Tháo gỡ điểm nghẽn hợp tác công - tư trong thể thao

Theo quy định của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), 1 sân vận động chỉ được phép tối đa 2 câu lạc bộ sử dụng làm sân nhà ở giải vô địch quốc gia. Tuy nhiên, hiện có 3 đội bóng lại đang cùng sử dụng sân Hàng Đẫy tại V.League 2023-2024 là Hà Nội FC, Công an Hà Nội và Thể Công Viettel, khiến sân bóng này bị quá tải.

Vấn đề được đặt ra là hiện nước ta đang trong tình trạng thiếu các sân vận động quy mô, hiện đại dành cho thi đấu chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc thiếu cơ chế cho phép tư nhân được đầu tư, quản lý các thiết chế văn hóa - thể thao, càng khiến cho bất cập này trở nên khó tháo gỡ.

Năm 2018, 1 tập đoàn lớn thông báo sẽ đầu tư khoảng 6000 tỷ đồng xây lại SVĐ Hàng Đẫy thành tổ hợp thương mại - giải trí - thể thao tầm cỡ thế giới. Nhưng dự án này đã phải hủy bỏ vì thiếu cơ chế cho phép tư nhân được đầu tư và quản lý các thiết chế văn hóa - thể thao. Có lẽ đây cũng là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến 3 đội bóng chuyên nghiệp của Thủ đô phải dùng chung 1 sân vận động làm sân nhà.

2 năm trước, câu chuyện về Sân vận động quốc gia Mỹ Đình xuống cấp, không đủ tiêu chuẩn thi đấu quốc tế đã khiến nhiều người xót xa. Thời điểm đó, có ý kiến đề xuất một cơ chế hợp tác công tư để quản lý, khai thác hiệu quả sân vận động. Nhưng sau đó đề xuất trên không thể thực hiện do Luật Đầu tư công, hay Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa áp dụng cho lĩnh vực thể thao, văn hóa.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này đã đề xuất áp dụng phương thức PPP đối với các dự án trong lĩnh vực văn hóa và thể thao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Với tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án để thanh toán hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc dự án PPP và chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Hà Giang - Công Kiên

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thao-go-diem-nghen-hop-tac-cong-tu-trong-the-thao-219351.htm