THẢO LUẬN TỔ VỀ DỰ ÁN LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI): TIẾP TỤC RÀ SOÁT QUY ĐỊNH VỀ THU THẬP CHỨNG CỨ TRONG HOẠT ĐỘNG XÉT XỬ

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội thảo luận lần đầu đối với dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Một trong những nội dung sửa đổi của dự thảo Luật là về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ. Thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với quy định của dự thảo luật nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn và đề nghị nghiên cứu để làm rõ một số nội dung.

Dự thảo Luật quy định: “(1)… Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. (2). Tòa án hướng dẫn, yêu cầu đương sự thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ việc dân sự, vụ án hành chính. (3). Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật”.

Thảo luận tại tổ nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với dự thảo Luật quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ để đảm bảo nguyên tắc xét xử độc lập; quy định này là khoa học, khách quan, có lợi cho người dân. Quy định này phù hợp với trình độ dân trí của người dân hiện nay; người dân có quyền mời luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến không tán thành với dự thảo Luật quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Bởi vì Nghị quyết 27-NQ/TW yêu cầu “Nghiên cứu làm rõ… những trường hợp tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử”, yêu cầu này phải được thể chế hóa. Mặt khác, quy định về thu thập chứng cứ phải phù hợp với điều kiện về kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, số vụ việc, vụ án có luật sư tham gia, truyền thống pháp luật của nước ta. Do đó, Luật cần quy định theo hướng thuận lợi cho người dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre

Theo đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, quy định của dự thảo Luật là sự thay đổi có tác động lớn. Bởi nếu quy định này cùng với dự thảo Luật được thông qua trong thời gian tới sẽ góp phần làm giảm áp lực cho tòa án. Bởi trong thực tiễn áp lực trong việc giải quyết các vụ việc của tòa án phần lớn bị ảnh hưởng bởi trách nhiệm thu thập chứng cứ này, từ đó dẫn đến là áp lực trong quá trình giải quyết và tình trạng quá hạn giải quyết, xét xử của tòa án. Nay dự thảo Luật quy định theo hướng tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ với nhữn lý do được nêu ra trong Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao là có cơ sở. Bởi nếu như thẩm phán là người trực tiếp đi thu thập chứng cứ sẽ không đảm bảo sự khách quan.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi cũng bày tỏ còn có băn khoăn đối với quy định này, bởi, Tòa án nhân dân thu thập chứng cứ cũng đã rất khó, có khi liên hệ với các cơ quan gửi văn bản yêu cầu cung cấp giấy tờ để phục vụ cho công tác xét xử nhưng các cơ quan không cung cấp, không trả lời hoặc bảo hồ sơ mất lưu trữ không còn. Nay dự thảo Luật quy định chuyển giao trách nhiệm đó cho người dân thì liệu rằng người dân có thực hiện được quyền đó hay không? Từ phân tích trên, đại biểu đề xuất có thêm quy định tăng cường trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc cung cấp các thông tin, tài liệu khi mà các bên đương sự có yêu cầu.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng việc dự thảo Luật quy định Tòa án hỗ trợ thu thập chứng cứ cho đương sự là người yếu thế trong xã hội thể hiện được tính nhân văn. Tuy nhiên, đại biểu cũng đặt vấn đề người yếu thế trong xã hội cần được có những hỗ trợ, có chế độ chính sách an sinh và trợ giúp nhưng mọi người đều phải công bằng trước pháp luật. Do đó, việc dự thảo Luật quy định người yếu thế được hỗ trợ trong việc thu thập chứng cứ liệu có công bằng cho những đối tượng khác hay không?

Thảo luận tại Tổ 09 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Phú Yên, Bến Tre

Trước băn khoăn về việc đương sự tự thu thập và cung cấp chứng cứ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh cho biết thêm, Luật Khiếu nại hiện nay đang quy định người đi khiếu nại cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc là thông qua luật sư. Tuy nhiên đến luật sư hiện nay đề nghị cơ quan nhà nước cung cấp tài liệu cũng còn có những khó khăn. Đối với hình sự thì cơ quan điều tra có nghiệp vụ đầy đủ nhưng đối với dân sự như trong những vụ việc tranh chấp đất đai thì hồ sơ, tài liệu do cơ quan quản lý nhà nước lưu giữ. Liên quan đến việc hướng dẫn thu thập chứng cứ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Lê Quốc Chỉnh cho rằng ở đây đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp của thẩm phán để bảo đảm khách quan.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận đồng tình với Tờ trình của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc sửa đổi theo hướng Tòa án cơ bản không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự để bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc độc lập, khách quan trong xét xử của Tòa án. Tuy nhiên trong Nghị quyết 27-NQ/TW yêu cầu cần nghiên cứu làm rõ những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ trong hoạt động xét xử. Do đó, đại biểu Trần Hồng Nguyên đề nghị có nghiên cứu bổ sung quy định về một số trường hợp Tòa án sẽ thực hiện thu thập chứng cứ như: Đối với những vụ án hình sự, Tòa án có thể thu thập chứng cứ trong trường hợp để bảo vệ lợi ích công cộng hoặc lợi ích của Nhà nước; hoặc trong trường hợp bị cáo hoặc đương sự có nguyện vọng cung cấp trực tiếp chứng cứ, tài liệu cho Tòa án. Đối với những vụ việc dân sự, vụ án hành chính, Tòa án có thể thu thập tài liệu, chứng cứ trong các trường hợp không thể tự mình thu thập được.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thảo luận tại Tổ 15

Đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cũng cho biết Nghị quyết 27-NQ/TW không đặt ra vấn đề bỏ thẩm quyền thu thập chứng cứ của Tòa án mà chỉ đặt ra vấn đề làm rõ những trường hợp Tòa án thu thập chứng cứ, cả vụ án hình sự, dân sự và hành chính. Vì vậy, dự thảo Luật cần phải cân nhắc quy định thẩm quyền của Tòa án trong thu thập chứng cứ, còn thu thập chứng cứ trong trường hợp cụ thể nào sẽ do các luật tố tụng quy định.

