Tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể

Ngày 23.4, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đồng chủ trì tổ chức hội thảo trực tuyến quốc gia về 'Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể'.

Lãnh đạo Liên minh HTX, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Tây Ninh tham dự tại điểm cầu Tây Ninh.

Bà Cao Xuân Thu Vân- Bí thư Đảng đoàn Liên minh HTX Việt Nam chủ trì hội nghị.

Tham dự tại điểm cầu Tây Ninh có lãnh đạo Liên minh HTX, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Chi nhánh Tây Ninh; đại diện các sở, ngành; ngân hàng thương mại và các HTX hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Để kinh tế tập thể tiếp tục đổi mới, phát triển thì chính sách tín dụng đối với kinh tế tập thể, HTX luôn được đề cập trong các chính sách pháp luật về HTX.

HTX đã và đang khẳng định vai trò, bản chất, giá trị đích thực; là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội địa phương; thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho kinh tế hộ thành viên, tham gia xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tại hội thảo, các HTX cũng nêu lên khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng để hoạt động. Hiện nay, hạn chế lớn nhất là các HTX chưa tiếp cận được nhiều nguồn vốn tín dụng, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các HTX.

Nguồn vốn đầu tư mua sắm phương tiện sản xuất chủ yếu để đáp ứng nguồn vốn lưu động của HTX là chính, trong khi để triển khai một dự án mới khi vay vốn đòi hỏi HTX phải có nguồn vốn đối ứng từ 20%-30% vốn đầu tư của dự án. Đây là yêu cầu bắt buộc khi vay vốn ngân hàng, mà việc định giá tài sản thế chấp thường không tìm được tiếng nói chung về giá trị tài sản thế chấp giữa bên vay và bên cho vay, rất nhiều HTX hiện nay khó đáp ứng được.

Các chính sách tín dụng hỗ trợ về cơ chế, chính sách nhưng các ngân hàng cho vay phải tự chịu trách nhiệm khi rủi ro xảy ra, trong khi nhu cầu vay từ các HTX chủ yếu với hình thức không bảo đảm tài sản nên các ngân hàng vẫn e dè khi cho HTX vay vốn, chủ yếu cho vay trực tiếp các thành viên của HTX.

Đại biểu tham dự hội thảo tại điểm cầu Tây Ninh.

Liên minh HTX các tỉnh, thành kiến nghị các cơ quan nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong quá trình thực hiện các thủ tục phục vụ việc quyết định cho vay và giám sát tình hình sử dụng vốn vay, bảo đảm nguồn vốn được cho vay đúng đối tượng, giảm thiểu rủi ro và vốn được sử dụng có hiệu quả.

Đối với đối tượng được thụ hưởng chính sách là các HTX cũng cần có giải pháp củng cố, nâng cao uy tín, tạo niềm tin đối với người được giao nhiệm vụ cấp tín dụng là các Ngân hàng.

Các tỉnh, thành cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật HTX năm 2023 (hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024). Luật lần này được xem là đã hoàn thiện các quy định về bản chất HTX, phát triển thành viên mở rộng đối tượng tham gia thông qua các quy định về bổ sung phân loại thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức, chuyên gia… có thể tham gia góp vốn, góp sức lao động, liên kết sản xuất kinh doanh cùng phát triển.

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đưa ra một số giải pháp, kiến nghị đẩy mạnh đầu tư tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể, HTX như: đề nghị NHNN ban hành các gói ưu đãi lãi suất và điều kiện vay vốn nhắm đến đối tượng khách hàng là HTX.

HTX Dịch vụ nông nghiệp Bàu Đồn (huyện Gò Dầu) cấy lúa bằng máy.

Chính quyền, các bộ, ban, ngành, cơ quan Nhà nước và NHNN có chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn lực, ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp hữu cơ, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, mở rộng thị trường cho kinh tế tập thể, bảo đảm thống nhất, đồng bộ.

Tại hội thảo, các bộ, ngành đề nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục cân đối vốn, tập trung tín dụng cho các tổ chức kinh tế hợp tác;, HTX hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; các mô hình HTX kiểu mới hiệu quả; HTX tham gia phát triển các sản phẩm có thế mạnh, sản xuất theo chuỗi ứng dụng công nghệ cao, có giá trị thương mại cao; HTX đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phù hợp với quy định của pháp luật.

Thành viên HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) trao đổi kinh nghiệm trồng xoài.

Có đại biểu đề nghị ưu tiên phát triển các HTX quy mô lớn gắn với vùng nguyên liệu và liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản; sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; ứng dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông minh; đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chú trọng đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đầu tư mới trang thiết bị máy móc hiện đại, đồng bộ, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung đầu tư chiều sâu để sản phẩm đạt chất lượng cũng như giá trị thẩm mỹ cao...

Nhi Trần

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/thao-go-vuong-mac-trong-tiep-can-von-tin-dung-doi-voi-khu-vuc-kinh-te-tap-the-a171873.html