Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế hợp tác xã phát triển bền vững

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu, hợp tác xã (HTX) phát triển bền vững mới giúp ngành nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi tình cảnh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

Bà Cao Xuân Thu - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững”.

Bà Cao Xuân Thu - Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững”.

HTX có nhiều “cái giàu”

Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững” do Liên minh HTX Việt Nam, Tạp chí Kinh doanh tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Bản Dao (Hòa Bình) cho biết, HTX của bà được thành lập với mục đích phát triển mô hình kinh tế bền vững, tạo việc làm, bao tiêu sản phẩm làm ra cho người lao động. HTX còn tham gia triển khai nghiên cứu, bảo tồn cây dược liệu, cây gỗ quý hiếm.

Là thành viên của Liên minh HTX Việt Nam, HTX của bà được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tập huấn kiến thức về phát triển KTTT, tham gia hội chợ thương mại… Chình vì vậy, HTX có sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao. Ngoài ra, nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với các HTX hiện tại đó là công nghệ số, đưa sản phẩm lên sàn thương mại gặp phải khó khăn.

Ông Hoàng Văn Thám - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) cho biết, HTX hướng đến nền sản xuất xanh. Tuy nhiên hiện nay, HTX gặp khó khăn trong thay đổi nhận thức cho cả nông dân và đội ngũ lãnh đạo quản lý.

Để xuất khẩu sang thị trường khó tính, điều đầu tiên là doanh nghiệp phải phát triển vùng nguyên liệu sạch. Tuy nhiên, việc phát triển cũng không hề dễ. Theo đó, doanh nghiệp phải đồng hành cùng với bà con nông dân, HTX chuyển đổi quy trình sản xuất. Đầu tư xanh là một khoản đầu tư cho tương lai không phải khoản chi phí, bởi bà con dùng phân bón hữu cơ để tiết kiệm chi phí. Thêm vào đó, doanh nghiệp, HTX phát triển xanh nhưng vùng xung quanh không chuyển đổi thì sản phẩm không đồng đều nên cần sự chung tay của cấp chính quyền, địa phương.

Theo thống kê, hiện nay, cả nước có gần 30.000 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 60%, với 3,5 triệu thành viên, tác động lớn về xã hội. Vì vậy, HTX nông nghiệp cần được đặc biệt quan tâm.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân, lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ rằng nói tới HTX thấy yếu thế, nghèo về nhiều thứ, nhân lực, tài lực, kinh nghiệm. Song, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhìn nhận suy nghĩ này cần thay đổi vì HTX có nhiều “cái giàu”: giàu tính cộng đồng, tình cảm, liên kết, đất đai, nguồn lực con người.

Tuy nhiên, bà Cao Xuân Thu Vân thừa nhận, cái yếu của HTX là liên kết sản xuất chuỗi từ sản xuất, phân phối. Hay nói cách khác, yếu nhất hiện nay là yếu quản trị.

Bà Cao Xuân Thu Vân cũng cho rằng, HTX cần chính sách đặc thù chứ không phải chính sách ưu tiên. Trên thế giới, vai trò của HTX rất quan trọng. Tại Hà Lan, thành viên HTX gấp 3 lần dân số, một người tham gia làm thành viên nhiều HTX. Còn ở Hàn Quốc, mô hình HTX có nhiều thành viên, giáo viên của họ là thành viên HTX, phụ huynh học sinh là thành viên HTX. Các nước trên thế giới cũng có HTX giáo dục, y tế. Đây là những vấn đề mà Việt Nam cần lưu ý.

Chuyển đổi xanh để phát triển bền vững

TS. Vũ Mạnh Hùng - Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) chỉ ra nhiều cơ hội phát triển cho các HTX khi chuyển đổi xanh. Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo cơ hội cho các HTX nông nghiệp chuyển đổi xanh như: Quyết định số 1658 về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.

Theo TS. Vũ Mạnh Hùng, các HTX nông nghiệp sẽ có cơ hội chuyển đổi, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong hoạt động nông nghiệp. Chuyển đổi xanh là xu hướng toàn cầu, ở đó các HTX nông nghiệp sẽ có cơ hội liên kết, hợp tác, tiếp cận mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế, từ đó mở rộng quy mô hoạt động của HTX, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các HTX nông nghiệp cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, các cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đối với các HTX. Bên cạnh đó, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX nông nghiệp.

Ngoài ra, các HTX nông nghiệp cần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm. Việc sản xuất có trách nhiệm chính là thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững hoặc hướng tới bền vững và không làm hại tới môi trường. Sử dụng hạn chế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững như VietGAP hay các tiêu chuẩn thế giới; sản xuất bền vững tiến tới áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính.

“Việc chế biến tiêu dùng cũng cần phải thay đổi, các doanh nghiệp chế biến cũng phải đảm bảo những yêu cầu tiêu chuẩn chế biến, các tiêu chuẩn để đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu…”, TS. Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ông Hoàng Văn Thám, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) cho biết, để thay đổi nhận thức cho khu vực HTX về phát triển nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh, Nhà nước cần có chính sách thực chất hỗ trợ cho các HTX. Ngoài ra, cần có cơ chế phát triển nguồn nhân lực cho các HTX, nếu thiếu nguồn nhân lực thì HTX sẽ không phát triển được, nguồn nhân lực quyết định sự thành bại đi lên của HTX.

Theo VNBusiness

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/thao-go-kho-khan-thuc-day-kinh-te-hop-tac-xa-phat-trien-ben-vung-1926000.html