Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua,

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Nông dân xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc sơ chế cây gai xanh.

Nhắc đến cây gai xanh, nông dân vùng Thung Rếch, xã Tú Sơn (Kim Bôi) thở dài ngao ngán bởi trong năm 2023, hàng hóa ứ đọng chờ đơn vị bao tiêu đầu ra sản phẩm thu mua. Do điều kiện thời tiết nồm ẩm, người dân thường xuyên phải phơi nắng để tránh tình trạng ẩm mốc… Ông Triệu Kim Lập, hộ trồng gai xanh tại xóm Kim Bắc, xã Tú Sơn trăn trở: "Gần 2 năm trở lại đây, gai xanh trở thành cây trồng giúp gia đình có thêm thu nhập để trang trải trong cuộc sống. Tuy nhiên từ giữa năm 2023 đến nay, việc thu mua và thanh toán chậm kéo dài đến cả nửa năm. Trong khi đó trước đây chỉ sau 15 – 20 ngày kể từ thời gian thu mua là các hộ đã nhận được tiền lãi. Thực tế đó khiến tâm lý của các hộ lo lắng khi hàng hóa làm ra tiêu thụ chậm dẫn đến nguồn thu nhập bấp bênh”.

Theo rà soát, cây gai xanh được trồng tập trung ở vùng Thung Rếch tại các xóm: Kim Bắc, Thung Mường, Thung Dao Bắc từ năm 2021. Do ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ, từ năm 2023 đến nay, việc thu mua và thanh toán tiền đối với các hộ trồng gai xanh diễn ra chậm hơn so với cam kết. Theo đó, diện tích gai xanh trên địa bàn hiện còn khoảng 15 ha với 10 hộ trồng, giảm 5 hộ so với thời điểm ban đầu.

Mô hình trồng cây gai xanh được thí điểm từ năm 2021 do Công ty CP An Phước liên kết với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình triển khai tại các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Lạc Sơn, Kim Bôi với tổng diện tích trên 70 ha. Qua đó đã giải quyết việc làm cho nhiều gia đình, đồng thời cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống. Quá trình triển khai mô hình, Công ty CP An Phước đã phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình hỗ trợ nguồn giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc, đồng thời bao tiêu toàn bộ đầu ra cho sản phẩm. Gai xanh là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương với địa hình thũng lũng, nhiều núi đá. Nền nhiệt trung bình dưới 300C sẽ giúp cây sinh trưởng tốt. Sau khi xuống giống khoảng 50 ngày là có thể thu hoạch. Thời tiết thuận lợi sẽ tạo điều kiện cho các hộ phát triển từ 4 – 5 lứa/năm.

Ông Lê Minh Hưng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình cho biết: "Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, đơn vị thu mua cây gai xanh là Công ty CP An Phước cũng gặp rất nhiều khó khăn, các chuỗi cung ứng hàng hóa đều bị đứt gãy. Do đó đã dẫn đến tình trạng chậm thu mua và thanh toán cho các hộ trồng gai xanh trên địa bàn tỉnh. Tình hình xuất khẩu hàng hóa năm 2024 có những tín hiệu khả quan khi doanh nghiệp đã mở rộng thị trường sang Trung Quốc và các nước trong khu vực. Phía doanh nghiệp cũng cam kết với chúng tôi tiếp tục thu mua cây gai xanh theo đúng giá thành đã ký kết, đồng thời đảm bảo bao tiêu sản phẩm lâu dài, thanh toán theo đúng thời gian quy định. Từ đầu tháng 4 đến nay, HTX đã tiến hành thu mua hết sản phẩm còn tồn đọng và thanh toán toàn bộ tiền lãi cho các hộ trồng gai xanh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các hộ trồng và nhân rộng diện tích trên địa bàn”.

Cùng với việc Công ty CP An Phước và HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo đầu ra ổn định, các hộ trồng gai xanh trên địa bàn tỉnh cũng cần nâng cao chất lượng, giá trị cây trồng. Thực tế cho thấy, sản lượng thu hoạch của các hộ hiện nay chỉ đạt từ 1 – 1,5 tấn cây khô/ha. Trong khi đó nếu thực hiện theo đúng quy trình và cây tăng trưởng tốt, sản lượng có thể thu về từ 4 - 5 tấn cây khô/ha, tổng thu ước đạt từ 120 - 150 triệu đồng/ha. Ngoài ra, các hộ trồng gai xanh cần chủ động nâng cao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất để nâng cao giá trị cây trồng, đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển và nhân rộng vùng nguyên liệu gai xanh trên địa bàn tỉnh.

Đức Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/188281/thao-go-dau-ra-cho-cay-gai-xanh.htm