Thảo luận về biến đổi khí hậu ở châu Á: Trẻ em là trung tâm

Đây là nhận định được bà Hanneke Oudkerk, Giám đốc Tổ chức viện trợ quốc tế ChildFund International khu vực châu Á; và bà Gurpreet K. Bhatia, cố vấn cấp cao về truyền thông châu Á thuộc tổ chức này, đưa ra trong một bài viết trên Tạp chí Nikkei Asia.

Trẻ em được sơ tán khỏi một khu vực bị ngập lụt ở tỉnh Balochistan, Pakistan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Bài viết cho hay, tác động của biến đổi khí hậu đang được cảm nhận một cách sâu sắc trong cuộc sống của người dân trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, thế hệ trẻ nhất lại hứng chịu gánh nặng sâu sắc nhất.

Qua đó, cần có những chiến lược đổi mới sáng tạo, hành động hợp tác giữa các thế hệ và nỗ lực phối hợp để đưa tiếng nói và nhu cầu của trẻ em lên hàng đầu, nhằm giảm thiểu thảm họa khí hậu.

Nguy cơ cao

Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), hơn 1 tỷ trẻ em trên toàn cầu đối mặt với “nguy cơ cực kỳ cao” trước tác động của biến đổi khí hậu. Việc không hành động để giải quyết các tác động của biến đổi khí hậu sẽ làm trầm trọng thêm những bất công mà trẻ em phải gánh chịu, và đẩy các gia đình sống trong hoàn cảnh thiếu thốn vào bờ vực nghèo đói. Điều này sẽ khiến cuộc sống của con cái họ gặp thêm nguy hiểm.

Trong một động thái liên quan, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã xác định châu Á là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Thật vậy, mặc dù khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi có các nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng đây cũng là khu vực có 13 trong số 30 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Các hiện tượng thời tiết cực đoan, chẳng hạn như sóng nhiệt, bão và lũ lụt làm gián đoạn các hệ thống lương thực, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, gián đoạn giáo dục, di dời, di cư, các vấn đề về sức khỏe tâm thần, mất sinh kế, nguy cơ bạo lực và bóc lột trẻ em gia tăng.

Cũng theo UNICEF, hơn 210 triệu trẻ em ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lốc xoáy; 140 triệu trẻ em đối mặt với tình trạng khan hiếm nước; 120 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ven biển, và 460 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí.

Trong khi đó, báo cáo kỹ thuật hàng năm về rủi ro thiên tai toàn cầu WorldRiskReport, được công bố hồi năm ngoái bởi Bundnis Entwicklung Hilft, một liên minh gồm các tổ chức cứu trợ và phát triển của Đức, đã xếp hạng Philippines cao nhất thế giới về rủi ro thiên tai; đứng ngay sau đó là Ấn Độ và Indonesia.

Cần hành động

“Nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã cam kết đạt được mức trung hòa carbon trong các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu; song, khu vực này vẫn chịu trách nhiệm cho hơn một nửa lượng khí thải toàn cầu. Một điều hiển nhiên là để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, các quốc gia cần đẩy nhanh tiến độ đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, tác giả của bài viết lưu ý.

Qua đó, bà Hanneke Oudkerk và bà Gurpreet K. Bhatia cho rằng, cần hành động ngay lập tức để xây dựng khả năng phục hồi của trẻ em, các gia đình, cộng đồng và dịch vụ xã hội, nhằm giảm thiểu rủi ro mà trẻ em phải đối mặt từ những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra.

Để xây dựng khả năng phục hồi của trẻ em nhằm ứng phó với khủng hoảng khí hậu, cần nỗ lực nâng cao năng lực thích ứng của các em, đồng thời đảm bảo tiếng nói của các em được lắng nghe và hành động, cũng như nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng của các em. Từ đó, các em có thể tham gia vào việc tạo ra một tương lai bền vững trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Quyền và tiếng nói của trẻ em cần được tập trung và lồng ghép trong việc thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ở các cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế, để ngăn chặn khí thải toàn cầu và hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 1,5 độ C.

Trong tháng 11 tới đây, các quốc gia trên thế giới sẽ đánh giá tiến độ thực hiện các kế hoạch hành động theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của LHQ (UNFCCC) ở Dubai. “Chúng ta cần đưa tiếng nói của trẻ em và thanh niên vào trung tâm của mọi lộ trình hành động vì khí hậu trong tương lai. Mọi chính phủ cần nâng cao giáo dục về khí hậu và các kỹ năng việc làm xanh cho trẻ em và thanh niên, để họ có thể đóng góp và tham gia vào chính sách và hành động về khí hậu”, bài viết kết luận.

Lê Thảo (Lược dịch từ Nikkei Asia)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/thao-luan-ve-bien-doi-khi-hau-o-chau-a-tre-em-la-trung-tam-134066.html