THẢO LUẬN TỔ 02 VỀ DỰ ÁN LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM (SỬA ĐỔI)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 25/10, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Thảo luận ở Tổ 2 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Thành phố Hồ Chí Minh, Cao Bằng, Hải Dương, Quảng Bình, Gia Lai, Vĩnh Long.

Toàn cảnh phiên thảo luận ở Tổ 2 về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Đồng chí Y Thanh Hà Nie Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Tổ trưởng Tổ 2 điều hành nội dung thảo luận.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; kiến tạo, phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, minh bạch, bền vững, hiệu quả, tiệm cận với các thông lệ quốc tế, nâng cao khả năng cạnh tranh và cùng với thị trường tiền tệ - tín dụng và thị trường chứng khoán trở thành các kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế. Đa số ý kiến đánh giá hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đóng góp ý kiến về nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, đánh giá cao Tờ trình và hồ sơ dự án Luật do Chính phủ trình, sau 2 lần Ủy ban Kinh tế thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ đã tiếp thu và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp này.

Qua nghiên cứu quá trình thực thi Luật Kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Đình Việt nhận thấy Luật đã phát huy tác dụng trong thực tiễn, tạo khuôn khổ pháp lý cao cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm, góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đình Việt - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Nguyễn Đình Việt cho rằng, sau 20 năm thực thi, Luật có nhiều bất cập cần sửa đổi, nhiều nội dung mâu thuẫn và không đồng bộ với hệ thống pháp luật chung. Do vậy, đề nghị cần thiết phải sửa đổi để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất cho Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Về kết cấu, dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 56 điều. Tuy nhiên theo đại biểu Nguyễn Đình Việt, bố cục của dự thảo Luật còn chưa hợp lý. Đại biểu nêu dẫn chứng, Chương 3 quy định về doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm. Tuy nhiên, riêng nội dung tài chính, hạch toán kế toán, báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp tái bảo hiểm lại quy định ở một chương riêng (Chương 6). Kết cấu như vậy chưa phù hợp, do đó đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu bố cục lại các nội dung hợp lý hơn.

Tại Khoản 2 Điều 3 của dự thảo luật không phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Đình Việt đề nghị bỏ nội dung này trong dự thảo Luật.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính, đại biểu nhận thấy, với yêu cầu ngày càng cao việc tinh gọn bộ máy, việc Bộ Tài chính chủ trì và thực hiện nhiệm vụ liên quan đến tổ chức thi, cấp chứng nhận là không phù hợp. Đặc biệt với nhu cầu xã hội hóa ngày càng cao, cơ quan quản lý Nhà nước trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ như Dự thảo đã nêu là chưa phù hợp. Đại biểu Nguyễn Đình Việt đề nghị chỉ nên nghiên cứu ban hành các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh doanh bảo hiểm thì phù hợp hơn.

Hiệu lực thi hành được quy định trong dự thảo Luật là từ ngày 01/07/2023, đại biểu Nguyễn Đình Việt cho rằng, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, sau 1 năm khi Quốc hội dự kiến thông qua dự thảo Luật (tháng 5 năm 2022) thì luật mới có hiệu lực thi hành, quy định thời hạn như vậy quá chậm, không đảm bảo sự cần thiết sửa đổi như trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Đề nghị cần quy định thời hạn sớm hơn (thông thường chỉ khoảng 6 tháng sau khi được Quốc hội thông qua).

Đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh

Phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 2, đại biểu Nguyễn Minh Đức - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các điểm trùng lặp trong dự thảo Luật hoặc chưa thống nhất với các luật liên quan như với Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản…

Về bảo hiểm bắt buộc (Điều 9), Điểm a và c của Khoản 2 đều ghi đầy đủ, dùng từ “bảo hiểm bắt buộc”, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị Điểm b Khoản 2 cũng nên ghi đầy đủ cho rõ nghĩa là “bảo hiểm bắt buộc về cháy nổ” chứ không phải chỉ ghi “bảo hiểm cháy nổ”.

Đề cập về hành vi nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Điều 10), đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng có nhiều hành vi phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng có những hành vi lừa dối chưa đến mức hình sự, chỉ cần xử phạt hành chính, hành vi che giấu thông tin hay những hành vi “cò mồi”, làm phiền, quấy nhiễu… đề nghị nên bổ sung thêm những nội dung này vào các hành vi nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu quy định tại Điều 22, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng khái niệm “bảo hiểm không tồn tại” là khái niệm trừu tượng, cần phải được hiểu như thế nào, đề nghị rà soát lại để đảm bảo thực thi pháp luật thực tế và đảm bảo tính thống nhất.

Tán thành sự cần thiết sửa đổi dự án Luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, nhấn mạnh, trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay, kinh doanh chứa đựng nhiều rủi ro, cuộc sống đối mặt nhiều khó khăn, thách thức thì càng cần bảo hiểm tài sản và bảo hiểm con người. Đây là cách tiếp cận phù hợp để sửa đổi dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Liên quan đến Báo cáo đánh giá tác động, Chính phủ có một số đánh giá chưa được làm rõ, đặc biệt là những chính sách thay đổi cơ bản so với Luật hiện hành như chuyển đổi mô hình tài chính của các doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin có áp dụng đổi mới sáng tạo đối với lĩnh vực bảo hiểm. Do đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị bổ sung đánh giá tác động chi tiết về những nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Về chính sách phát triển kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá cao sự chủ động của Chính phủ trong dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm như hiện nay là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần đưa nội dung này vào dự thảo Luật vì chưa thấy quy định mang tính nguyên tắc, chưa có khung hành lang pháp lý để làm cơ sở hướng dẫn văn bản pháp luật chi tiết trong Dự thảo.

Qua nghiên cứu, một số quy định của dự thảo Luật còn trùng lặp với các luật khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát lại để đảm bảo tính khả thi, thống nhất và phù hợp các luật liên quan.

Liên quan đến vấn đề kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ và quản trị rủi ro, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, Bộ Tài chính có thể ban hành các nguyên tắc về việc kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản lý rủi ro. Trên cơ sở các nguyên tắc này, với việc kinh doanh trên nền tảng công nghệ 4.0, các doanh nghiệp phải tự chủ, xây dựng quy trình, hệ thống kiểm soát nội bộ phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình và tự chịu trách nhiệm. Các cơ quan quản lý Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động quản lý của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.

Tại phiên họp, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về bảo hiểm vi mô; về tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm; về Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm; về hiệu lực thi hành…

Đồng chí Y Thanh Hà Nie Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Tổ trưởng Tổ 2 phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Y Thanh Hà Nie Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, cho biết, các ý kiến tham gia cơ bản đồng tình nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, qua đó khắc phục những hạn chế, tồn tại của luật hiện hành. Đồng thời các ý kiến cũng đi sâu nhấn mạnh một số vấn đề còn vướng mắc của dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) liên quan đến quyền, trách nhiệm, các hình thức tương đồng với quy định chung của pháp luật, đòi hỏi Cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình làm rõ các nội dung đại biểu Quốc hội nêu; đề nghị thư ký ghi chép đầy đủ, báo cáo trình lên Quốc hội./.

Bích Ngọc - Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=59925