Thấy em có biểu hiện lạ, người anh ngồi gần đó đã nhanh chóng đi tới, vội ôm lấy em trai từ phía sau lưng và thực hiện thủ thuật Heimlich. May mắn, người em trai đã bắt đầu khóc và có thể thở lại. Toàn bộ diễn biến sự việc đã được camera giám sát ghi lại.

Hóc dị vật là gì?

Hóc dị vật là thuật ngữ để mô tả một vật lạ đột ngột rơi vào đường thở hoặc đường ăn uống. Đây là một trong những tai nạn thường gặp ở mọi độ tuổi, nhiều nhất ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi và là mối nguy hiểm đáng sợ.

Trẻ bị hóc dị vật nếu không được xử trí nhanh chóng, có thể dẫn đến tím tái và ngưng thở chỉ sau vài phút.

Hóc dị vật có thể xảy ra ở đường thở hoặc ống tiêu hóa, triệu chứng có thể khác nhau nhưng cách sơ cứu ban đầu gần như là giống nhau. Vì thế khi thấy ai đó có dấu hiệu như đang hóc dị vật cần áp dụng phương pháp sơ cứu hóc dị vật để cứu người.

Vì sao trẻ dễ bị hóc dị vật?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hóc dị vật ở trẻ nhỏ, mà điều quan trọng là do sự lơ là, chủ quan, thiếu kiểm soát của người lớn:

Trẻ còn nhỏ rất tò mò, thích khám phá thế giới xung quanh và bỏ vào miệng tất cả những gì rơi vào tầm tay.

Trẻ ăn uống khi đang khóc hoặc đùa giỡn khi có thức ăn trong miệng.

Trẻ ăn thức ăn dễ hóc, không phù hợp với từng lứa tuổi. Bé chưa có răng hàm nên không thể nhai và nghiền nát hoàn toàn các mẩu thức ăn cứng. Việc nhai và nuốt cũng chưa thuần thục (quả có hạt như nhãn, chôm chôm, loại hạt cứng, thạch rau câu, hạt trân châu...).

Trẻ em là đối tượng dễ bị hóc dị vật.

Chẩn đoán trẻ bị hóc dị vật

Việc phát hiện sớm tình trạng trẻ bị nghẹt đường thở do hóc dị vật là vô cùng quan trọng. Bố mẹ cần cần nghĩ tới dị vật đường thở khi trẻ đang chơi, đang ăn đột nhiên có các biểu hiện như: ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở, trợn mắt, có thể cố ho, khạc để tống dị vật ra ngoài.

Tình trạng này có thể chỉ thoáng qua rồi tự hết khi dị vật đã được đưa ra ngoài. Tuy nhiên nếu không xử trí kịp thời trẻ có thể ngưng thở và tử vong ngay sau đó.

Hóc dị vật nguy hiểm như thế nào?

Hóc dị vật có thể xảy ra ở cả đường hô hấp và đường tiêu hóa. Ở người lớn, nguyên nhân thường do vô ý hít hoặc nuốt phải, hoặc do ăn uống không đúng cách, một miếng thức ăn to thường là thủ phạm. Còn với trẻ em thường do sặc sữa, cháo, cơm, ăn kẹo… hoặc hít vào đường thở các vật nhỏ như các loại hạt hay nhiều vật dụng nhỏ khác.

Nếu dị vật rơi vào đường hô hấp thì bệnh nhân sẽ có dấu hiệu nghẹt thở do bị chặn luồng thông khí, ngăn dòng oxy đến não. Bệnh nhân sẽ dễ dẫn đến tím tái, đôi khi ngất và có thể tử vong. Về lâu dài biến chứng có thể là xẹp phổi, viêm phổi, áp xe phổi…

Nếu dị vật rơi vào đường tiêu hóa, đôi khi bệnh nhân sẽ không có dấu hiệu gì ngay sau đó nhưng một thời gian sau, có thể các biến chứng sẽ xảy ra như tắc ruột, thủng ruột…

Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật, cần hết sức bình tĩnh để sơ cứu trẻ đúng cách. Ảnh: TL

Nên làm gì khi trẻ bị hóc dị vật?

Để tránh trẻ bị hóc dị vật, hãy để các vật nhỏ tránh xa tầm tay trẻ em, cắt thức ăn thành những miếng nhỏ và luôn chú ý trông chừng trẻ. Đặc biệt là những trẻ dưới 5 tuổi.

Khi phát hiện hay nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật, cần hết sức bình tĩnh, không dùng tay hay vật bất kỳ để móc dị vật ra khỏi miệng trẻ vì chưa chắc lấy ra được mà có khi đẩy dị vật vào sâu hơn. Hơn nữa, việc móc họng có thể dẫn đến nôn ói, trẻ hít sặc lại chất ói lại càng nguy hiểm hơn.

Nếu trẻ vẫn tỉnh táo, không khó thở, vẫn khóc được hoặc nói được thì khuyến khích trẻ ho và nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ kiểm tra. Nếu đúng bị hóc dị vật đường thở thì sẽ được lấy ra an toàn.

Nếu trẻ có biểu hiện tím tái, khó thở nặng, ngưng thở, không khóc được, không nói được thì sau khi gọi xe cấp cứu, cần phải tiến hành sơ cứu kịp thời trong thời gian đợi xe tới.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/video-thay-em-hoc-di-vat-anh-trai-dung-thu-thuat-cuu-em-dang-ne-phuc-172230322153006945.htm