THẢO LUẬN TỔ 8: CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU CÂN NHẮC VIỆC ĐỔI TÊN TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP TỈNH, HUYỆN

Chiều ngày 9/11, tiếp tục kỳ họp thứ 6, Quốc hôị̣ khóa XV, Quốc hội thảo luận tại tổ cho ý kiến vào dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Thảo luận tại tổ 8, nhiều đại biểu băn khoăn về việc đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện và cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.

Tổ 8 gồm các Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ và các tỉnh Điện Biên, Vĩnh Long, Bình Định

Nhằm đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quy định tổ chức Tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Ví dụ: Tòa án nhân dân phúc thẩm Hà Nội, Tòa án nhân dân sơ thẩm Hoàn Kiếm….Theo cơ quan soạn thảo, sự thay đổi này nhằm thể chế hóa nhiệm vụ “bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử” được đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Quy định này phù hợp với truyền thống tư pháp nước nhà khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập các Tòa án của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phù hợp với quy định của Hiến pháp “Tòa án là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; đồng thời, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Tòa án.

Chính phủ cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân sơ thẩm khi các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp sơ thẩm có đủ năng lực điều tra, truy tố, xét xử tất cả các loại vụ việc. Tòa án nhân dân phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ chính yếu là xét xử theo thủ tục phúc thẩm.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang, đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng, việc đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện nhằm thể chế hóa Nghị quyết 27: bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; bảo đảm độc lập giữa các cấp xét xử. Đây là nội dung quan trọng trong cải cách tư pháp. Tuy nhiên, dự thảo Luật mới chỉ thay đổi tên gọi, chưa làm rõ nội dung thay đổi chức năng, quyền hạn, mô hình tổ chức của Tòa án nhân nhân cấp tỉnh và cấp huyện.

Đại biểu Quốc hội Lê Kim Toàn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Đại biểu Quốc hội Lê Kim Toàn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định

Cũng băn khoăn về quy định này, đại biểu Quốc hội Lê Kim Toàn, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, tòa án các cấp có mối quan hệ theo thẩm quyền xét xử và theo cấp hành chính. Nếu dự thảo Luật quy định hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, sẽ có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ theo cấp hành chính giữa tòa án các cấp và mối quan hệ giữa tòa phúc thẩm và sơ thẩm. Trong khi đó, dự thảo Luật cũng chưa nêu rõ thẩm quyền của tòa phúc thẩm có được xét xử sơ thẩm không? Theo đó, đại biểu Lê Kim Toàn đề nghị, vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu để bảo đảm được cả hai mối quan hệ theo thẩm quyền xét xử và theo cấp hành chính giữa tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

Cũng cho ý kiến về nội dung đổi tên Tòa án cấp tỉnh tòa án cấp huyện thành tòa án phúc thẩm và tòa án sơ thẩm, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách tỉnh Điện Biên cũng không tán thành với việc đổi tên như vậy.

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách tỉnh Điện Biên

Đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách tỉnh Điện Biên

Lý do được đại biểu Lò Thị Luyến đưa ra, thứ nhất, việc đổi tên nhưng cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án không thay đổi. Chưa phân cấp thẩm quyền xét xử sơ thẩm cho Tòa án nhân dân sơ thẩm mà Tòa án nhân dân phúc thẩm vẫn sẽ xét xử sơ thẩm vụ việc theo quy định của pháp luật (khoản 1 Điều 55 Dự thảo Luật).

Thứ hai, việc tổ chức Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm vẫn được tổ chức và có thẩm quyền theo địa hạt tương ứng với các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện cũng không thể chế được theo hướng sắp xếp lại tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Thứ ba: Lãng phí ngân sách dành cho việc đổi tên (thay con dấu, biển tên cơ quan). Thứ tư, Người dân đang quen với tên gọi hiện hành của Tòa án nhân dân (cấp huyện, cấp tỉnh), tên gọi này đang ăn sâu vào tiềm thức của người dân.

Trong khi đó, theo đại biểu Lò Thị Luyến, hiện ý kiến của đa số các cơ quan như Thường trực Ủy ban Pháp luật, Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị báo cáo rõ hơn về sự cần thiết và tác động của việc đổi mới này. Chính phủ, Bộ Công an. Còn đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cân nhắc kỹ việc đổi tên các Tòa án. Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị không đổi tên các Tòa án

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Ủy ban Tư pháp cho biết, đa số ý kiến không tán thành với dự thảo Luật. Lý do là việc “đổi tên gọi” này chỉ là vấn đề hình thức, chỉ thay đổi tên gọi mà không thay đổi về nội dung. Các Tòa án này vẫn gắn với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và giữ nguyên về thẩm quyền. Vì vậy, chưa đáp ứng yêu cầu “bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử.

Bên cạnh đó, việc thay đổi này dẫn tới không tương thích về tổ chức với các cơ quan tư pháp khác ở địa phương (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát…); phải sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp, như: các luật tố tụng để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời phát sinh chi phí tuân thủ như phải sửa con dấu, biển hiệu, các loại mẫu giấy tờ,… Do đó, đề nghị giữ nguyên tên gọi của Tòa án nhân dân cấp huyện, tòa án nhân dân cấp tỉnh như quy định của Luật hiện hành.

Tuy nhiên vẫn có ý kiến tán thành và cho rằng, việc đổi mới các Tòa án khẳng định đúng bản chất để bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; quan hệ giữa các Tòa án là quan hệ tố tụng, không phải là quan hệ hành chính và bảo đảm nguyên tắc độc lập giữa các cấp xét xử. Việc đổi mới các Tòa án này không ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của cơ quan dân cử đối với TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm; không ảnh hưởng đến quan hệ phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp; không xáo trộn về tổ chức cán bộ, không tăng đầu mối, biên chế.

Một số hình ảnh tại phiên họp tổ 8 về Luật Tòa án (sửa đổi):

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 8

Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ 8

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình ĐỊnh tham gia phiên thảo luận Tổ 8

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình ĐỊnh tham gia phiên thảo luận Tổ 8

Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia phiên thảo luận tổ 8

Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia phiên thảo luận tổ 8

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách thành phố Cần Thơ phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu Đào Chí Nghĩa, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách thành phố Cần Thơ phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu Tráng A Tủa, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận

Đại biểu Tráng A Tủa, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên phát biểu tại phiên thảo luận

Hải Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=82005