THÁO GỠ KHÓ KHĂN, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, nhìn lại những thành tựu và ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Y trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, các đại biểu Quốc hội bày tỏ tin tưởng ngành Y năm 2024 sẽ ngày càng phát triển, tiếp tục giải quyết những khó khăn, bất cập của ngành Y, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trân trọng những đóng góp thầm lặng của những “chiến sĩ áo trắng”

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là dịp để nhìn lại những thành tựu và ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành Y trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Qua nhiều thập niên xây dựng và phát triển, ngành Y tế Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Hệ thống y tế được củng cố và phát triển rộng khắp từ trung ương đến địa phương, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên rõ rệt, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng, tỷ lệ tử vong do bệnh tật giảm đáng kể.

Đằng sau những thành tựu đó là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y tế. Các thầy thuốc, bác sĩ đã ngày đêm miệt mài cống hiến, không ngại gian khổ, hy sinh cả sức khỏe và hạnh phúc cá nhân để cứu chữa bệnh nhân, mang lại sự sống cho nhiều người. Trong cuộc làm việc mới đây với Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, nghề y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, do vậy, người thầy thuốc có vinh dự to lớn, nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng hết sức nặng nề.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khi đến thăm và làm việc tại Bộ Y tế nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khi đến thăm và làm việc tại Bộ Y tế nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, trong suốt chặng đường xây dựng, trưởng thành, gắn với sự phát triển của đất nước, đội ngũ cán bộ, bác sỹ, nhân viên ngành Y tế đã thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “lương y phải như từ mẫu”, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức, xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế giỏi về chuyên môn, giàu tình thương yêu và lòng tận tụy, trách nhiệm với người bệnh.

Công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân đạt kết quả đáng tự hào; các chỉ số sức khỏe của người dân Việt Nam được nâng lên rõ rệt, tốt hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người và được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Chủ tịch Quốc hội biểu dương ngành Y tế từ đầu nhiệm kỳ đã vượt mọi khó khăn, kiểm soát, khống chế thành công đại dịch Covid - 19; trân trọng, cảm ơn những đóng góp, hy sinh thầm lặng của những “chiến sĩ áo trắng” đã bất chấp nguy hiểm, sẵn sàng hy sinh sức khỏe, tính mạng của bản thân, đi vào tâm dịch, cống hiến hết sức mình, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của Nhân dân.

Đối với nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội mong Bộ Y tế và toàn ngành Y tế tiếp tục quán triệt đầy đủ vai trò của ngành y tế, lời căn dặn của Bác Hồ đối với cán bộ, nhân viên y tế và chủ trương của Đảng ta đối với lĩnh vực y tế, tập trung nhất tại Nghị quyết số 20, Nghị quyết số 21 của Trung ương Đảng về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.

Kỳ vọng tháo gỡ các khó khăn, bất cập

Chia sẻ về những khó khăn của ngành y tế trong thời gian vừa qua, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho biết, Những hệ quả từ năm 2022 – khi đại dịch Covid-19 vẫn còn hoành hành khá nặng nề, chưa chấm dứt, cùng với đó sự đứt gãy về thuốc men, trang thiết bị hay loạt cán bộ ngành y dính vào lao lý dẫn đến năm 2023 phải gánh chịu.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, bước sang năm 2023, ngành y tế tiếp quản những khó khăn đó. Song, trong công tác tổ chức có một sự thay đổi rất lớn, mang tính quyết định của toàn ngành đó là thay đổi cán bộ từ Thứ trưởng lên đến Bộ trưởng, thậm chí điều động một Bí thư Tỉnh ủy về làm Bộ trưởng- điều chưa từng có tiền lệ. Đặc biệt, Luật Khám bệnh chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV ngày 9/1/2023, cho thấy Quốc hội thấu hiểu về sự cần thiết ban hành Luật này. Đồng thời cũng kỳ vọng sẽ tạo “cú hích” nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

cho rằng ngành y vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, cán bộ được bổ nhiệm nhưng vẫn chưa dám làm, vì có nhiều lý do như: Chưa quen việc, chưa quen với quy định mới của Luật, chưa quen cơ chế, tình trạng thiếu thuốc men, sinh phẩm y tế vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để; lòng tin của người bệnh đối với ngành y tế vẫn chưa được như trước đây.

