THẢO LUẬN TỔ 14: XÁC ĐỊNH LỘ TRÌNH PHÙ HỢP ĐỂ ĐỔI MỚI TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN THEO THẨM QUYỀN XÉT XỬ

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 09/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Tổ 14 gồm các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Hải Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp. Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng cần xác định lộ trình phù hợp để đổi mới tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện theo thẩm quyền xét xử.

Trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) được xây dựng để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) quán triệt quan điểm chỉ đạo thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW. Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Dự án luật được xây dựng hướng đến đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án phải phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, các nguyên tắc cơ bản về tổ chức, hoạt động của Tòa án nhằm bảo đảm các Tòa án được tổ chức và hoạt động độc lập theo thẩm quyền xét xử; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập chỉ tuân theo pháp luật. Kế thừa những quy định phù hợp, sửa đổi những quy định không còn phù hợp; bổ sung những vấn đề mới nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; đồng thời, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Tham gia thảo luận tại phiên họp tổ số 14, các đại biểu cho rằng, Hồ sơ dự án Luật đã được Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thảo luận.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ, dự thảo Luật quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ là phù hợp với thông lệ của các nước có nền tư pháp phát triển và sự phát triển của nền tư pháp nước ta. Khoản 1 Điều 15 quy định: “…Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”. Tuy nhiên, khoản 3 điều này quy định: “3. Tòa án hỗ trợ đương sự là người yếu thế trong xã hội thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo quy định của pháp luật”.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Mặt khác, nguyên tắc tranh tụng và nguyên tắc Tòa án điều tra, thu thập chứng cứ là hai nguyên tắc trái ngược nhau. Nếu loại bỏ hoàn toàn nguyên tắc Tòa án điều tra, thu thập chứng cứ bằng quy định tại khoản 1 Điều 15 “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”, thì phải định hướng và có những quy định cụ thể để thực hiện nguyên tắc tranh tụng, nghĩa là chứng cứ hoàn toàn do các bên cung cấp, “Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ”.

Đại biểu cũng cho rằng, việc đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử là phù hợp với định hướng phát triển lâu dài của Tòa án, nên cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, xác định được thời điểm, lộ trình phù hợp, khi đủ điều kiện để Tòa án nhân dân phúc thẩm chỉ thực hiện xét xử phúc thẩm theo đúng mục tiêu “Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử” thì tiếp tục đề xuất việc sửa đổi trong tổ chức và hoạt động của Tòa án. Trong thời điểm hiện tại, khi hệ thống Tòa án hiện hành chưa đảm bảo được điều kiện tổ chức theo thẩm quyền xét xử thì việc duy trì hệ thống Tòa án hiện tại là phù hợp, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho biết, dự thảo Luật đã làm rõ việc thực hiện quyền tư pháp của Tòa án. Quyền tư pháp có một số đặc trưng gồm: được thực hiện bởi các tòa án độc lập, chỉ tuân theo pháp luật; chỉ tuân theo một quy trình tố tụng nghiêm ngặt; có hiệu lực bắt buộc, các tổ chức, cá nhân phải nghiêm chỉnh chấp hành; được bảo đảm thi hành bằng quyền lực nhà nước trong phạm vi toàn quốc bởi cơ quan thi hành án chuyên trách; phán quyết tư pháp không bị thay đổi tùy tiện trừ khi bị chính Tòa án thay đổi hủy bỏ theo đúng thẩm quyền trình tự luật định; phán quyết tư pháp tuân thủ đầy đủ quy trình tố tụng, nhưng vẫn có sai sót, thì bị kháng cáo, kháng nghị, và được miễn trừ trách nhiệm nếu không phải do lỗi chủ quan. Đại biểu cơ bản đồng tình những quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật đã thể hiện rõ được những đặc trưng cơ bản của quyền tư pháp.

Cho ý kiến về nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp, một số ý kiến cho rằng, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính phủ không quy định nội dung quyền lập pháp, quyền hành pháp. Khi xây dựng và ban hành Nghị quyết 27, Ban Chấp hành Trung ương Đảng không đưa nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp vào Nghị quyết. Việc làm rõ nội dung Tòa án thực hiện quyền tư pháp là vấn đề lớn, phức tạp, có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp khác nhưng vẫn chưa có sự thống nhất cao. Do đó, các đại biểu đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật, mà cần xác định nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Tòa án để quy định cho phù hợp và có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, về xét xử vi phạm hành chính, Nghị quyết của Đảng đã nêu rõ về việc mở rộng thẩm quyền của cơ quan tòa án sang xét xử vi phạm hành chính, nhưng để chuẩn bị tốt cho một nhiệm vụ mới, lực lượng tòa án cần có sự chuẩn bị tốt, tránh gây áp lực quá lớn lên đội ngũ thẩm phán, vốn đã có khối lượng công việc lớn. Đại biểu cho biết, nội dung này chưa được quy định một cách rõ ràng trong luật, đặc biệt là thẩm quyền xét xử vi phạm hành chính, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ nội dung này.

Đối với nội dung về Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, có ý kiến đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo Quốc hội rõ thêm về thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt cụ thể, số lượng và địa hạt pháp lý các Tòa án này; quy định ngay trong dự thảo Luật các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt; chỉ giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về số lượng, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ Tòa án này. Việc quy định trong tổ chức Tòa án nhân dân có Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt cần có ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Minh Hùng - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=81986