Thay đổi tư duy, hành động quyết liệt trong cải cách hành chính

Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) là công cụ để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC), được Bộ Nội vụ ban hành từ năm 2012 với mục tiêu đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả CCHC hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước. Sau 10 năm thực hiện, lần đầu tiên Sơn La vượt qua nhiều tỉnh, thành, vươn lên đứng thứ 15 toàn quốc, xếp nhóm B của cả nước, vượt mục tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra. Thứ hạng ấn tượng đó đã minh chứng cho sự thống nhất, đoàn kết, tư duy đổi mới và những nỗ lực không ngừng của các cấp chính quyền tỉnh, hướng tới nền hành chính phục vụ.

Bảng xếp hạng Chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố năm 2021.

Bảng xếp hạng Chỉ số CCHC các tỉnh, thành phố năm 2021.

Thẳng thắn nhìn nhận, quyết tâm khắc phục

Bộ tiêu chí xác định Chỉ số CCHC được cấu trúc thành 8 lĩnh vực, 43 tiêu chí, 102 tiêu chí thành phần đánh giá một cách toàn diện từ công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC cũng như các nội dung của Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước. Giai đoạn 2012-2020, Chỉ số CCHC của Sơn La từng liên tục xếp ở nhóm cuối của cả nước và không ổn định thứ hạng, khi đứng ở vị trí thứ 61 (năm 2012), thứ 63 (năm 2013), thứ 56 (năm 2014), tăng dần lên thứ 17 (năm 2018), nhưng lại tụt xuống vị trí 23 (năm 2019)... Điều này đã khiến cả hệ thống chính trị của tỉnh phải trăn trở, tìm giải pháp thực thi thật sự hiệu quả để cải thiện và duy trì ổn định vị trí xếp hạng của tỉnh trong “cuộc đua” cùng với cả nước.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC cho người dân.

Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết TTHC cho người dân.

Nhìn lại kết quả nhiều năm liên tục xếp ở nhóm cuối của cả nước, nhận thấy còn những “điểm nghẽn” trong công tác CCHC. Cũng như nhiều địa phương khác, thời điểm đó, Sơn La tiến hành CCHC với hệ thống văn bản, các TTHC rườm rà, chồng chéo; phương thức quản lý, tổ chức bộ máy, phong cách, lề lối làm việc xưa cũ; nhiều cơ quan còn chậm áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành; một số ngành không muốn phân cấp hoặc chưa đủ sức đảm nhận nhiệm vụ được giao...

Nhìn thẳng vào sự thật đó, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện với nhiều cách làm mới. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo CCHC để thống nhất triển khai thực hiện; nội dung kiểm tra tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành về CCHC; thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính (TTHC); cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử.

Nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch lớn về đẩy mạnh CCHC được Tỉnh ủy, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành phù hợp theo từng giai đoạn. Đặc biệt, lần đầu tỉnh đưa mục tiêu “nằm trong nhóm khá của cả nước” (top 20 tỉnh, thành) về các chỉ số CCHC, PCI, SIPAS và PAPI vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh CCHC Nhà nước tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về “Chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2030. Từ năm 2019, tỉnh xây dựng và ban hành bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để các đơn vị thi đua lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm mục tiêu của mọi sự phục vụ.

Tỉnh cũng thực hiện chấm điểm chỉ số CCHC của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, buộc các cơ quan, địa phương phải thay đổi tư duy, hành động quyết liệt mới có thể giành thứ hạng cao. Sau mỗi kỳ công bố kết quả chỉ số CCHC, đã họp bàn, tổ chức các hội nghị để phân tích, đánh giá chỉ số và đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC những năm tiếp theo. Trọng tâm là tập trung phân tích những điểm, tiêu chí còn thấp, như tiêu chí về trễ hẹn, tiêu chí về xin lỗi vì trễ hẹn, tiêu chí trách nhiệm giải trình với người dân... dẫn đến hạn chế trong công tác CCHC; một bộ phận người dân chưa thật sự hài lòng về kết quả giải quyết TTHC. Từ đó, đưa ra giải pháp để khắc phục, nâng cao điểm số thành phần.

Xác định vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, định kỳ hằng tháng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy tiếp công dân để giải quyết kịp thời các kiến nghị, phản ánh của nhân dân; đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng định kỳ đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ những vướng mắc, những kiến nghị, đề xuất về cơ chế chính sách, TTHC, bảo đảm cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã cũng đề cao vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo thực hiện CCHC; ban hành kế hoạch thực hiện CCHC hằng năm, thể hiện rõ mục tiêu, yêu cầu, nội dung CCHC, thời gian thực hiện, đơn vị chịu trách nhiệm điều hành, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Bứt phá vươn lên, xây dựng nền hành chính phục vụ

