Thay đổi nhận thức về chăm sóc và bảo vệ trẻ em - nhìn từ nhóm 10

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, mô hình 'Nhóm cha mẹ có con từ 0-10 tuổi' (nhóm U10) đã đem lại hiệu quả khá rõ nét, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, đặc biệt là các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hội LHPN huyện Đakrông tổ chức diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức cho các bố, mẹ trong chăm sóc trẻ em- Ảnh: T.L

Là địa phương đầu tiên tổ chức triển khai mô hình nhóm U10, ban đầu huyện Đakrông gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với nhiều cách làm hay, hiệu quả, những khó khăn, trở ngại từng bước được khắc phục, mô hình nhóm U10 bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đakrông Lê Thị Tây Nguyên cho biết: “Sau một thời gian triển khai mô hình nhóm U10 trên địa bàn, kết quả ban đầu là đội ngũ tình nguyện viên mạnh dạn, tự tin hơn; không còn rụt rè, thiếu tự tin khi phải chia sẻ các nội dung đối với nhóm cha mẹ. Các bà mẹ vùng cao đã tích cực tham gia nhóm, nắm bắt được kiến thức nhanh hơn để hướng dẫn, thực hành lại cho con của mình. Thông qua nhóm vui chơi, đọc sách, trẻ em đã phát triển về ngôn ngữ, tư duy, nhận thức về xã hội tốt hơn”.

A Dơi là xã biên giới đặc biệt khó khăn, nằm cách trung tâm huyện Hướng Hóa 40 km, đời sống của người dân trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, bộ mặt xã miền núi A Dơi đã ghi nhận nhiều sự đổi thay. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của Tổ chức Plan và Hội LHPN tỉnh, công tác chăm sóc trẻ em trên địa bàn đã có sự chuyển biến rõ nét hơn.

Phó Chủ tịch UBND xã A Dơi Hồ Văn Thăng cho biết: “Tại các địa bàn triển khai mô hình nhóm U10, tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm đáng kể, sức khỏe trẻ em được cải thiện, vệ sinh tốt hơn, ít bệnh tật hơn. Đặc biệt, trẻ em tự tin, mạnh dạn hơn, phát triển ngôn ngữ tốt, lễ phép, biết tìm đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của người lớn khi gặp nguy hiểm. Chúng tôi mong muốn thời gian tới, cấp trên và các chương trình, dự án tiếp tục quan tâm để các mô hình hiệu quả như nhóm U10 tiếp tục được nhân rộng tại tất cả các thôn, bản trên địa bàn xã”.

Là người trực tiếp thực hiện các hoạt động hỗ trợ cha mẹ và trẻ em tại cộng đồng, chị Hồ Thị Sáu, thôn Ra Man, xã Xy, huyện Hướng Hóa đã nhận thấy rõ sự đổi thay tích cực từ các bậc cha mẹ cũng như trẻ em khi tham gia nhóm U10.

Chị Sáu chia sẻ: “Sau một thời gian tham gia nhóm U10, nhận thức, hành động của cha mẹ đã có sự thay đổi rõ rệt. Theo đó, các bậc cha mẹ vùng cao đã biết quan tâm nhiều hơn đến các con như quan tâm đến chế độ dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi cho trẻ, dành nhiều thời gian hơn để được gần gũi, chăm sóc con… Đối với trẻ em, các cháu đã dần có sự thay đổi theo hướng tự tin, mạnh dạn và chủ động hơn trong mọi hoạt động, tích cực tham gia các trò chơi, văn nghệ do địa phương tổ chức”.

Từ hiệu quả của mô hình nhóm “Cha mẹ có con từ 0-3 tuổi”, từ năm 2020, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh cùng với Tổ chức Plan thống nhất thành lập nhóm U10. Đến nay, tại địa bàn vùng dự án đã thành lập được 106 nhóm U10 và 30 nhóm trẻ vui chơi đọc sách với 3.705 thành viên.

Trong đó có 3.632 bà mẹ và 73 ông bố tham gia, 202 tình nguyện viên, điều hành, hỗ trợ sinh hoạt nhóm. Các nhóm duy trì sinh hoạt đều đặn theo định kỳ hằng tháng với các chủ đề sinh hoạt, tập trung vào các nội dung dành cho trẻ em như: phòng, chống tai nạn thương tích; sơ cứu thương; phòng bệnh; chăm sóc và phát triển toàn diện...

Trên cơ sở hiệu quả của mô hình ở các xã dự án, Hội LHPN tỉnh đã đề xuất Tổ chức Plan mở rộng mô hình nhóm U10 ở các xã ngoài vùng dự án. Đến nay, đã thành lập được 18 mô hình tại 7 huyện với 446 thành viên. Định kỳ hằng tháng, các nhóm U10 tổ chức sinh hoạt theo từng chủ đề.

Qua đó, đã tổ chức 2.325 buổi sinh hoạt tại 106 nhóm cho hơn 3.194 ông bố và bà mẹ tham gia. Tại các buổi sinh hoạt, các bố, mẹ đã được hướng dẫn, chia sẻ về các kiến thức chăm sóc con cái để phát triển toàn diện. Tiêu biểu như: chăm sóc, giáo dục trẻ thơ; truyền thông lồng ghép về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em trong việc phòng ngừa các nguồn bệnh và tai nạn thương tích…

Chia sẻ thêm về hiệu quả từ mô hình nhóm U10, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Quế Phượng thông tin: “Mô hình đã hỗ trợ các bố, mẹ nâng cao về nhận thức, hiểu biết hơn về chăm sóc sức khỏe, bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, mô hình đã góp phần thay đổi định kiến giới về vai trò chăm sóc và nuôi dạy con cái, thúc đẩy sự tham gia, chia sẻ với vợ của các ông chồng trong quá trình nuôi dạy con; mối quan hệ giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái được củng cố chặt chẽ, gắn bó hơn.

Cùng với đó, thông qua thực hiện mô hình U10, năng lực của đội ngũ cán bộ hội cơ sở được nâng lên rõ rệt, mô hình thu hút được sự quan tâm của các cấp, ngành, nhà trường, cộng đồng trong phối hợp chăm sóc, bảo vệ phụ nữ, trẻ em; lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước… Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động duy trì, nhân rộng các mô hình trên địa bàn các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành chức năng; hợp tác, huy động nguồn lực từ các tổ chức trong nước và quốc tế nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động của mô hình. Thực hiện đổi mới nội dung, hình thức công tác truyền thông, giáo dục ở mô hình để hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nâng cao kiến thức, kỹ năng về xây dựng gia đình, chăm sóc bảo vệ, phát triển trẻ em; phòng, chống xâm hại, bạo lực; phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống.

Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ hội, tình nguyện viên cơ sở trong hoạt động tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em, nhất là các vụ việc xâm hại, bạo lực”.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/thay-doi-nhan-thuc-ve-cham-soc-va-bao-ve-tre-em-nhin-tu-nhom-10/178293.htm