Đại biểu Dương Bình Phú chỉ rõ, thực tiễn giải quyết vụ án hình sự cho thấy thì một số trường hợp Tòa án cần thiết là phải thu thập chứng cứ như tại khoản 1, khoản 3 khoản 4 Điều 252 Luật Tố tụng hình sự. Ngoài ra, dự thảo Luật đề xuất là Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật sẽ dẫn tới vướng mắc nếu luật được thông qua. Bởi người yếu thế trong xã hội sẽ được xác định như thế nào? Việc áp dụng pháp luật không thống nhất, nội hàm khái niệm hỗ trợ chưa rõ ràng, trong trường hợp có hỗ trợ mà đương sự vẫn không thể thu thập được chứng cứ thì giải quyết thế nào? Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và chỉnh lý nội dung cho phù hợp và bảo đảm tính khả thi.

Đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại Tổ 09

Theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, Tòa án là cơ quan xét xử, không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ. Tuy nhiên thực tế có nhiều vụ án, nhất là các vụ án hành chính, khi Tòa án có yêu cầu cung cấp chứng cứ nhưng các cơ quan, đơn vị không cung cấp, làm mất thời gian, chậm trễ, nhiều vụ án phải hoãn. Do đó, khoản 4 Điều 15 quy định: “các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật cho đương sự khi có yêu cầu” là rất khó khả thi, sẽ gây khó khăn cho các đương sự trong quá trình tham gia tố tụng. Vì không có chế tài, không có biện pháp bắt buộc các cơ quan được yêu cầu cung cấp chứng cứ. Do đó, đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ hơn và có chế tài.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng cũng làm rõ, thực tiễn hiện nay khi trình độ dân trí này ý thức hiểu biết pháp luật của người dân mà nhất là đối với người lao động, công nhân lao động còn hạn chế. Trong khi cơ chế luật sư bào chữa, người bào chữa hay trợ giúp pháp lý chưa đáp ứng được hết yêu cầu của người dân. Việc người dân phải tự mình thu thập chứng cứ trong các vụ án hành chính, vụ việc dân sự và đặc biệt là thu thập chứng cứ từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội và doanh nghiệp là một thách thức hết sức là to lớn, vì không có đủ điều kiện, không có đủ năng lực, không có đủ khả năng để yêu cầu cung cấp. Trong khi Tòa án có công cụ, có nghiệp vụ để tác nghiệp và từ trước đến nay đã làm. Mặt khác, việc đề xuất bỏ thu thập chứng cứ do Tòa án tiến hành chưa được thực hiện đồng thời với việc tổng kết, đánh giá thi hành các đạo luật có liên quan để chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế từ nguyên nhân đưa ra giải pháp.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng thảo luận tại Tổ 11

Làm rõ quy định điều chỉnh nhiệm vụ của Tòa án trong việc thu thập chứng cứ, đại biểu Mai Khanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay Luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính đều quy định Tòa án chủ động thu thập chứng cứ theo yêu cầu của đương sự. Quy định này thực tế đang ra gây ra rất nhiều những hệ lụy trong ngành Tòa án cũng như liên quan đến tính khách quan của Tòa án. Bởi một khi một bên đương sự yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ thì Tòa án phải làm việc với các cơ quan chức năng để thu thập các chứng cứ theo cái yêu cầu của đương sự. Điều này dẫn đến phía bên kia cho rằng hoạt động Tòa án là làm theo yêu cầu của bên này và ảnh hưởng đến tính khách quan. Đây là sự hiểu sai về hoạt động của Tòa án.

Mặt khác, Bộ luật Dân sự hiện nay đề cao công tác tranh tụng tại phiên tòa. các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội cũng đều yêu cầu là chú trọng các hoạt động tranh tụng tại phiên tòa và kết quả phán quyết của Tòa án phải chủ yếu dựa trên hoạt động tranh tụng.

Theo đại biểu Mai Khanh khó khăn trong việc thu thập chứng cứ không chỉ có đương sự mà chính Tòa án cũng gặp phải. Điều này xuất phát từ khiếm khuyết trong xây dựng pháp luật khi thiếu đi quy định về chế tài áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp chứng cứ cho đương sự hay cho các cơ quan tư pháp.

Đại biểu Mai Khanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình thảo luận tại Tổ 12

Về hỗ trợ người yếu thế, vùng sâu, vùng xa thì đây phải là trách nhiệm của tất cả các cơ quan trong hệ thống trong đó có hỗ trợ hoạt động tư pháp khi tham gia vào các hoạt động tố tụng. Do đó đại biểu đề nghị với Quốc hội, Tòa án phải nghiên cứu song song với dự án Luật này để bổ sung vào một số những luật như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương hay một số luật khác liên quan đến hành chính địa phương để bổ sung chế tài về việc xử lý trong những trường hợp không cung cấp chứng cứ cho người dân.

Đại biểu Mai Khanh nhấn mạnh cần phải tạo ra thói quen pháp lý, thói quen tư pháp của xã hội văn minh. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức pháp nhân được giao nhiệm vụ trợ giúp pháp lý, giúp đỡ về mặt tố tụng cho những đối tượng yếu thế, những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=82392