Những chỉ đạo quyết liệt trong công tác điều hành là “chìa khóa” để tỉnh gỡ dần những “nút thắt” trong thực hiện công tác CCHC. Điều này được minh chứng khi năm 2020, Sơn La vượt qua nhiều tỉnh, thành phố khác vươn lên xếp thứ 20 cả nước về chỉ số CCHC với 84,84%. Đến năm 2021, tiếp tục bứt phá trên bảng xếp hạng với sự có mặt trong top 15 tỉnh dẫn đầu cả nước với 87,62%, đứng thứ 5/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Phân tích kết quả PAR Index của tỉnh cho thấy, nhiều lĩnh vực tăng mạnh, như công tác chỉ đạo, điều hành liên quan đến CCHC đạt 8,26/8,5 điểm, xếp thứ 20/63 tỉnh, thành, tăng 21 bậc so với năm 2020, đứng thứ 2/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc; cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước đạt 10,42/11,5 điểm, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành, tăng 6 bậc so với năm 2020, đứng đầu 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Riêng lĩnh vực xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt 11,34/13,5 điểm, xếp thứ 41/63 tỉnh, thành, tăng 22 bậc so với năm 2020; cải cách tài chính công đạt 10,52/12 điểm, xếp thứ 16/63 tỉnh/thành, tăng 33 bậc so với năm 2020, đứng thứ 6/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Cùng với đó, các lĩnh vực xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; hiện đại hóa hành chính; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các chỉ tiêu phát triển KT-XH của tỉnh cũng có điểm số nằm trong mức khá của cả nước. Đặc biệt, lĩnh vực cải cách TTHC của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực; tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm tập trung cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ TTHC.

Đồng chí Cầm Thúy Vân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã phân cấp, ủy quyền phê duyệt kết quả giải quyết TTHC đối với một số lĩnh vực để tạo thuận tiện, nhanh chóng nhất cho tổ chức, cá nhân. Các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC; kiến nghị bãi bỏ những thủ tục rườm rà, phức tạp và đơn giản tối đa về hồ sơ, trình tự, thủ tục; niêm yết đầy đủ, công khai tất cả các TTHC thuộc thẩm quyền để người dân, doanh nghiệp tiện tra cứu.

Đến nay, toàn tỉnh đã cắt giảm ít nhất 20% thời gian giải quyết TTHC, nhất là các thủ tục liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, trong đó đã thực hiện rút ngắn tối thiểu 30% thời gian giải quyết TTHC lĩnh vực xây dựng, riêng thủ tục cấp giấy phép xây dựng đã giảm được 50% thời gian thực hiện (từ 30 ngày xuống còn 15 ngày); lĩnh vực môi trường rút ngắn thời gian thực hiện TTHC giảm từ 10-30%, lĩnh vực khí tượng thủy văn giảm từ 50% trở lên thời gian giải quyết so với quy định... Hiện, 100% TTHC của tỉnh được cập nhật, công khai dưới nhiều hình thức phù hợp; tỷ lệ hồ sơ TTHC giải quyết đúng hạn đạt trên 99% (hồ sơ trả quá hạn đều được cơ quan, đơn vị thực hiện công khai xin lỗi theo đúng quy định).

Việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng được đầu tư mạnh mẽ. Cổng dịch vụ công của tỉnh và hệ thống “một cửa” điện tử tại 12 UBND huyện và 204 UBND xã, phường, thị trấn tạo thành một hệ thống hiện đại, đồng bộ. Tỉnh kết nối, tích hợp Cổng dịch vụ công của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, hiện đang cung cấp 1.223 TTHC, trong đó có 737 dịch vụ mức độ 3 và 4; thực hiện tiếp nhận và trả kết quả 672 TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích phục vụ người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ mọi lúc, mọi nơi và công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC; đem lại niềm tin, sự hài lòng cho doanh nghiệp và người dân.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về CCHC kiểm tra việc thực thi công vụ tại Ban Dân tộc tỉnh.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh về CCHC kiểm tra việc thực thi công vụ tại Ban Dân tộc tỉnh.

Ông Nguyễn Khắc Sỹ, Giám đốc Công ty cổ phần Việt Dũng, thành phố Sơn La, cho biết: Trước đây, việc xin chủ trương đầu tư hoặc thực hiện được các TTHC với các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi phải nhờ vả khắp nơi. Nhưng vài năm gần đây, với nhiều chính sách thông thoáng, TTHC đơn giản và nhanh gọn, chúng tôi có thể giải quyết công việc thuận lợi, nhanh chóng, nhờ đó có thêm lợi thế phát triển. Doanh nghiệp khó khăn cũng được tỉnh kịp thời đối thoại, tháo gỡ ngay những vướng mắc.

Cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, UBND tỉnh tiếp tục triển khai việc kiện toàn, sắp xếp bộ máy của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đến nay, toàn tỉnh đã giảm 332 đơn vị sự nghiệp, 655 đầu mối cấp phòng trực thuộc đơn vị sự nghiệp; giảm 3.360 biên chế cả tinh giản và không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; giảm 1.674 lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp và lãnh đạo cấp phòng trực thuộc các đơn vị sự nghiệp; 44 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên; 22 đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; giảm chi ngân sách Nhà nước hơn 600 tỷ đồng.

Với sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành, địa phương trong thực hiện những giải pháp cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC đã từng bước đưa nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ. Đây là cơ sở để tiếp tục củng cố, nâng cao niềm tin cho người dân và doanh nghiệp đồng lòng, góp sức cho sự phát triển chung của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/thay-doi-tu-duy-hanh-dong-quyet-liet-trong-cai-cach-hanh-chinh-51632