Thắp sáng nơi đảo xa

Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng đường - điện - trường trạm trên đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đã được Nhà nước đầu tư cơ bản giúp cho bộ mặt, diện mạo của đảo Phú Quý ngày càng khang trang, sạch đẹp, đời sống nhân dân, kinh tế - xã hội được nâng cao hơn trước.

SỨC SỐNG NƠI ĐẢO XA

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và tiếp tục thực hiện Nghị quyết 36 (Khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có thể nói huyện đảo Phú Quý đã nhận được sự đầu tư khá lớn từ đất liền. Hệ thống đường điện trường trạm của huyện đảo đã được đầu tư cơ bản, ổn định, có sự quy hoạch theo từng khu vực các cơ quan chính quyền, đoàn thể, khu dân sinh và khu cảng cá, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản…

Khu vực sản xuất điện từ nguồn máy Diesel.

Huyện đảo Phú Quý có ba xã đảo là xã Long Hải (gồm bốn thôn Tân Hải, Quý Hải, Đông Hải, Phú Long), xã Ngũ Phụng (ba thôn Phú An, Thương Châu, Quý Thạnh) và xã Tam Thanh (gồm các thôn Mỹ Khê, Hội An, Triều Dương) với dân số gần 3 vạn người, có thể nói là huyện đảo có mật độ dân số khá đông so với diện tích đảo hơn 17 km2. Hiện nay, trên đảo đã có đủ trường cho cả ba cấp học.

Trước những năm 2010, điều kiện sống ở huyện đảo Phú Quý còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Phần lớn người dân huyện đảo hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và ngư nghiệp. Do đặc thù vị trí địa lý, người dân địa phương quanh năm gắn bó với biển khơi và hành nghề đánh bắt hải sản trên biển cần có điện sản xuất để làm đá trữ đông hải sản cho những chuyến ra khơi xa. Nhưng từ năm 2014 khi điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt ở đảo được cung cấp đầy đủ 24 giờ đã tạo ra bước phát triển lớn cho kinh tế – xã hội.

Các máy Diesel đang hoạt động sản xuất điện.

Bên cạnh việc đánh bắt, ngư dân còn đầu tư, khai thác hàng trăm héc ta nuôi cá bè trên mặt biển. Nhờ đó, việc khai thác và nuôi trồng thủy sản nhanh chóng trở thành thế mạnh của đảo Phú Quý và đang phát huy được lợi thế khi nguồn du khách đến du lịch ngày càng nhiều hơn.

Trước đây, người dân trên đảo thường nói vui mỗi khi ra khỏi nhà không cần phải “đóng cửa, cài then” ngụ ý trật tự an ninh tốt, đảo thuần túy chỉ người địa phương không có người lạ, đồ đạc, tài sản đơn sơ có giá trị cũng không nhiều. Đến nay, nhờ nguồn điện tại chỗ dồi dào, tài sản có giá trị cũng nhiều lên, người dân bắt đầu mua sắm vật dụng gia đình có giá trị cao như tivi, tủ lạnh, điều hòa, tốc độ xây dựng trên đảo cũng tăng cao nhanh chóng, nhiều ngôi nhà, khách sạn hiện đại đã được mọc lên.

Chính sự quan tâm đầu tư hạ tầng của Nhà nước ngày một lớn, đảo trở thành một địa chỉ du lịch trọng điểm kết hợp hoàn hảo giữa nghỉ dưỡng gắn với tìm hiểu văn hóa, di sản và ẩm thực biển. Hệ thống khách sạn, nhà hàng trên đảo cơ bản đáp ứng các nhu cầu của du khách ghé thăm, nhiều công ty lữ hành, nhiều tập đoàn nghỉ dưỡng đã đặt chân đến đảo tìm phương án đầu tư.

Đảo Phú Quý cũng có rất nhiều cảnh đẹp, có nhiều điểm tham quan hấp dẫn du khách như Hòn Hải, Hòn Trứng, Hòn Khoai và đặc biệt là Hòn Tranh. Trên đảo còn có chùa cổ Linh Quang (xây dựng từ năm 1747), chùa Linh Sơn, đền công chúa Bàn Tranh… với nhiều huyền thoại ly kì, hấp dẫn. Vì thế, mô hình du lịch sinh thái biển, văn hóa đang rất phổ biến trên đảo.

Theo quy hoạch phát triển du lịch huyện đảo Phú Quý của UBND tỉnh Bình Thuận, đến năm 2030 Phú Quý sẽ trở thành khu du lịch cấp tỉnh và là điểm đến hấp dẫn với thương hiệu du lịch biển, đảo độc đáo về nghỉ dưỡng biển, đảo gắn với di sản, tiềm năng văn hóa biển. Phú Quý sẽ phát triển du lịch theo hướng tạo ra sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết hợp thể thao biển, phát triển thành những khu nghỉ dưỡng du lịch cao cấp, đa dạng các loại hình lưu trú khác.

