Thảo luận những tác động của biến đổi khí hậu đối với Nam Cực

Sông băng ở Nam Cực ngày 14/9/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

* Phần lớn bãi biển ở California có nguy cơ biến mất vào cuối thế kỷ này

Ngày 31/5, Hội nghị tham vấn Hiệp ước Nam Cực (ATCM) lần thứ 45 đã khai mạc tại Helsinki, Phần Lan, với sự tham gia của khoảng 400 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu Nam Cực.

Chương trình nghị sự tập trung thảo luận vấn đề biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu đối với Nam Cực và lĩnh vực du lịch của Nam Cực.

ATCM là cơ chế ra quyết định thường niên được thành lập theo Hiệp ước Nam Cực. Đây là hội nghị đa phương, liên chính phủ quan trọng về quản trị quốc tế ở Nam Cực.

Tại phiên khai mạc ATCM lần thứ 45, bà Johanna Sumovuori - một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Phần Lan, khẳng định Hiệp ước Nam Cực đã cho thấy sức mạnh của một hiệp ước vì hòa bình và hợp tác.

Bà Sumovuori cho biết: “Hiệp ước đảm bảo bảo vệ môi trường cho toàn lục địa (Nam Cực) và cống hiến cho nghiên cứu khoa học”.

Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự toàn vẹn của hệ thống Nam Cực và đảm bảo Nam Cực vẫn là lục địa hòa bình, nơi hợp tác quốc tế có thể phát triển mạnh.

Bà Sumovuori cũng lưu ý mặc dù Bắc Cực và Nam Cực rất khác nhau nhưng có nhiều yếu tố chung. Biến đổi khí hậu cho thấy rõ nhất với tác động mạnh mẽ hơn tại hai khu vực cực của Trái Đất. Tuy nhiên, tác động không chỉ giới hạn ở các khu vực này, vì mực nước biển dâng cao do băng tan có ảnh hưởng đến toàn cầu.

Hiệp ước Nam Cực được 12 nước ký kết tại Washington, Mỹ, ngày 1/12/1959 và có hiệu lực năm 1961. Tổng số thành viên tham gia Hiệp ước hiện nay là 56 nước.

* 70% bãi biển tại bang California (Mỹ) có thể biến mất vào cuối thế kỷ 21. Đây là cảnh báo của nghiên cứu mới sử dụng vệ tinh để dự báo vùng duyên hải nổi tiếng của California sẽ như thế nào vào năm 2100, do Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) thực hiện.

California nổi tiếng với những bãi cát vàng và những con sóng bạc, song theo nghiên cứu của USGS, khoảng 25-70% số bãi biển ở California có thể biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ này.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu vệ tinh được thu thập trong hai thập kỷ qua để đánh giá địa chất của 1.770km đường bờ biển ở California.

Các nhà nghiên cứu sử dụng hình ảnh chụp từ vệ tinh, kết hợp với các mô hình nước biển dâng do biến đổi khí hậu, để tính toán hình dạng và vị trí của đường bờ biển ở bang này vào năm 2100. Mức nước biển dâng sẽ tùy thuộc vào lượng CO2 được thải ra khí quyển hiện nay và trong tương lai.

Nghiên cứu trên tiếp theo một nghiên cứu từ năm 2017 của cùng tác giả, trong đó tập trung vào tỷ lệ xói mòn bờ biển ở phía nam bang California. Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng khoảng 31-67% các bãi biển phía Nam bang California có nguy cơ biến mất.

Các bãi biển tuyệt đẹp của California đang thay đổi từng ngày. Một nghiên cứu của USGS năm 2009 đã phát hiện rằng khoảng 40% bãi biển nơi đây đang bị xói mòn dài hạn. Trong tương lai, hình dạng và kích cỡ bãi biển không còn rõ ràng, chỉ như một con sóng khi nhìn từ xa.

Các tác giả nghiên cứu kết luận cần đẩy mạnh công tác quản lý, như khôi phục đụn cát, để duy trì hiện trạng của các bãi biển.

Ủy ban Duyên hải California đã khuyến khích các thành phố gia cố bờ biển bằng việc xây dựng những bức tường biển hoặc đưa những tảng đá lớn đến đây để bảo vệ bờ biển khỏi những con sóng lớn, dù tường biển có thể khiến cát bị trôi nhanh hơn. Khôi phục các đụn cát tự nhiên cũng có thể giúp bảo vệ bờ biển.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/299225/thao-luan-nhung-tac-dong-cua-bien-doi-khi-hau-doi-voi-nam-cuc.html