Đặc biệt, khó khăn lớn nhất vẫn là tiếp tục ổn định tổ chức, ổn định tâm tư tình cảm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tìm kiếm được những cán bộ “7 dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, ngành Y tế phải tiếp tục ổn định hơn nữa về tinh thần, thái độ, tư tưởng, bình tĩnh và quyết tâm và phải thấy được Đảng và Nhà nước bên cạnh xử lý những sai sót thì đã tạo điều kiện hết sức. Đại biểu cũng bày tỏ kỳ vọng vào sự thay đổi về y đức của cán bộ y tế, thay đổi tốt hơn nữa để lấy lại tình cảm của người bệnh, của nhân dân. Nhân dân, cử tri, bệnh nhân chia sẻ, đồng hành cùng với ngành y tế để tháo gỡ khó khăn. Các cán bộ lãnh đạo các cấp chính quyền phải đồng hành, vào cuộc cùng ngành y tế.

Đồng thời, đại biểu cũng kỳ vọng vào sự lãnh đạo của Bộ Y tế, bên cạnh những việc đã làm tốt, cần tận dụng được hết sức mạnh của đội ngũ các chuyên gia ngành y, những người có kinh nghiệm. Đại biểu tin tưởng ngành Y năm 2024 sẽ ngày càng phát triển, tiếp tục giải quyết những khó khăn, bất cập của ngành Y, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phát triển hệ thống y tế tư nhân

Cùng quan tâm đến sự phát triển của ngành y tế, tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Lê Văn Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã nêu quan điểm về việc phát triển hệ thống y tế tư nhân trong công cuộc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Theo đó, hệ thống y tế tư nhân đang phát triển mạnh mẽ, Nhà nước, Bộ Y tế có nhiều chính sách khuyến khích y tế tư nhân phát triển. Thời gian qua, cùng với hệ thống y tế công lập, hệ thống y tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Số giường bệnh nội trú của hệ thống y tế tư nhân chiếm khoảng 6%, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú trong hệ thống y tế tư nhân chiếm tỷ lệ khá cao. Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, trong đó tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, hệ thống y tế tư nhân đang cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao.

Đại biểu Lê Văn Cường nhận định, dù vậy y tế tư nhân đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là nhân lực, trong khi tại các bệnh viện tư nhân, việc tự đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chưa dồi dào nên có sự dịch chuyển nhân lực từ hệ thống y tế công lập sang hệ thống y tế tư nhân, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vì vậy, trong tương lai, để hệ thống y tế tư nhân phát triển, đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, cần đầu tư về trang thiết bị, quản lý chất lượng, tập trung đào tạo, tự đào tạo nhân lực để có giải pháp bền vững và dài hạn hơn.

Đại biểu Lê Văn Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Phản ánh lo ngại của cử tri rằng, một số cơ sở y tế tư nhân đã tìm cách sử dụng nhiều dịch vụ để tăng nguồn thu, đại biểu Lê Văn Cường nhấn mạnh, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan có nhiều biện pháp để phòng ngừa, phòng chống hiện tượng chỉ định vượt quá khả năng chi trả của người bệnh hoặc trục lợi, lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm.

Các kết quả khảo sát, giám sát cho thấy có hiện tượng này ở một số nơi, do vậy ngành Y tế và các cơ quan liên quan đã tích cực ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra để hạn chế tối đa hiện tượng này, đảm bảo quyền lợi cho người dân khi khám bệnh, chữa bệnh, nhất là khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT ở các cơ sở y tế ngoài công lập.

Theo đại biểu Lê Văn Cường, để đạt tỷ lệ 15% giường bệnh trong hệ thống y tế tư nhân vào năm 2030 theo Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng gặp không ít khó khăn. Bởi có thời gian qua hệ thống y tế tư nhân, đặc biệt là cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nội trú phát triển rất mạnh nhưng thời gian tới, việc tiếp tục phát triển để đạt mục tiêu 15% giường bệnh nội trú trong hệ thống y tế tư nhân như Nghị quyết 20 đề ra là không dễ dàng.

Hệ thống y tế tư nhân có điểm mạnh đó là năng lực quản trị hiện đại và linh hoạt, vì vậy, đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, hệ thống y tế tư nhân cần có chiến lược để phát triển bền vững, trong đó khó khăn nhất của hệ thống y tế tư nhân đó là nguồn nhân lực.

Ngoài ra, cần tập trung vào chất lượng của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bên cạnh quan tâm đầu tư phát triển dịch vụ kỹ thuật cao. Cần quan tâm phát triển y tế cơ sở, kết nối với hệ thống y tế công lập để có sự hỗ trợ phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đồng thời, nhà nước cũng cần nghiên cứu các chính sách phù hợp để y tế tư nhân phát triển bền vững.

Hồ Hương

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=84900