Để các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, du lịch thành hiện thực, điều kiện cần và đủ là nguồn điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và sinh sống phải được cung cấp đầy đủ.

ĐẢM BẢO CUNG ỨNG ĐIỆN 24/24 GIỜ

Do vị trí địa lý nằm cách xa đất liền 56 hải lý, khó kết nối với lưới điện quốc gia nên huyện đảo Phú Quý phải đầu tư nguồn điện tại chỗ. Hiện nay, nguồn điện trên đảo được cung cấp từ ba nguồn là từ máy phát điện Diesel, điện gió và điện mặt trời.

Hệ thống vận hành hỗn hợp Diesel, phong điện và năng lượng mặt trời hiện đại nhất hiện nay.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Tuyên giáo, ông Ngô Văn Huê – Phó Giám đốc điện lực Phú Quý cho biết: “Từ ngày 1/7/2014 đến nay điện lực Phú Quý đã đảm bảo công suất phát điện 24/24 giờ cung cấp điện cho toàn bộ hoạt động đời sống sinh hoạt, sản xuất của huyện đảo. Số xã được cung cấp điện 3 xã, đạt 100%, số hộ cung cấp điện: 7.931 khách hàng, đạt 99,9% số hộ có điện”.

Nhớ lại những ngày đầu thành lập chi nhánh điện Phú Quý, ông Ngô Văn Huê cho biết khi mới vận hành và đầu tư, điện lực Phú Quý chỉ có nhà máy diesel gồm 6 máy diesel với tổng công suất 3MW với 36,1km đường dây trung hạ thế và 31 trạm biến áp, quản lý vận hành lưới điện 22kV cung cấp điện 5 giờ rồi tăng dần lên 12 giờ, 16 giờ trên ngày cho nhân dân trên huyện đảo.

Hệ thống điện năng lượng mặt trời trên đảo.

Năm 2016, Điện lực Phú Quý tiếp nhận vận hành Nhà máy Phong điện Phú Quý (06MW), gồm 3 Tuabin gió Vestas V80-2MW vận hành hỗn hợp với hệ thống Diesel, nâng tổng công suất phát điện trên đảo lên 11MW. Năm 2018, Điện lực Phú Quý được đầu tư mở rộng nguồn diesel thêm 05MW, nâng tổng công suất phát điện trên đảo lên 16MW. Năm 2021, Điện lực Phú Quý được đầu tư thêm 806kWp năng lượng mặt trời.

Hiện, nguồn điện trên huyện đảo Phú Quý được cung cấp điện từ hệ thống máy phát điện diesel vận hành hỗn hợp cùng với hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời, với tổng công suất trên toàn huyện đảo là 16,8MW.

Lưới điện trên huyện đảo Phú Quý cấp điện qua 4 phát tuyến trung thế đi từ nhà máy diesel đến các xã trên toàn huyện đảo, với tổng chiều dài đường dây 0,4 KV: 38,54Km; tổng chiều dài đường dây 22 KV: 44,1Km; tổng số trạm biến áp phân phối: 71 trạm/10.583KVA. Đặc biệt, toàn bộ 100% công tơ trạm biến áp và công tơ khách hàng đều sử dụng công tơ điện tử.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, được sự quan tâm của Tổng Công ty Điện lực miền Nam, Công ty Điện lực Bình Thuận nên điện lực Phú Quý được đầu tư và đưa vào hoạt động dự án “Phát triển và hiện đại hóa hệ thống nguồn - lưới điện huyện Đảo Phú Quý” với việc mở rộng nguồn Diesel, cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện trung hạ thế và xây dựng hệ thống thông tin liên lạc phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh điện trên huyện đảo.

Nhờ sự nâng cấp liên tục và bổ sung nguồn điện từ các dự án phong điện và điện mặt trời, ngoài việc tăng công suất điện lực Phú Quý còn được cung cấp hệ thống SCADA điều khiển giám sát từ xa các thiết bị trên lưới, hê thống tự động sa thải phụ tải theo tần số. Chính nhờ sự ứng dụng công nghệ tiên tiến nay, giúp cho Công ty Điện lực Bình Thuận có thể điều khiển và giám sát các máy phát tại nhà máy điện ở Phú Quý. Dự án “Phát triển và hiện đại hóa hệ thống nguồn - lưới điện huyện Đảo Phú Quý” đã phát triển và hiện đại hóa hệ thống lưới điện, nguồn điện trên huyện đảo và được xem là một trong những dự án hiện đại nhất trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại thời điểm đầu tư.

