Thắt chặt chi tiêu đối phó 'bão' giá

Giá cả hàng hóa tăng nhanh hơn thu nhập, kinh tế khó khăn khiến nhiều lao động trẻ dù có công việc ổn định nhưng vẫn phải thắt chặt chi tiêu tối đa để đối phó với sự biến động của giá cả và rủi ro.

Chủ động siết chặt chi tiêu để đảm bảo cuộc sống

Từ năm ngoái, do công ty cắt giảm nhân sự nên anh Hoàng Hữu Tuấn (33 tuổi, quận Tân Bình, TPHCM) phải chuyển hướng sang lái xe dịch vụ để duy trì kinh tế của gia đình. Ngoài ra, anh phụ vợ đi lấy hàng về bán online.

Tuy nhiên, công việc này cũng khá bấp bênh do người bán ngày càng nhiều, giá cả cạnh tranh khốc liệt, sức mua lại giảm.

Chị Linh (phố Xuân Quỳnh, TP Hà Nội) thường mua đồ về nấu ăn tại nhà để tiết kiệm (Ảnh: Đức Dương).

“Trước đây, khi nhiều tiền, thi thoảng gia đình tôi đi ăn hàng, đi xem phim, picnic, quần áo và đồ ăn vặt cho con… Bây giờ thu nhập bấp bênh, chúng tôi phải cắt giảm tối đa chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày nhằm đảm bảo các khoản quan trọng khác, nhất là tiền thuê nhà, tiền ăn, học của con và phòng khi cha mẹ ở quê đau ốm”, anh Tuấn chia sẻ.

Chị Nguyễn Thu Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) là nhân viên công ty truyền thông, sự kiện. Lương tháng của chị 10 triệu đồng cộng thêm thu nhập từ nguồn viết bài PR cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc hoạt động cầm chừng khiến chị Hòa bị hụt khoản tiền làm thêm. Chồng chị là viên chức nhà nước nên thu nhập cũng chỉ đủ sống.

Để tiết kiệm chi tiêu, buổi tối chị Hòa dành thời gian nấu ăn luôn cho cả bữa trưa hôm sau thay vì ăn ngoài quán như trước. Chị dậy sớm lo đồ ăn sáng cho cả nhà, mỗi bữa ăn chính của gia đình 4 người không vượt quá 100.000 đồng…

Giờ chị chỉ ưu tiên cho những đồ dùng thiết yếu, “cai” mua sắm. Nhờ vậy, gia đình chị mới tránh được cảnh “bóc ngắn cắn dài”.

Làm gì để tiết kiệm chi tiêu?

Theo chuyên gia kinh tế, PGS, TS Lục Mạnh Hiển, để thắt chặt chi tiêu hợp lý trong thời buổi kinh tế khó khăn, mỗi cá nhân và gia đình cần có những biện pháp chi tiêu thông minh.

“Việc thay đổi thói quen cũng sẽ giúp chúng ta giảm bớt chi tiêu nhưng vẫn đạt mục tiêu của mình. Thay vì ăn sáng ở ngoài, chúng ta có thể cùng nhau dậy sớm để chuẩn bị bữa sáng, tiện thể chúng ta cũng có thể chuẩn bị cho bữa trưa mang đi làm. Điều này còn giúp gia đình thêm gắn kết và hạnh phúc.

Thay vì uống cà phê, trà ngoài quán, chúng ta có thể đến văn phòng pha trà, cà phê cùng uống với đồng nghiệp sẽ tạo thêm sự gắn kết và chia sẻ trong công việc. Thay vì đưa cả gia đình đi ăn uống hoặc du lịch, chúng ta có thể đưa trẻ đến công viên, phố đi bộ, bảo tàng… giúp cho trẻ mở mang kiến thức bổ ích”, ông Hiển nói.

Chuyên gia kinh tế Lục Mạnh Hiển cũng đưa ra lời khuyên cho các gia đình trẻ về cách xây dựng nguyên tắc chi tiêu, bao gồm việc ưu tiên cho những nhu cầu thiết yếu và đầu tư vào những khoản có giá trị lâu dài như thức ăn, giáo dục và y tế…

Đồng thời, chúng ta cần lập kế hoạch và ngân sách hàng tháng để theo dõi thu nhập và chi tiêu để xem xét lại cũng như cắt giảm những khoản không cần thiết, giảm bớt việc mua sắm xa xỉ hoặc hủy các dịch vụ không quan trọng.

Bên cạnh đó là tìm kiếm các ưu đãi và khuyến mãi trên các ứng dụng và trang web để tiết kiệm chi phí khi mua sắm và sử dụng dịch vụ. Nếu có khả năng, gia đình có thể xem xét việc tìm kiếm các nguồn thu nhập thêm nhằm giảm bớt áp lực tài chính.

Đặc biệt, các gia đình trẻ cũng cần giữ một khoản tiền dự phòng nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp không lường trước như mất việc hoặc chi phí y tế; tìm hiểu và nắm vững kiến thức về tài chính cá nhân như: lãi suất, rủi ro đầu tư, cách xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn để có thể quản lý và đầu tư tiền một cách thông minh.

An Nhiên

LĐXH

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/that-chat-chi-tieu-doi-pho-bao-gia-20240412214533443.htm