Tháo gỡ điểm nghẽn cho xuất khẩu vùng Tây Nguyên

Sáng 26/4, tại TP Buôn Ma Thuột, Bộ Công thương phối hợp cùng UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Công thương, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, các Hiệp hội ngành hàng cùng đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh trong và ngoài nước, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến thương mại - Bộ Công thương cho biết, với khoảng 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp, Tây Nguyên được đánh giá là vùng nông nghiệp có tốc độ phát triển nhanh, bước đầu theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành những vùng sản xuất tập trung. “Nông nghiệp là thế mạnh nhưng lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Tây Nguyên trên thị trường còn thấp. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu dạng nguyên liệu thô, chưa có thương hiệu mạnh nên giá trị mang lại không cao”, ông Phú nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu của vùng còn trong tình trạng phân tán, nhỏ lẻ. Việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, yêu cầu, điều kiện trong quá trình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm còn hạn chế. Việc thực hiện chuyển đổi số một số nội dung trong hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp của vùng chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.

Thực trạng này đòi hỏi cần có sự thay đổi về tư duy, nhận thức, phương thức tiếp cận trong khai thác các lợi thế đặc thù của vùng Tây Nguyên, tìm biện pháp liên kết vùng thực sự hiệu quả để giúp vùng Tây Nguyên có thể phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng, biến tiềm năng thành động năng, tiềm lực, nguồn lực lớn. Đưa Tây Nguyên trở thành vùng chuyên canh lớn cây công nghiệp, cây ăn quả, góp phần quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của cả nước, đồng thời từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế trọng điểm. "Việc tổ chức hội nghị lần này nhằm mục tiêu tháo gỡ những điểm nghẽn, để đưa Tây Nguyên phát huy hết tiềm năng, lợi thế”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk tham gia thảo luận tại hội nghị.

Theo ông Bùi Nhật Minh, đại diện Cục xuất nhập khẩu Bộ Công thương, thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã và đang tập trung phát triển mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa với nhiều sản phẩm nông sản chủ lực truyền thống như cà phê, cao su, hồ tiêu, sầu riêng… xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, EU… Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp nên xét về quy mô xuất nhập khẩu vẫn còn nhiều hạn chế. “Điển hình như trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cả vùng Tây Nguyên chỉ đạt 4,65 tỷ USD, chiếm 1,36% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, xếp thứ 6/6 vùng về quy mô xuất nhập khẩu. Một con số hết sức khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của vùng”, ông Minh nhấn mạnh.

Ông Lê Tấn Dũng, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Thăng Tiến, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk kiến nghị về việc tiêu thụ, sản xuất, xuất khẩu mặt hàng sầu riêng trên địa bàn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản vùng Tây Nguyên vẫn còn nhỏ lẻ, phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống, không ổn định, thiếu các bạn hàng lớn. Khi những thị trường này có biến động sẽ ảnh hưởng rất lớn và tiêu cực đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản vùng Tây Nguyên. “Bên cạnh đó, hệ thống logistisc của vùng còn nhiều hạn chế. Toàn vùng Tây Nguyên hiện chỉ có duy nhất quốc lộ 14 là con đường kết nối hầu hết các tỉnh trong vùng với một số vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Duyên hải miền Trung nhưng đang bị quá tải. Kết nói Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung hiện dựa vào những tuyến quốc lộ đã có từ lâu, xuống cấp, quá tải khiến việc lưu thông hàng hóa, vận tải trở nên khó khăn…”, ông Hà nêu.

Đại biểu tìm hiểu những mặt hàng nông sản được trưng bày tại hội nghị.

Tại hội nghị, các điểu biểu cũng đã tập trung thảo luận, trao đổi thực trạng, cơ hội cũng như những thách thức và giải pháp trong việc phát triển xuất, nhập khẩu, xúc tiến thương mại trong năm 2024 và những năm tới cho vùng Tây Nguyên.

Văn Thành

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/thao-go-diem-nghen-cho-xuat-khau-vung-tay-nguyen-i729394/