Việc xây dựng lưới điện huyện đảo Phú Quý là hệ thống lưới điện hiện đại thông minh, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng phù hợp với chiến lược của Tập đoàn Điện lực để trở thành Tập đoàn hàng đầu trong ứng dụng các công nghệ số của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi hoạt động từ sản xuất, truyền tải, phân phối, dịch vụ khách hàng, vận hành hệ thống điện và thị trường điện.

TUYÊN TRUYỀN TIẾT KIỆM ĐIỆN VÀ NÂNG CAO TAY NGHỀ CHO CÁN BỘ, KỸ SƯ

Phú Quý là huyện đảo nằm xa đất liền, điều kiện đi lại và vận chuyển vật tư thiết bị, nhiên liệu rất khó khăn. Khí hậu tại huyện đảo có độ nhiễm mặn cao, vật tư thiết bị thường xuyên bị bám hơi muối biển nên nhanh chóng rỉ sét, hư hỏng gây khó khăn trong công tác quản lý vận hành và sửa chữa lưới điện. Bên cạnh đó, máy móc, thiết bị trong nhà máy vận hành nhiều năm trong môi trường khí hậu khắc nghiệt phát sinh nhiều hỏng hóc về thiết bị và hệ thống điều khiển ảnh hưởng đến công tác vận hành nhà máy, điều này dẫn đến điện lực Phú Quý cần song song làm tốt hai việc. Thứ nhất, tuyên truyền để người dân tiết kiệm điện vào những giờ cao điểm; thứ hai phải thường xuyên nâng cao tay nghề, trình độ để vận hành các tổ máy hoạt động, hạn chế gián đoạn; đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất kinh doanh.

Do chi phí sản xuất và cung cấp điện tại đảo cao hơn nhiều so với đất liền, không mang lại hiệu quả về mặt kinh doanh. Nên để phục vụ điện sinh hoạt, sản xuất và quốc phòng, an ninh trên đảo, bên cạnh công tác đầu tư hệ thống lưới điện, điện lực Phú Quý cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện tiết kiệm điện. Hướng dẫn người dân sử dụng bóng đèn compact tiết kiệm điện thay thế bóng đèn sợi đốt, giảm chi phí tiền điện cho chính người dân và đồng thời giảm áp lực đầu tư nâng cấp nguồn và lưới điện trên đảo, thực hiện chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Thời kỳ mới thành lập, chi nhánh điện lực Phú Quý có 8 cán bộ, đến nay điện lực Phú Quý có 64 cán bộ, công nhân viên, trong đó chỉ có 4 lao động nữ. Do công tác vận hành hệ thống hỗn hợp điện gió – diesel và năng lượng mặt trời khá phức tạp, nên trước đây Công ty Điện lực Bình Thuận cần phải cử cán bộ, kỹ sư từ đất liền ra đảo “trực chiến”. Còn hiện nay, cán bộ nhân viên tại Điện lực Phú Quý đã đủ sức đảm đương nhiệm vụ này. Ông Ngô Văn Huê cho biết điện lực Phú Quý thường xuyên cử cán bộ, người lao động tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao tay nghề của tập đoàn Điện lực; cử người đi đào tạo nghiệp vụ vận hành nguồn diesel tại trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM để đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi vận hành sản xuất, cung ứng điện cho nhân dân xã đảo, huyện đảo.

Để đảm bảo cung cấp điện trên huyện đảo Phú Quý, theo ông Ngô Văn Huê ngành điện lực địa phương phải thường xuyên thực hiện giải pháp sau: Một là, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu dầu Diesel, vật liệu, vật tư thiết bị dự phòng và trang thiết bị nhân sự sẵn sàng vận hành và xử lý sự cố, đảm bảo vận hành hệ thống điện cấp điện cho phụ tải trên đảo. Hai là, thực hiện nghiêm chỉnh kỷ cương, kỷ luật vận hành, nhất là công tác bảo trì, bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa hệ thống điện đảm bảo vận hành cung cấp điện; Ba là, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra phát hiện sớm, khắc phục hoặc thay thế các vật tư thiết bị có khả năng hư hỏng gây sự cố mất an toàn vận hành lưới điện, nhất là các vị trí lèo, các vị trí mối nối, các vị trí họng gió, các vị trí xung yếu, …

Có thể nói, đến thời điểm này hệ thống nguồn điện và lưới điện huyện đảo Phú Quý cơ bản đảm bảo cung cấp điện, nơi đảo xa luôn thắp sáng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng cho mục đích bảo đảm an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao điều kiện đời sống tinh thần và vật cho người dân.

Hùng Phong

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/thap-sang-noi-dao-xa-138925