Thảo luận về công tác phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam

Sáng 1/2/2023, Ban Chỉ đạo Đề án Tổng kết 15 thực hiện Nghị quyết số 27 - NQ/TW, ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về 'xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước' đã họp và thảo luận góp ý, đánh giá kết quả thực hiện tiến độ công việc.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì hội nghị.

Phát biểu đề dẫn tại buổi họp, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu các thành viên của Đề án tập trung góp ý vào việc thực hiện nhiệm vụ của từng bộ, ngành, đơn vị được giao nhiệm vụ, góp ý nhanh về việc tiến độ khảo sát ở các địa phương, các đơn vị liên quan, đóng góp các ý kiến cụ thể, xác đáng đối với các sản phẩm của đề án như Báo cáo Tổng kết, Tờ trình, dự thảo Nghị quyết mới, thảo luận về các nội dung, chủ đề, chủ điểm trong Báo cáo tổng kết và Tờ trình để trình Bộ Chính trị cho ý kiến.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi họp.

Các đại biểu đã tập trung góp ý kiến cho dự thảo bộ sản phẩm Đề án tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW trình Hội nghị trung ương 7 khóa XIII, trong đó tập trung đánh giá đúng thực tế, khách quan việc tổ chức thực hiện và kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kết luận số 52-KL/TW; xác định những điểm nghẽn/nút thắt và nguyên nhân; đề xuất những nội dung, phương hướng, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030; tầm nhìn 2045.

Các đại biểu đều thống nhất sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng lẫn chất lượng, phát huy vai trò của trí thức trong mọi đời sống xã hội. Tuy nhiên, đội ngũ trí thức nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cơ cấu đội ngũ trí thức còn nhiều bất hợp lý về khu vực, vùng miền, ngành nghề, độ tuổi... Trí thức tinh hoa và hiền tài còn ít, chuyên gia đầu ngành và các chức danh tương đương còn thiếu nghiêm trọng, đội ngũ kế cận có dấu hiệu hụt hẫng, chưa có nhiều tập thể khoa học, giáo dục- đào tạo, văn hóa, kinh tế mạnh, có uy tín ở khu vực và quốc tế.

Góp ý vào nội dung và bố cục dự thảo Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng đội ngũ trí thức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần làm rõ nội hàm khái niệm trí thức, nhất là đội ngũ trí thức làm việc trong các ngành "công nghiệp mới, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật..." - đây đều là những những lĩnh vực tri thức mang nội hàm liên quan đến công nghệ số, nhưng mỗi lĩnh vực lại có sự chuyên biệt riêng, do đó cần phải phân tích rõ. Đồng chí cũng đề nghị nhóm giúp việc thực hiện Đề án và các chuyên gia cần cụ thể, chi tiết từng giá trị nội hàm của các khái niệm, tránh để có thể hiểu nhiều cách.

Về mặt quan điểm, theo đồng chí Vũ Hải Quân, cần viết rõ: "Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm chung của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trong đó trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giữ vai trò quyết định" nên được đặt riêng thành một mệnh đề, không nên ghép như dự thảo hiện nay.

Góp ý tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Việc chưa có tập thể mạnh về khoa học và giáo dục hiện nay có thể do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó là công tác đầu tư và đãi ngộ chưa thực sự tương xứng, số lượng nghiên cứu sinh và sau đại học của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, do đó, việc yếu và thiếu về số lượng và cả chất lượng cũng là điều dễ hiểu. Thực tiễn có một số địa phương, một số ngành cho chủ trương ưu đãi nhân tài nhưng mỗi nơi thực hiện chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" một kiểu, chưa có một quy trình, hướng dẫn chuẩn; thêm nữa các cán bộ có trình độ, bằng cấp được trải thảm đỏ mời về các địa phương nhưng khi giao việc thực tế là "trái giò" không đúng với chuyên ngành đạo tạo nên ít nhiều không phát huy được hết khả năng, cống hiến.

Tại buổi họp, đồng chí Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đề nghị Tổ giúp việc Đề án cần điều chỉnh nội dung, cấu trúc, thay đổi nội hàm khái niệm trong Dự thảo. Đối với phần đánh giá chung về mục tiêu cần viết gọn, nội dung đánh giá tổng kết gắn với các trọng tâm, trọng điểm, chủ trương, chủ điểm. Đánh giá cụ thể hơn nữa phần tổng kết cái được của các mô hình thực tiễn cần nhân rộng, học tập; đổi mới cách viết thuyết phục hơn.

Phát biểu tổng kết cuộc họp, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa lưu ý các thành viên Đề án cần làm rõ hơn nữa vai trò của "đội ngũ trí thức là người dân tộc hoặc đang công tác tại các khu vực đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, cần có thêm đánh giá cụ thể, thiết thực về đội ngũ trí thức này.

Đồng chí cũng nhấn mạnh, thực tiễn 15 năm qua đã có nhiều thay đổi, từ bối cảnh cho đến hiện thực, do đó việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW cần phải được làm sớm, đồng thời ban hành một Nghị quyết mới về lĩnh vực này để phát huy hơn nữa đóng góp và vai trò của đội ngũ trí thức. Đồng chí cũng lưu ý dự thảo Nghị quyết mới cần được hành văn dễ nhớ, dễ hiểu, để khi thể chế hóa từ Nghị quyết sang pháp luật Nhà nước, các điều luật, khái niệm được rõ ràng, khả thi, dễ vận dụng. Đồng thời Nghị quyết mới cần gợi mở cơ chế, chính sách thực hiện, làm cho đội ngũ trí thức, các nhà khoa học "sống bằng nghề" và có nhiều cố gắng, đóng góp cho sự phát triển của đất nước./.

Trọng Đạt

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/thao-luan-ve-cong-tac-phat-trien-doi-ngu-tri-thuc-viet-nam-143235