Tháo gỡ khó khăn về vật liệu thi công Dự án đường cao tốc Bắc- Nam

Dự án thành phần Mai Sơn - QL45 thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng. Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Ninh Bình đang nỗ lực giải quyết dứt điểm những khó khăn trong việc khan hiếm vật liệu xây dựng phục vụ cho việc thi công dự án đảm bảo chất lượng theo đúng tiến độ đề ra.

Thi công trên đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc- Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45 có tổng chiều dài là 63,37km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Ninh Bình dài 14,35km được khởi công từ tháng 9/2020, kế hoạch hoàn thiện vào tháng 12/2022. Hiện nay công tác thi công dự án đang không đảm bảo kế hoạch đề ra do thiếu nguồn cung vật liệu để thi công đắp nền đường.

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết: Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 và Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 về áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.

Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh đã cấp phép và công khai danh sách các mỏ khoáng sản làm vật liệu phục vụ Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện khai thác mỏ.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh hiện có 05 mỏ khoáng sản, bao gồm 3 mỏ đất và 2 mỏ đá đã được UBND tỉnh cấp phép và xác định khai thác phục vụ nhu cầu vật liệu cho Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.

Trong đó, 4 mỏ đang được khai thác phục vụ công tác thi công là: mỏ đất đồi Thống Nhất (thuộc đồi Giàng), xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp diện tích mỏ 6,2 ha, trữ lượng mỏ 908.000 m3, công suất khai thác 49.000 m3 /năm; Mỏ đất đồi Trại Vòng, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp diện tích mỏ 26,37 ha, trữ lượng mỏ 8.583.013 m3, công suất khai thác 490.000 m3 /năm; Mỏ đá núi Thung Trẽ Dưới, xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư diện tích mỏ 10,2 ha, trữ lượng mỏ 3.908.069 m3, công suất khai thác 160.000 m3 /năm; Mỏ đá Đồng Giao, phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp diện tích mỏ 1,66 ha, trữ lượng mỏ 525.492 m3, công suất khai thác 25.000 m3 /năm.

Đối với mỏ đất đồi Sòng Vặn, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp của Công ty cổ phần Nhật Quân Anh đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, diện tích mỏ 30ha; trữ lượng mỏ 7.168.800 m3 ; công suất khai thác 200.000 m3 /năm; thời hạn khai thác 30 năm, hiện chưa khai thác.

Ngoài ra, 2 mỏ khoáng sản của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường được Ban Quản lý dự án Thăng Long chấp thuận nguồn đất đắp cung cấp cho dự án là: Mỏ đất, đá núi Voi Trong, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp và đồi Ngang núi Béo, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô có diện tích mỏ 40 ha, trữ lượng mỏ 24.842.313 m3, công suất khai thác 615.000 m3 /năm; Mỏ đất, đá đôi Ba Mào, xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp diện tích mỏ 7,9 ha, trữ lượng mỏ 1.948.478 m3, công suất khai thác 500.000 m3 /năm.

Cùng với việc giải quyết các nguồn cung ứng vật liệu đắp nền đường cho dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, đoạn Mai Sơn- Quốc lộ 45, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành, địa phương công bố minh bạch, công khai kịp thời giá vật liệu xây dựng thông thường và giám sát việc cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.

Hàng tháng, các ngành, địa phương liên quan bám sát sự biến động giá cả thị trường của vật liệu xây dựng phổ thông, thường xuyên khảo sát, công bố giá vật liệu xây dựng, kịp thời đáp ứng yêu cầu của các đơn vị tư vấn, chủ đầu tư, nhà thầu trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh cũng sẽ thường xuyên theo dõi, khảo sát, nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân, cung ứng vật liệu có hành vi găm hàng, ép giá đối với mặt hàng vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án, UBND tỉnh sẽ xem xét, xử lý theo quy định.

Đồng thời yêu cầu, trong quá trình thi công thực hiện dự án, các nhà thầu cần đảm bảo các yêu cầu về môi trường, hạn chế gây tác động ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông, sinh hoạt và sản xuất của người dân, có phương án khắc phục, trả lại hiện trạng sau khi hoàn thành dự án. Các sở, ngành, địa phương phối hợp với chủ đầu tư, tạo điều kiện để dự án trọng điểm quốc gia được triển khai thuận lợi, đảm bảo tiến độ đề ra.

Nguyễn Thơm- Anh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thao-go-kho-khan-ve-vat-lieu-thi-cong-du-an-duong-cao-toc/d20220306093927673.htm