Thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng hàng Việt

ĐBP - Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam' đã tạo được bước chuyển biến tích cực và có sự lan tỏa đến mọi người dân. Hàng hóa thiết yếu phục vụ đồng bào các dân tộc miền núi, biên giới được đưa về gần hơn, tạo điều kiện thuận lợi để họ tiếp cận các mặt hàng có chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý... Không chỉ vậy, nhận thức và thói quen tiêu dùng hàng Việt của người dân cũng đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Hàng hóa bày bán tại cửa hàng tạp hóa của tiểu thương ở bản Phiêng Ngúa, xã Nậm Chua (huyện Nậm Pồ) hầu hết do Việt Nam sản xuất.

Thực hiện Cuộc vận động, các ngành, các cấp đã tuyên truyền quán triệt sâu sắc nhiệm vụ và giải pháp thực hiện các nội dung chính để bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội của người dân. Trong đó, ngành Công Thương là chủ công trong tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp công nghiệp, thương mại trên địa bàn tích cực hưởng ứng Cuộc vận động, sản xuất các loại hàng hóa chất lượng, phát triển mạng lưới phân phối, hướng về thị trường nội địa, đặc biệt là thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn, miền núi. Từ năm 2018 - 2020, ngành phối hợp tổ chức được 13 phiên chợ thương mại biên giới đưa hàng Việt về nông thôn tại các xã thuộc các huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh như Nậm Pồ, Mường Nhé, Điện Biên Đông... Đây là điều kiện thuận lợi để hàng Việt Nam chính hãng đến tay người tiêu dùng ở vùng cao.

Nhờ đó, nhận thức và thói quen tiêu dùng hàng Việt của người dân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều thay đổi đáng kể: Hàng Việt ngày càng được ưa chuộng, sức tiêu thụ ở các chợ trở nên sôi động hơn, tâm lý tiêu dùng hàng nội đã trở thành thói quen của người dân. Người dân tại các xã, bản chủ yếu thu nhập thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trong khi đó hàng ngoại chất lượng tốt thì giá quá đắt, một số mặt hàng giá thấp thì chất lượng không đảm bảo nên hàng Việt vẫn là sự lựa chọn phù hợp của người tiêu dùng. Hầu hết bà con đã nhận thức rõ hơn về sản phẩm trong nước, hướng dần đến sự cân nhắc, lựa chọn hàng Việt Nam chất lượng cao.

Không cần phải xuống chợ huyện như trước, chị Hảng Thị Dùa, ở bản Ten Hon, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo cũng dễ dàng chọn cho gia đình mình được những mặt hàng có xuất xứ trong nước ngay tại cửa hàng tạp hóa ở bản. Chị Hảng Thị Dùa chia sẻ: “Trước đây ở bản không có cửa hàng tạp hóa, chỉ có một vài hộ bày bán số ít mặt hàng phục vụ đời sống thôi. Bây giờ khác rồi, ngay tại bản có rất nhiều hàng hóa; quan trọng là tất cả đều in chữ Việt nên mình tin tưởng, mình mua về dùng thôi.”

Còn với ông Vàng A Giàng, người dân bản Sam Lang - bản cách trung tâm xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ gần 10km thì mỗi lần xuống chợ là một lần ông mua rất nhiều mặt hàng thiết yếu. Ông Giàng nói: “Nhà tôi ở bản vùng sâu, vùng xa của xã đi lại tương đối khó khăn. Nhưng chỉ cần xuống đến trung tâm xã là có đầy đủ các mặt hàng rồi, giống như ở thành phố vậy, chẳng thiếu thứ gì cả. Tôi cũng ưu tiên mua hàng Việt Nam mình thôi; giá cả phù hợp, chất lượng lại tốt nữa nên nhà tôi ai cũng thích dùng.”

Trung tâm xã Nà Hỳ có gần 100 hộ tiểu thương kinh doanh đa dạng các mặt hàng. Đây cũng là trung tâm của nhiều xã xung quanh khu vực này nên lượng người dân đổ về mua sắm khá đông, nhất là vào các dịp lễ, tết. Vào các thời điểm đó, Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm xã Nà Hỳ đẩy mạnh đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm sử dụng nhiều, như: Bánh kẹo, lương thực, thực phẩm, bia, rượu, nước ngọt… Ngoài ra, xã phối hợp với Đội Quản lý thị trường vận động các tiểu thương, hộ kinh doanh ký cam kết bán hàng đảm bảo chất lượng, niêm yết bán đúng giá; đồng thời khuyến khích nhập và tiêu thụ hàng Việt Nam. Ông Lò Văn Chính, Phó Ban chỉ đạo Ban An toàn thực phẩm xã Nà Hỳ cho biết: “Vào các dịp lễ, tết, đoàn liên ngành của xã tiến hành kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là đối với thực phẩm có lượng tiêu thụ nhiều. Qua các đợt kiểm tra, đa phần các cơ sở đều tuân thủ các điều kiện, quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với hàng hóa trên địa bàn, vào dịp Tết nguyên đán 2022 vừa qua, Ban chỉ đạo xã kiểm tra thì có tới 90% các mặt hàng là của Việt Nam.”

Có thể thấy rằng, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, lợi ích của Cuộc vận động. Người tiêu dùng đã dần hình thành thói quen lựa chọn mua sắm hàng Việt, hàng hóa, sản phẩm của địa phương, tạo động lực sản xuất tại chỗ; nâng cao năng lực nhận biết hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng; một số sản phẩm hàng hóa địa phương bước đầu được xây dựng thương hiệu và mã truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao chuỗi giá trị hàng hóa địa phương. Cũng thông qua Cuộc vận động, chất lượng hàng Việt Nam ngày càng được chú trọng hơn, mẫu mã đa dạng, quyền lợi của người tiêu dùng được đảm bảo.

Bài, ảnh: Diệp Chi

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/199358/thay-doi-nhan-thuc-thoi-quen-tieu-dung-hang-viet