Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Sáng 12/5, tại Trung tâm tổ chức hội nghị tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề: 'Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao'.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Tham dự Hội thảo có gần 300 đại biểu là các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đại biểu Quốc hội, đại diện Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể trung ương; đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố; đại diện cơ quan quản lý các thiết chế văn hóa, thể thao ở trung ương và thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; đại diện một số hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề: “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao".

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH TW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: Hội thảo hướng tới mục tiêu rà soát, đánh giá toàn diện việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao; việc bố trí, huy động các nguồn lực cho thiết chế văn hóa, thể thao. Từ đó, đề xuất các giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động tối đa nguồn lực phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế, phục vụ nhu cầu của đông đảo nhân dân, đáp ứng yêu cầu về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đặc biệt, Hội thảo sẽ cung cấp và làm rõ hơn các căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn, làm cơ sở để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sắp tới.

Chính sách và nguồn lực phát triển thiết chế văn hóa, thể thao (Nguồn: vtvgo.vn)

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định: Các thiết chế văn hóa, thể thao có một vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao nước nhà. Đây có thể được coi là hạ tầng cho các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển; nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo, phổ biến, thực hành và hưởng thụ các giá trị văn hóa; nơi rèn luyện thể chất, nâng cao thể lực và phát triển toàn diện con người Việt Nam; nơi bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa đặc sắc, các hoạt động thể thao truyền thống có lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ những thiết chế văn hóa, thể thao nghèo nàn, lạc hậu, nhiều lúc, nhiều nơi bị lãng quên, hoạt động khép kín, biệt lập, thiếu kết nối, thậm chí xa rời với mục tiêu ban đầu, chúng ta đã xây dựng và phát triển được một hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tương đối toàn diện và đồng bộ, bao phủ rộng khắp từ trung ương tới cơ sở, từ các đô thị cho đến những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng biên giới hải đảo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, sự vận hành của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay đang bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập; tồn tại những nghịch lý, khó khăn, vướng mắc kéo dài chưa được khắc phục. Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng kinh phí đầu tư để phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao còn rất hạn chế, được tiến hành theo lối “nhỏ giọt, ăn đong”; trong khi nhiều thiết chế văn hóa, thể thao có cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật vẫn còn lạc hậu, quỹ đất ít ỏi, chưa đáp ứng yêu cầu; thì vẫn có một số thiết chế văn hóa, thể thao dù đã được đầu tư rất tốn kém nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, thậm chí “bỏ hoang”, gây ra lãng phí lớn; nhiều rạp hát, sân tập và nhà thi đấu thể thao được đầu tư khá hiện đại song do không hoạt động hiệu quả đã nhanh chóng xuống cấp và hầu như phải đóng cửa, ít có thời gian “sáng đèn”; kinh phí hoạt động cho các thiết chế văn hóa, thể thao nhìn chung rất hạn hẹp, nhiều cơ sở chỉ đủ để hoạt động cầm chừng. Bộ máy hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao kém hiệu quả; nguồn nhân lực cả chuyên môn và quản lý đều chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tiền lương và đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ làm việc tại các thiết chế văn hóa, thể thao chưa thỏa đáng. Công tác hướng dẫn và tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa được coi trọng, thiếu tính chủ động, sáng tạo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, có một thực tế là, chủ trương của Đảng về quan tâm đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao đã rõ, nhất là những chủ trương về xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; phát triển đồng bộ các loại hình thiết chế văn hóa, thể thao; đổi mới nội dung, phương thức quản lý hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao từ trung ương đến cơ sở; đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa và các lĩnh vực kinh tế thể thao phù hợp với cơ chế thị trường…Tuy nhiên, khi đi vào tổ chức thực hiện thì nhiều địa phương, đơn vị vẫn không biết phải bắt đầu làm từ đâu và phải làm như thế nào. Không ít chính sách, quy định của pháp luật vẫn nặng về hướng dẫn chung chung, chưa cụ thể hóa đầy đủ dẫn đến tình trạng “mạnh ai, nấy làm”, cả trong đầu tư nguồn lực và tổ chức hoạt động. Một số nội dung, hình thức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao vẫn chưa được điều chỉnh bởi văn bản quy pháp pháp luật; trong khi đó, các chính sách đã được ban hành lại thiếu sự liên thông, đồng bộ. Việc ban hành chính sách cũng chưa thật sự chú ý tới tính đặc thù của một số lĩnh vực văn hóa, thể thao như văn hóa tinh hoa, bác học và thể thao thành tích cao. Một số quy định về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của các thiết chế văn hóa, thể thao không phù hợp với thực tiễn. Điều này khiến cho nhiều thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là trong lĩnh vực văn hóa, thể thao truyền thống, thật sự gặp khó khăn, lúng túng trong quá trình tiến tới tự chủ tài chính, phải xoay xở “giật gấu vá vai”, thậm chí biến tướng “lách luật” trong việc huy động, phân bổ các nguồn lực và tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật, biểu diễn.

Để góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về luật pháp, cơ chế, chính sách, nhất là liên quan đến huy động và phân bổ có hiệu quả nguồn lực cho phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng những yêu cầu mới, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung phân tích, làm sâu sắc hơn những nội dung: hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách; tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung về phát triển thiết chế văn hóa, thể thao trong quy hoạch tổng thể; tăng cường quản lý, sử dụng, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường huy động các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, thể thao; tổ chức bộ máy, nhân sự và công tác đào tạo nguồn nhân lực...

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Tại Hội thảo, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hơn hai năm cụ thể hóa những ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, không thể phủ nhận những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực văn hóa, trong đó việc đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa ngày càng được chú trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng phải quan tâm, từ việc nhận thức phải đúng và đồng bộ đến tháo gỡ những nút thắt trong chính sách đầu tư, tránh dàn trải, để có thể đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trong thời gian tới, cần thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc, toàn diện hơn nữa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong tiến trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống thiết chế văn hóa để có những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa, tạo ra mạng lưới hệ thống thiết chế văn hóa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ, tham gia và sáng tạo văn hóa của mỗi người dân, tạo mọi điều kiện để các công trình thiết chế văn hóa trở thành địa chỉ gắn bó thân thuộc của người dân ở cơ sở.

Thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa; bố trí quỹ đất hợp lý, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng cấp, bảo đảm diện tích sử dụng theo chức năng của các thiết chế; tạo sự đồng bộ giữa mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch các thiết chế văn hóa trong không gian văn hóa công cộng.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn; chú trọng các nhóm chính sách về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; quy hoạch, đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ; tăng cường công tác quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động của ngành văn hóa, thể thao và du lịch; từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy chế đối với các hoạt động văn hóa, nhất là ở cơ sở.

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học sẽ cùng trao đổi, thảo luận và có những kiến nghị, đề xuất các giải pháp để hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tinh thần chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa, con người Việt Nam./.

Huy Lê

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/thao-go-diem-nghen-ve-chinh-sach-va-nguon-luc-cho-phat-trien-thiet-che-van-hoa-the-thao-664871.html