Thấy được gì từ lễ tưởng niệm binh sĩ hy sinh do xung đột biên giới Trung-Ấn?

Một năm sau cuộc đụng độ ở biên giới trên dãy Himalaya, giới phân tích Ấn Độ và Trung Quốc vẫn bất đồng về triển vọng chấm dứt xung đột giữa hai nước.

Theo tờ South China Morning Post ngày 21-6, trong tuần này Trung Quốc và Ấn Độ đã tổ chức lễ tưởng niệm những người lính đã hy sinh trong cuộc đụng độ giữa hai nước ở biên giới trên dãy Himalaya vào năm ngoái.

Tại Ấn Độ, quân đội đã phát hành một đoạn video có bài hát tưởng nhớ 20 binh sĩ nước này thiệt mạng trong cuộc đối đầu ở Thung lũng Galwan. Trong khi đó, tại quân khu Tân Cương (Trung Quốc), nơi giám sát các khu vực biên giới phía tây với Ấn Độ cũng đã diễn ra một buổi tưởng niệm nhỏ.

Binh sĩ Ấn Độ (trái) và binh sĩ Trung Quốc. Ảnh: AP

Hiện các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ đã dần rút lui khỏi khu vực Galwan kể từ khi binh lính tấn công nhau bằng dùi cui và đá cách đây một năm.

Trong bối cảnh hai nước tổ chức các sự kiện tưởng niệm, giới phân tích quốc phòng và quan hệ quốc tế cho rằng đây cũng là lúc hai nước có thể hợp tác để ngăn chặn sự cố tái diễn. Tuy nhiên, để điều đó xảy ra, niềm tin cần phải được xây dựng lại trên một số mặt trận.

Ông Zhou Chenming, nhà nghiên cứu từ Viện khoa học và công nghệ quân sự Yuan Wang ở Bắc Kinh cho biết có những dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng tránh xích mích với Ấn Độ.

Theo ông Zhou, đài tưởng niệm có cấu trúc thấp cho thấy Bắc Kinh không muốn kích động lòng thù hận dân tộc giữa Trung Quốc và Ấn Độ, vốn là vấn đề nhạy cảm đã có trong nhiều thập niên.

"Khơi dậy lòng căm thù dân tộc sẽ chỉ khiến quan hệ song phương đi vào ngõ cụt" - ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Deependra Singh Hooda, cựu Tư lệnh quân đội miền Bắc của quân đội Ấn Độ, nguy cơ xung đột vẫn tồn tại

Trong một bài báo đăng trên trang tin tức Ấn Độ The Quint, ông Hooda cho biết khoảng 100.000 binh sĩ vẫn dàn trận ở cả hai bên đường kiểm soát thực tế (LAC) "nhìn nhau với sự nghi ngờ và không tin tưởng".

Sự ngờ vực đó là điều mà các nhà phân tích ở cả hai nước đều đồng ý.

Theo ông Zhou Bo, đại tá cấp cao về hưu của Trung Quốc và là thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cuộc đụng độ ở Galwan đã thay đổi quan hệ giữa hai nước, phá hủy lòng tin vốn đã được xây dựng.

"Tuy nhiên, cả hai bên sẽ tuân thủ các thỏa thuận đã đạt được từ năm 1993 đến năm 2013, hạn chế số lượng binh lính và vũ khí được triển khai tới các khu vực biên giới" - ông nói, đồng thời lưu ý rằng đây là một dấu hiệu tích cực.

Theo nhà ngoại giao Ấn Độ đã nghỉ hưu và cựu đại sứ tại Trung Quốc Vijay Nambiar, một trong những vấn đề cần khắc phục là niềm tin của nhiều nhà nghiên cứu Ấn Độ. Những người này cho rằng quân đội Trung Quốc đã lên kế hoạch cho cuộc đụng độ ở Galwan để cho Ấn Độ một bài học.

Quan điểm của ông Nambiar, được đưa ra trong một diễn đàn trực tuyến do Đại học Thanh Hoa tổ chức. Nhận định này đã nhận được sự ủng hộ của ông Gupta Yogesh (cựu đại sứ Ấn Độ tại Đan Mạch và chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ) và ông Rajeev Ranjan Chaturvedy (một thành viên tại Viện Hợp tác Úc - Ấn Độ).

Song, cả ông Zhou Bo và ông Zhou Chenming đều phản đối nhận định trên, nói rằng Trung Quốc sẽ không khơi mào bất kỳ vấn đề biên giới nào vì Bắc Kinh không muốn chuyển hướng chú ý khỏi cuộc cạnh tranh đang diễn ra với Mỹ.

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/thay-duoc-gi-tu-le-tuong-niem-binh-si-hy-sinh-do-xung-dot-bien-gioi-trungan-994524.html